Ấn Độ: "Súng chống hiếp dâm" bị chỉ trích dữ dội

Khẩu súng dành riêng cho phụ nữ để chống hiếp dâm ở Ấn Độ đã bị dư luận nước này chỉ trích và phản ứng dữ dội.

Khẩu súng “dành riêng cho phụ nữ” mới được giới thiệu gần đây ở Ấn Độ và được đặt tên theo tên của nạn nhân một vụ cưỡng hiếp tập thể kinh hoàng ở nước này đã phải hứng chịu một làn sóng chỉ trích từ dư luận và bị gọi là thứ “kinh tởm”.

Hồi tuần trước, một công ty quốc doanh chế tạo súng của Ấn Độ đã giới thiệu khẩu súng lục ổ quay cỡ nòng 7,65 mm làm bằng hợp kim titan. Công ty này gọi khẩu súng “dành riêng cho phụ nữ” chỉ nặng có 500 g này là “một đóng góp vô giá cho sự an toàn của phụ nữ”, đồng thời đặt tên nó là Nirbheek, có nghĩa là “không sợ hãi”.

Ấn Độ: "Súng chống hiếp dâm" bị chỉ trích dữ dội - 1

Khẩu súng "chống hiếp dâm" dành riêng cho phụ nữ ở Ấn Độ

Ông Abdul Hamied, Tổng Giám đốc Công ty Chế tạo Súng Ấn Độ cho biết cái tên này lấy cảm hứng từ “Nirbhaya”, cái tên được người dân Ấn Độ đặt cho nữ sinh đã bị hiếp dâm tập thể trên xe bus hồi năm 2012 và sau đó qua đời vì vết thương quá nặng. Vụ hiếp dâm tập thể này đã khiến toàn thể Ấn Độ phẫn nộ, dẫn tới những cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước.

Ông Hamied nói rằng dự án chế tạo khẩu súng này đã được thai nghén từ cách đây hơn 2 năm, trước khi xảy ra vụ hiếp dâm tập thể trên xe bus này. Ông này tự hòa khoe: “Nó có tác dụng như một vũ khí phòng ngừa. Đó là thứ mà bạn có thể dùng để ngăn cản các vụ tấn công. Bạn cũng có thể khích lệ sự tự tin của phụ nữ với khẩu súng này.”

Ông này cho rằng trọng lượng nhẹ khiến khẩu súng rất phù hợp với phụ nữ, và ông hy vọng đàn ông cũng sẽ mua nó.

Tuy nhiên trong tuần đầu tiên chào hàng, mới chỉ có vỏn vẹn 10 khẩu Nirbheek được bán ra.

Bà Binalakshmi Nepram, Chủ tịch Quỹ Kiểm soát Vũ khí Ấn Độ đã mô tả khẩu súng mới này là một “sự xúc phạm”. Bà nói: “Phụ nữ Ấn Độ cảm thấy khẩu súng này không giúp họ an toàn hơn. Chúng tôi không tin rằng súng là giải pháp để chấm dứt tình trạng hiếp dâm.”

Bà Nepram nói rằng khẩu súng mới này đã phát đi một thông điệp sai. Thay vì ưu tiên thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh cho phụ nữ, “chính phủ lại đi giới thiệu một loại vũ khí đắt tiền giấu trong túi xách, và đây là sự kinh tởm đối với phụ nữ”, bà này nói.

Ấn Độ: "Súng chống hiếp dâm" bị chỉ trích dữ dội - 2

Phụ nữ Ấn Độ rầm rộ biểu tình chống nạn hiếp dâm

Khẩu súng Nibheek có giá khoảng 2000 USD, cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người 1.410 USD của người dân Ấn Độ rất nhiều. Ngay cả ông Hamied cũng thừa nhận rằng đối tượng khách hàng mà công ty ông nhắm tới là phụ nữ trung lưu và thượng lưu, bởi theo ông này “nó không dành cho phụ nữ nghèo”.

Một nhà hoạt động nữ quyền ở Ấn Độ cho biết: “Để có được giấy phép sử dụng súng ở Ấn Độ phải mất rất nhiều tiền, thế nên phụ nữ nghèo gần như không thể tiếp cận được với khẩu súng đó.”

Ngoài ra, nhà hoạt động nữ quyền này còn cho rằng Ấn Độ không thể sử dụng một công cụ bạo lực để chống lại nạn hiếp dâm đang hoành hành, thay vào đó chính quyền phải tìm biện pháp thay đổi triệt để văn hóa áp bức và bạo lực của đàn ông đối với phụ nữ bằng các hình thức phi bạo lực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN