Bác sĩ quá tay, bệnh nhân "no" thuốc

Bất chấp những quy chế chặt chẽ về kê đơn thuốc của Bộ Y tế cũng như khuyến cáo của các nhà chuyên môn hoặc Tổ chức y tế thế giới (WHO), người bệnh ở Việt Nam vẫn bị "nhồi no thuốc" vì bị bác sỹ kê đơn “quá tay” hoặc kê nhiều loại thuốc mà không rõ chỉ định, tác dụng.

Đơn thuốc 11 loại, uống đủ sẽ no

Đơn thuốc của một bệnh nhân ở một bệnh viện tim mạch tại Hà Nội có 11 loại, trong đó có đầy đủ các loại thuốc từ kháng sinh tới lợi tiểu, chống đông, an thần, kali, magie, thực phẩm chức năng (hỗn hợp vitamin và axit amin liều cao).

Với hướng dẫn sử dụng ghi trong đơn, bệnh nhân này sẽ uống 9 viên thuốc khác nhau vào buổi sáng, 7 viên thuốc thuốc khác nhau vào buổi tối.

Nhìn vào đơn thuốc này, dược sĩ Nguyễn Văn Ngọc, chủ một nhà thuốc trên phố Ngọc Khánh (Hà Nội) cho hay có những loại thuốc có thể bỏ đi vì không cần thiết hoặc không rõ tác dụng cụ thể.

Anh Ngọc lấy ví dụ về thuốc Magne-B6 được kê trong đơn. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân không ghi bệnh nhân bị thiếu magnesi, cũng không bị co giật.

Tuy nhiên, đơn thuốc vẫn kê vào dù magne B6 được chỉ định trong trường hợp thiếu magnesi huyết nặng hoặc bị rối loạn chức năng trong những cơn lo âu đi kèm với tăng thông khí (co giật).

Tuy nhiên, anh Ngọc cũng lưu ý: Việc dùng thuốc còn theo 'quan điểm cá nhân' của từng bác sỹ và còn tùy thuộc tiền sử người bệnh (những thông tin này đôi khi không thể hiện đầy đủ trong bệnh án, trong đơn), do đó những phân tích trên chỉ là ý kiến cá nhân của anh trên góc độ 1 dược sỹ.

Bác sĩ quá tay, bệnh nhân "no" thuốc - 1

Đơn thuốc 11 loại, có thể bỏ bớt chỉ còn 7 loại

Song dù sao, anh Ngọc cũng cho rằng có thể bỏ bớt 4 loại thuốc trong đơn trên, vừa vì lý do kinh tế (tiết kiệm cho bệnh nhân) lẫn lý do liên quan đến sự cần thiết trong điều trị.

Một đơn thuốc khác của bệnh nhân bị đau thượng vị được kê tại bệnh viện E cho thấy bệnh nhân được kê cả thực phẩm chức năng (trong khi quy định của Bộ Y tế là thực phẩm chức năng không được kê đơn).

Chưa hết, loại thực phẩm chức năng này được nhà sản xuất ghi rõ chỉ định là dùng trong trường hợp trẻ em đang lớn, phụ nữ trước, trong và sau khi sinh. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà bác sỹ đã kê cho một bệnh nhân bị bệnh viêm hang vị - một bệnh liên quan đến dạ dày, tiêu hóa!

Lạm dụng kháng sinh tràn lan


Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, nghiên cứu trên 772 bệnh án điều trị nội trú năm 2009 cho thấy có tới 12,1% số bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh cùng nhóm trong cùng một đợt điều trị!

Ngoài chuyện gây thiệt hại nặng cho quỹ BHYT thì những đơn thuốc này còn “làm hại” bệnh nhân bởi cơ thể người bệnh phải đào thải một lượng độc chất lớn hơn, đồng thời làm tăng nguy cơ kháng thuốc cũng như tương tác thuốc, gây hậu quả lâu dài cho người bệnh.

Trong nghiên cứu về “Thực trạng kê đơn thuốc điều trị nội trú tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương” công bố tháng 3/2011 trên Tạp chí Y học thực hành của Bộ Y tế, có một thông tin đáng chú ý là chi phí thuốc chiếm 50,7% chi phí điều trị.

Bác sĩ quá tay, bệnh nhân "no" thuốc - 2

Đơn thuốc kê cả thực phẩm chức năng nhưng không đúng hướng dẫn sử dụng

Trong đó, riêng chi phí cho kháng sinh đã chiếm đến 50,2% (88,7% bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh, có 13,8% bệnh nhân phải dùng từ 3 loại kháng sinh trở lên).

Điều quan trọng là tỷ lệ chỉ định xét nghiệm làm kháng sinh đồ trong số các trường hợp được chỉ định kháng sinh chỉ là 10,1%!

Chưa hết, tại bệnh viện đa khoa này, trung bình số thuốc dùng trên một người bệnh điều trị nội trú là 9,7 loại – quá cao so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (một đơn thuốc chỉ nên có 3-4 loại thuốc, tối đa năm loại là nhiều).

Điều trị kháng sinh kinh nghiệm không thích hợp là yếu tố góp phần tăng tỉ lệ thất bại điều trị hoặc tử vong của người bệnh.

Tuy nhiên, trong một diện rộng hơn, nghiên cứu của TS Lý Ngọc Kính và cộng sự (Hội khoa học kinh tế Y tế Việt Nam) đối với người bệnh tại 19 bệnh viện đầu ngành tại TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng từ tháng 12/2009 đến tháng 10/2010 cho thấy một con số đáng lo ngại: Tỉ lệ điều trị kháng sinh không thích hợp lên tới 74%!

Uống no cả thuốc điều trị lẫn thuốc bổ

Tình trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan hiện đang tiếp diễn trong các bệnh viện ở tất cả các tuyến.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua khảo sát tình hình thực tế ở các địa phương, có những đơn thuốc kê từ 2-3 loại kháng sinh song có cùng tác dụng!

Chưa hết, việc bác sỹ kê đơn thực phẩm chức năng, thuốc bổ cho bệnh nhân hiện diễn ra tràn lan.

Ông Nguyễn Xuân Bằng, Phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN) cho biết có có những bệnh viện, bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân, nhưng 20% thành phần được kê trong đơn không phải là thuốc mà chỉ là các thuốc bổ hỗ trợ, thực phẩm chức năng.

Nguyên nhân của tình trạng lãng phí này bắt nguồn từ mặt trái của xã hội hóa và ăn hoa hồng của trình dược viên và các nhà sản xuất thực phẩm chức năng.

Tiền thuốc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong chi phí khám chữa bệnh

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong lĩnh vực BHYT, năm 2011, Việt Nam có 55,9 triệu người tham gia (chiếm 64% dân số) với tổng chi phí khám chữa bệnh khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó riêng tiền thuốc ước tính 15.000 tỷ đồng, chiếm tới 60% chi phí điều trị. So với năm 2010, chi phí cho tiền thuốc đã tăng đến 28%.

Theo báo cáo của Cục quản lý dược (Bộ Y tế), tiền thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam có sự gia tăng rõ rệt qua các năm.

Năm 2001, tiền thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam là 6 USD.

Đến năm 2002, con số này tăng lên 6,7 USD. Sau 5 năm (2007), tiền thuốc bình quân đầu người đã là 13,39 USD và đến năm 2011 đã nhảy vọt lên mức 27,6 USD.

Cục quản lý Dược dự báo đến năm 2014, tiền thuốc bình quân đầu người sẽ nâng lên mức 33,8 USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ng.Anh (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN