“Anh hùng” đại dương

Nhờ thành tích cứu hộ tàu gặp nạn trên biển, có công lớn trong việc khai phá ngư trường đánh bắt, họ được các ngư dân xem như những “anh hùng” giữa biển lớn.

Ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, ai cũng biết hai ngư dân Huỳnh Văn Tạo và Huỳnh Văn Diệp, cùng ngụ thôn Sâm Linh Đông.

Vừa trở về sau chuyến biển hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, ông Diệp lại tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi mới. Đối với ngư dân ở các làng chài ven biển tỉnh Quảng Nam và các địa phương lân cận, ông Diệp được biết là người vừa giỏi đi biển vừa tiêu biểu trong công tác cứu hộ tàu thuyền và ngư dân gặp nạn.

“Ai cũng làm như vậy”

Yêu biển, cộng với quyết tâm vươn khơi xa bám biển dài ngày nên mới ngoài 40 tuổi, ông Diệp đã là chủ của 2 tàu đánh cá có tổng công suất trên 800 CV. Cho chúng tôi xem nhiều tấm bằng khen do thành tích cứu hộ cứu nạn, ông Diệp nói trong cuộc đời đi biển, ông không nhớ rõ đã cứu hộ bao nhiêu tàu thuyền gặp nạn. Nhớ nhất là lần cứu hộ tàu của ngư dân Nguyễn Tấn Khâm (tỉnh Quảng Ngãi) thoát khỏi nguy hiểm trong trận siêu bão Haiyan hồi cuối năm 2013. Hôm đó, trong lúc điều khiển tàu tránh bão, ông nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu anh Khâm cho biết bị hỏng máy phải thả trôi trên biển. Không quản ngại nguy hiểm cận kề, ông Diệp cho tàu tiếp cận tàu của anh Khâm khi 15 lao động trên tàu này chỉ còn biết phó thác cho số mệnh.

“Anh hùng” đại dương - 1

“Anh hùng” đại dương Huỳnh Văn Tạo chuẩn bị cho chuyến ra khơi ở ngư trường Hoàng Sa

Riêng từ đầu năm đến nay, ông Diệp đã 2 lần cứu hộ tàu gặp nạn. Lần đầu là ngày 18/2, khi đang hành nghề ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, tàu cá mang số hiệu QNa 91298 TS bị hỏng máy, trôi tự do trên biển. Nhận được tin, ông Diệp huy động 2 tàu đánh cá cùng 9 thuyền viên lập tức ra khơi ứng cứu. Sau 3 ngày trên biển thì tiếp cận được tàu bị nạn để tiếp tế và tổ chức lai dắt về đất liền. Vừa về được 2 ngày, ông lại được lực lượng biên phòng cử làm thuyền trưởng cùng với nhóm thợ máy mang theo thiết bị và phụ tùng để hỗ trợ tàu cá QNa 90334 TS bị gãy xi-lanh ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa. Sau gần 2 ngày đêm, tàu cứu hộ do ông Diệp chỉ huy đã tiếp cận và sửa chữa được tàu cá QNa 90334 TS.

Tâm sự về những việc đã làm, ông Diệp nói do nhiều năm làm nghề nên hiểu được các mối nguy hiểm khi tàu thuyền hư hỏng giữa biển khơi. Vì thế, nghe tin có tàu gặp nạn, dù ở điều kiện nào ông cũng phải cứu hộ.

“Cứu hộ cũng có cái thú. Đặc biệt, khi tiếp cận được tàu gặp nạn, cảm xúc thật khỏ tả. Việc giúp đỡ lẫn nhau là chuyện thường tình của ngư dân, ai cũng làm như vậy” - ông Diệp tâm sự.

Khai phá ngư trường

Ông Tạo có đội tàu 3 chiếc thuộc dạng lớn nhất Quảng Nam với tổng công suất 1.550 CV. Được xem là đại gia miền biển này nhưng ông vẫn cùng vợ con sống trong căn nhà cấp 4, nay mới bắt đầu xây ngôi nhà mới. Ngư dân vùng biển Núi Thành gán cho ông Tạo biệt danh “anh hùng” đại dương vì có công lao trong việc khai phá ngư trường cho bà con đánh bắt.

Nhà nghèo, để có tàu lớn vươn khơi là cả một ước mơ. Năm 1985, ông Tạo mua 1 tàu nhỏ chỉ khoảng 50 triệu đồng rồi cùng vài bạn thuyền bám biển câu mực. Mãi năm 2009, ông mới mua nổi tàu có công suất 500 CV. Ông cho biết tàu công suất nhỏ chỉ đánh bắt gần bờ, không đi xa được vì ít nhiên liệu, gặp cá nhiều chở không hết cũng tiếc.

Từ khi có tàu lớn, ông Tạo liên tiếp trúng đậm nên đóng chiếc thứ 2 cũng công suất 500 CV, rồi chiếc thứ 3 với công suất 550 CV. Hiện nay, ông giải quyết việc làm cho 44 thuyền viên với mức thu nhập cao. Thấy ông Tạo trúng lớn, nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Nam học theo, đóng tàu công suất lớn để làm giàu. Riêng huyện Núi Thành đã có gần 100 tàu công suất lớn đủ sức vươn khơi xa.

Trong cuộc đời đi biển, ông Tạo đã nhiều lần tham gia cứu hộ tàu gặp nạn, có lần cứu được 11 ngư dân. Đó là vào năm 2008, khi đang đánh bắt cá tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa thì nhận được tin một tàu cá của Đà Nẵng chết máy và đang chìm dần. Dù đang ở cách đó 100 hải lý, ông Tạo quyết định cho tàu chạy tới và cứu 11 ngư dân khi họ đang cùng ngồi trên một thuyền thúng với tâm trạng hết sức lo sợ. 

Mong sớm có tàu vỏ sắt

Dù đang sở hữu những con tàu thuộc hàng lớn nhất tỉnh Quảng Nam nhưng khi nghe tin Chính phủ hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vỏ sắt công suất lớn, ngư dân Huỳnh Văn Diệp và Huỳnh Văn Tạo đều hào hứng và cho biết sẽ đăng ký tham gia. Ông Tạo cho rằng đóng tàu lớn là mục tiêu để ngư dân tiếp tục bám biển, an tâm sản xuất đồng thời bảo vệ chủ quyền nên đó là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên, chính quyền cần tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm thì mới bền vững bởi ngư dân hiện phụ thuộc rất lớn vào các thương lái nên thường xuyên bị ép giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Vinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN