Bác sĩ chia sẻ cảm xúc trước khi đón hàng trăm công dân nhiễm COVID-19 về nước
Các bác sĩ đã lên sẵn một số kịch bản có thể xảy ra cùng những phương án để hạn chế lây nhiễm trong chuyến bay.
Theo thông tin mới nhất từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), chuyến bay đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước sẽ khởi hành vào 7h ngày 28/7 thay vì 3/8 như kế hoạch ban đầu. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đưa người đã xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 trở về.
ThS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chia sẻ những cảm xúc và công tác đảm bảo an toàn trong chuyến bay sắp tới.
Những nhân viên y tế đi cùng đoàn đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về hồi tháng 2/2020.
“Thời gian bị đẩy lên sớm đồng nghĩa với việc khâu chuẩn bị cũng buộc phải khẩn trương hơn rất nhiều. Bởi vậy, những ngày vừa qua, kể cả ngày nghỉ, chúng tôi đã phải tập trung lắp ráp các thiết bị, tập dượt, qua đó đẩy tiến độ lên nhanh nhất. Đó là khó khăn và thách thức của bản thân tôi và mọi người trong đoàn công tác.
Buổi tối, chúng tôi tranh thủ về nhà nghỉ ngơi. Ban ngày, mọi người luyện tập thao tác và kỹ thuật để xây dựng kịch bản hướng dẫn các bạn tiếp viên. Mỗi động tác chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm lớn”, BS Hùng chia sẻ.
ThS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
BS Hùng cho biết, mọi thứ đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Đoàn công tác bao gồm hai bác sĩ và hai điều dưỡng thuộc khoa Cấp cứu với nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý và cấp cứu bệnh nhân.
Do không gian trong máy bay hẹp, số lượng người mắc bệnh nhiều, mức độ đậm đặc của virus SARS-CoV-2 trong không khí sẽ rất cao. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế, phi hành đoàn cùng những công dân khỏe mạnh là rất lớn.
Các bác sĩ đã lên sẵn một số kịch bản có thể xảy ra cùng những phương án để hạn chế lây nhiễm trong chuyến bay. Cụ thể, khoang máy bay sẽ được chia thành 4 khu vực riêng biệt cho các nhóm đối tượng nhất định. Với sự hỗ trợ của Cục Hàng không Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội, giải pháp đưa ra là thiết kế một màng chắn nylon ngăn cách giữa các khu.
Đầu tiên, khu vực cuối máy bay sẽ dành cho các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Khu vực tiếp theo được bố trí cho những người chưa có kết quả xét nghiệm hoặc có kết quả âm tính với virus. Khu thứ 3 dành cho các nhân viên y tế và khu cuối cùng, phía đầu máy bay, là nơi làm việc của phi hành đoàn.
Các bệnh nhân được sàng lọc và phân chia vị trí theo mức độ nặng nhẹ của tình trạng sức khỏe. Người bệnh nặng được ưu tiên ngồi hàng ghế trên phòng trường hợp biến cố xảy ra, các bác sĩ có thể cấp cứu kịp thời.
Sau khi đưa được bệnh nhân về nước, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch tiếp đón các công dân này. Cụ thể, các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được sắp xếp về 3 khoa bao gồm Virus - Ký sinh trùng, Nội Tổng hợp và Nhiễm khuẩn Tổng hợp. Tùy tính chất và diễn biến của bệnh nhân, bệnh viện có thể sẽ bố trí thêm khoa Cấp cứu hồi sức nếu cần.
Máy móc, trang thiết bị mang theo trên chuyến bay.
Về trang thiết bị chuyến bay đặc biệt, bác sĩ Hùng cho biết, ngay từ khi nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế, lãnh đạo bệnh viện cùng đoàn công tác đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về trang thiết bị, vật tư, thuốc cũng như các phương tiện để cấp cứu bệnh nhân ngay khi tình huống xấu nhất xảy ra.
Các nhân viên y tế, với sự giúp đỡ của Đại học Bách khoa Hà Nội, đã tạo ra buồng áp lực dương để phòng tránh lây nhiễm trong những thao tác phải tháo khẩu trang như ăn uống. Về nguyên lý, bên trong buồng sẽ chứa áp lực dương tính. Không khí đưa vào từ bên ngoài thông qua hệ thống máy lọc Hepa đã được kiểm định hiệu quả lên tới khoảng 99%. Buồng áp lực dương này sẽ ngăn không khí nhiễm virus xâm nhập vào bên trong.
Các bác sĩ lên đường đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước
Trong chuyến bay sắp tới, 4 buồng áp lực dương sẽ được bố trí trong khoang hành khách. Việc tháo lắp buồng cũng rất đơn giản. Buồng được thiết kế khung nhựa, vải nylon, trọng lượng chỉ khoảng 7-8 kg. Các nhân viên y tế sẽ chỉ mất 5-7 phút để hoàn thành việc lắp ráp cũng như tháo dỡ.
Ngoài ra, các trang thiết bị y tế được mang theo trên chuyến bay cũng đặc biệt hơn do số lượng bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều. Đoàn công tác sẽ mang thêm 2 máy thở, 2 máy khí dung, các monitor, bộ đặt ống nội khí quản và bình oxy. Các trang thiết bị này sẽ được sử dụng để tiến hành cấp cứu kịp thời trong trường hợp bệnh nhân có diễn biến xấu.
Theo kế hoạch, 7h ngày 28/7, máy bay sẽ cất cánh từ sân bay Nội Bài (Hà Nội). Chúng tôi sẽ bay 12 tiếng tới Guinea Xích Đạo. Tại đây, quá trình máy bay nạp nhiên liệu và công tác hướng dẫn công dân Việt Nam lên máy bay sẽ diễn ra trong khoảng 2-3 tiếng. Sau đó, đoàn sẽ ngay lập tức quay về Hà Nội. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 23/7, TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị xong mọi công...