Ấn Độ chỉ trích ngầm “chủ nghĩa bành trướng” TQ

Thủ tướng Ấn Độ ngầm chỉ trích chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trong chuyến công du tới Nhật.

Ngày 1/9, trong một lời công kích ám chỉ tới Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố rằng một số cường quốc trên thế giới đang thực thi chính sách “bành trướng” để tăng cường ảnh hưởng thay vì tập trung vào con đường phát triển.

Thủ tướng Modi đưa ra tuyên bố trên trong chuyến công du 3 ngày tới Nhật Bản. Ông Modi chỉ trích Trung Quốc đang không ngừng có các hành động nhằm phục vụ tham vọng “độc chiếm Biển Đông” và kêu gọi thế giới lên án xu hướng “chủ nghĩa bành trướng” trên biển của một số nước.

Ấn Độ chỉ trích ngầm “chủ nghĩa bành trướng” TQ - 1

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Ông Modi nói: “Cả thế giới thừa nhận rằng thế kỷ 21 sẽ thuộc về châu Á, nhưng điều tôi thắc mắc là thế kỷ 21 sẽ như thế nào... Chúng ta phải quyết định rằng sự phát triển hay sự bành trướng là nguyên nhân dẫn tới sự tan rã. Ngày nay, một số nước vẫn giữ cách nhìn như thế kỷ 18 khi xâm lấn và thò tay vào vùng biển của nước khác”.

Dù ông Modi không nêu cụ thể tên nước nào trong bài phát biểu của mình, song các chuyên gia phân tích nhận định ông ám chỉ rõ ràng đến Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc đang có một loạt tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng châu Á, trong đó có cả Ấn Độ.

Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với gần 90% diện tích Biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và dư luận quốc tế. Trong thời gian gần đây, nước này đã tích cực đào đắp để biến 6 bãi đá ngầm ở Biển Đông thành đảo để phục vụ cho tham vọng bành trướng của mình.

Trung Quốc cũng đã có những phản ứng đầu tiên đối với tuyên bố về “chủ nghĩa bành trướng” của Thủ tướng Modi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói một cách thận trọng: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về chuyến thăm của thủ tướng Ấn Độ tới Nhật Bản, tuy nhiên tôi không rõ ông ấy ám chỉ ai trong những tuyên bố trên”.

Ấn Độ chỉ trích ngầm “chủ nghĩa bành trướng” TQ - 2

Lính biên phòng Ấn Độ canh gác tại khu vực biên giới với Trung Quốc

Ông Tần nhấn mạnh: “Tôi có thể trả lời bằng cách dẫn lời của chính ông Modi, đó là Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác chiến lược của nhau vì sự phát triển chung. Quan hệ láng giềng tốt và hợp tác giữa hai nước có tầm quan trọng rất lớn đối với sự thịnh vượng của cả thế giới”.

Trong chuyến công du tới Nhật Bản trên, Thủ tướng Modi thông báo Nhật Bản đã nhất trí đầu trư 35 tỉ USD vào phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng các thành phố thông minh ở Ấn Độ.

Theo ông Modi, Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi vốn đầu tư FDI cho Ấn Độ trong vòng 5 năm tới, và Nhật Bản sẽ được coi là đối tác chiến lược đặc biệt toàn cầu của Ấn Độ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo IndiaTimes) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN