“Bà Tưng” vào đề thi: Ý kiến chuyên gia
Đề thi học sinh giỏi môn Văn TP.Hải Phòng yêu cầu học sinh viết về câu nói "Tôi mơ ước có nhiều đại gia…” của “Bà Tưng” và "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" của người mẫu Ngọc Trinh. Chúng tôi hỏi ý kiến một số chuyên gia về đề thi lạ này.
Đề thi có sáng tạo
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, nguyên tắc của đề Văn mở bao giờ cũng kiểm tra hai nội dung, khả năng lập luận của học sinh xem có chặt chẽ không, có rõ không, có thuyết phục không; đề thi phải kích thích được học sinh sáng tạo, đưa ra nhận xét mới, đánh giá mới. Đề thi học sinh giỏi, người ra đề tập trung vào hai yếu tố đó.
“Tuy nhiên tôi cho rằng đề thi này không có hại, hay ảnh hưởng gì. Đề thi hay phải kích thích cho học sinh sáng tạo, thể hiện quan điểm mới”, Tiến sĩ Lâm nói.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội.
Tiến sĩ Lâm cho hay, trong năm gần đây người ra đề thường có nhiều đổi mới, nhất là trong việc ra đề thi hướng mở. Nếu đi thi có hướng mới như đề thi nêu trên thì học sinh phải thật sự giỏi mới có thể thoát ra khỏi khuôn mẫu, thể hiện sáng tạo quan điểm cá nhân. Còn đối với học sinh bình thường khi gặp đề thi hướng mới thường sẽ nặng về việc phê phán những hiện tượng xã hội này là chính. Do đó, những học sinh này không thể hiện được hết quan điểm sự sáng tạo của bản thân.
Ngày 8/10, trên mạng xã hội lan truyền đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ Văn, lớp 12 của Sở GD-ĐT Hải Phòng, trong đề có câu hỏi 3 điểm: Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?". Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền". Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ. |
Có hai thứ quyền mà học sinh cũng cần phân biệt rõ, thứ nhất nhân vật “Bà Tưng”, Ngọc Trinh đã được đưa lên báo chí, thứ hai quyền phán xét là của người đọc. Như vậy, nếu học sinh biết viết lách biết nêu ra vấn đề thì sẽ làm tốt bài thi. Sở giáo dục họ cũng tuyển được người tài. Như vậy ở một mức độ nào đó đề thi này chưa ảnh hưởng gì nhiều.
Hướng ra đề mở các trường đã làm tốt hai năm nay rồi, kể cả ở đại học và phổ thông trung học. Vấn đề ở chỗ là người ra đề mở phải gắn với hiện tượng nào cho phù hợp học sinh. Ví dụ như vừa rồi, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, người ta đưa gương của học sinh Nguyễn Văn Nam quê ở Nghệ An đã dũng cảm cứu 5 em nhỏ khỏi đuối nước và tử nạn. Như vậy, đề thi sẽ kích thích học sinh phải có hướng nhìn mới, phải biết hy sinh cho cộng đồng. Đề bài đó nó hay ở chỗ học sinh sau khi làm xong bài rồi nhưng vẫn cảm thấy được giáo dục, cảm động trước hành động của em Nam. Qua đó, học sinh học được bài học về tính nhân văn, tình cảm của con người trong lúc hoạn nạn.
Theo Tiến sĩ Lâm, những năm trước, người ra đề thi còn rập khuôn, ít sáng tạo. Còn bây giờ hướng ra đề càng mở, càng rộng bao nhiêu thì càng tốt bởi học sinh giỏi sẽ không bị hạn chế sự sáng tạo, thể hiện quan điểm. Chứ không như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, người ra đề còn phải nhìn cả các em kém để họ ra các đề cho phù hợp khả năng của học sinh.
“Đây là đề thi phản cảm, phản giáo dục”
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên khoa Báo chí và truyền thông trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng đề thi học sinh giỏi văn đưa hai nhân vật “Bà Tưng”, Ngọc Trinh vào nội dung là rất phản cảm, phản giáo dục, thậm chí …man rợ.
Theo Tiến sĩ Thái, hai nhân vật này từng là tác giả của những phát ngôn gây tranh cãi, vì bản thân phát ngôn của họ rất lệch lạc, bừa bãi, rẻ tiền…và thành những “nhân vật đen”, bị truyền thông và dư luận xã hội lên án rất gay gắt. Vì thế bà cho rằng toàn không nên, và không bao giờ nên đưa hai nhân vật ấy vào nội dung của đề thi học sinh giỏi.
Đề thi học sinh giỏi lớp 12 ở Tp. Hải Phòng
Tiến sĩ Thái nhận định, đề thi này rất lệch lạc khi hoàn toàn không yêu cầu rõ ràng về thái độ phải có của học sinh đối với những nhân vật nổi tiếng về sự phản cảm này. Nếu đã gắng ra một cái đề “mở” như thế, thì rất cần yêu cầu các em phải tỏ rõ thái độ phê phán trên tinh thần phản biện xã hội, chứ không thể yêu cầu một nội dung “trật lấc” như yêu cầu về "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ". Như vậy, Tiến sĩ Thái cho rằng tư duy giáo dục bằng văn chương của những người ra đề này có vấn đề, khi đã ra một cái đề văn phản giáo dục như vậy.
“Hậu quả của đề thi này chỉ có phụ huynh học sinh và học sinh giỏi văn là khổ. Tại sao có bao nhiêu gương tốt trong xã hội lại không lấy ra làm đề thi. Không hiểu các vị ra đề nghĩ gì khi ra một cái đề thi “man rợ” đến thế cho học sinh giỏi văn. Nếu tôi là học sinh giỏi văn mà phải đi thi một cái đề như thế, chắc chắn tôi sẽ bỏ làm bài! Học sinh hoàn toàn có quyền ấy”, PGS-TS Minh Thái băn khoăn.
Theo PGS.TS Minh Thái, đề thi môn Văn ra theo hướng mở như vài năm gần đây, nhằm kích thích tinh thần sáng tạo của học sinh là một hướng tốt. Tuy nhiên khi ra đề cần phải có tính toán khoa học về nghệ thuật văn chương, là nghệ thuật của chữ nghĩa.
Người ra đề rất nên chọn lọc hiện tượng xã hội cho phù hợp để vừa tôn trọng tính giáo dục cần có của một đề thi tử tế, vừa kích thích được các em sáng tạo để viết được một đoạn văn bình luận thể hiện được thái độ, khuynh hướng của mình một cách thật rõ ràng, sáng sủa, bằng một thứ tiếng Việt tử tế.
Một điểm khác nữa là người ra đề phải xác định rõ cho học sinh khi làm đề này phải thể hiện được sự phê phán, chứ yêu cầu học sinh xử lý đề thi theo cách ra đề thi như thế là hoàn toàn không ổn, nếu không muốn nói là phản giáo dục.
“Tất nhiên là người mẫu cũng có thể trở thành thần tượng của một nhóm thanh niên trong xã hội nhưng người ra đề cũng phải xác định rất rõ tính khuynh hướng của xã hội đối với hiện tượng người mẫu kiểu Bà Tưng hay Ngọc Trinh. Không nên coi đây là hình mẫu tốt cho tuổi trẻ noi theo, bởi đó là một thứ hình mẫu tiêu cực, rất nên tránh noi theo, vì rất phản cảm. Nếu đặt địa vị tôi là cha mẹ các em, khi xem đề thi này tôi sẽ không cho làm bài hoặc có cho thì sẽ yêu cầu các em bình luận phải theo hướng phê phán, phản biện”, PGS Minh Thái chia sẻ.