Âm thầm tăng viện phí

Tính đến ngày 1/8, có một số bệnh viện đã thực hiện việc tăng viện phí mới. Dù Bộ Y tế yêu cầu phải công bố rộng rãi nhưng có không ít bệnh viện tỏ ra rất “kín đáo” khi triển khai thực hiện viện phí mới.

Hầu hết các bệnh viện đã tăng viện phí đều chưa kịp chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Thực tế cho thấy chất lượng dịch vụ vẫn không thay đổi dù viện phí tăng hơn trước rất nhiều.

“Cố gắng cải thiện từng bước...”

Hôm qua, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Cần Thơ đã đồng loạt tăng viện phí mới theo mức giá được Hội đồng nhân dân TP thông qua vào kỳ họp tháng 7 vừa qua.

Ngày đầu tiên thu theo giá viện phí mới ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, đa số bệnh nhân đều nói không hề hay biết về việc bệnh viện tăng giá. Chỉ đến khi đóng tiền thấy cao quá mới hỏi lại thì được giải thích là tăng giá. Bà La Thị Xinh (quận Ô Môn, Cần Thơ) đang chờ khám bệnh bao tử nói: “Tui chuẩn bị sẵn 3.000 đồng trên tay để đóng tiền mua phiếu khám nhưng cô bán phiếu kêu đóng 14.000 đồng. Sao mấy ông nhà nước tăng giá là làm “cái rẹt”, hổng cho dân hay biết?”.

Theo quan sát, tại khu vực khoa khám và các khoa phòng khác của Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ, chỉ thấy ghi vỏn vẹn tấm bảng: khám bệnh 14.000 đồng và khám dịch vụ 40.000 đồng rất nhỏ phía trên ô bán phiếu khám bệnh, các nơi khác không hề thấy thông tin về việc tăng giá. Trong khi đó chưa thấy bệnh viện có những chuyển biến rõ rệt, nhưng ở khu vực khám bệnh, phát thuốc, thu tiền thì thái độ của nhân viên bệnh viện có vẻ hòa nhã hơn, ít tiếng cáu gắt la lối người bệnh...

Bác sĩ Lê Quang Võ - giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết: “Chúng tôi cũng rất lo khi tăng viện phí. Chắc chắn khi tăng giá tất nhiên người bệnh phải đòi hỏi về chất lượng tương xứng. Chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện từng bước, từ thái độ phục vụ, vệ sinh khoa phòng, sau một thời gian nữa mới cải thiện điều kiện cơ sở vật chất...”. Bác sĩ Lê Quang Võ còn khẳng định: “Ngày đầu tiên thu viện phí mới diễn ra thuận lợi và chưa nghe người bệnh phản ảnh gì nhiều”.

Âm thầm tăng viện phí - 1

Mặc dù áp dụng viện phí tăng nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm chiếu mà chưa có cải thiện gì (ảnh chụp tại Bệnh viện K, 1 trong 5 bệnh viện Trung ương đầu tiên áp dụng viện phí mới)

Vẫn kêu quá tải

Tính đến ngày 1/8, Bệnh viện K (Hà Nội) đã qua 10 ngày thực hiện viện phí mới. Tuy nhiên, ở khoa xạ trị 3, bệnh nhân vẫn nằm ghép hai người/giường. Ông Nguyễn Văn Khiêm (ở Phú Thọ, điều trị tại bệnh viện này hai tháng nay) cho biết không thấy có bất kỳ thay đổi nào về chất lượng dịch vụ của bệnh viện.

Ông Khiêm cũng nói không được thông báo về việc bệnh viện bắt đầu thực hiện viện phí mới. Tại khu phòng khám Bệnh viện K, bảng thu viện phí vẫn được giữ nguyên như cũ, trong khi bệnh viện đã áp dụng giá mới từ ngày 20/7. Khi được hỏi bệnh nhân nào cũng tỏ ra... ngơ ngác về chuyện bệnh viện đã áp dụng biểu giá mới, với mức giá tăng nhiều so với trước đây.

Giải thích về giá phòng, giường bệnh tăng nhưng chất lượng dịch vụ không tăng như nhận xét của bệnh nhân, ông Bùi Công Toàn - phó giám đốc Bệnh viện K - cho rằng việc quá tải bệnh nhân ở Bệnh viện K hiện nay là không thể tránh khỏi.

Tương tự, khoa khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng rất đông bệnh nhân trong sáng 1/8. Khu nhà khám bệnh đang trong thời gian sửa chữa, nâng cấp nên đây đó vẫn còn gạch vụn, bụi cát, tường xây thô, nhà vệ sinh tối và nồng mùi hôi. Tuy áp dụng viện phí mới đã nửa tháng nhưng Bệnh viện Bạch Mai vẫn chưa công bố công khai bảng giá mới.

Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết bảng giá mới đang trong quá trình in ấn, dự kiến tuần sau mới xong. Nửa tháng qua, bệnh viện vẫn giữ bảng giá mới trong... máy tính của các bộ phận liên quan.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, để cải thiện chất lượng dịch vụ sau khi thực hiện viện phí mới, bệnh viện đã chi 20 tỉ đồng để nâng cấp khu khám bệnh, tăng gấp đôi số buồng khám (từ 30 buồng trước đây lên 60 buồng), nhưng phải một tháng nữa mới xong. Vì vậy, dù viện phí mới đã tăng từ ngày 16/7 đến nay nhưng các điều kiện được đặt ra trong viện phí mới như đủ chỗ ngồi cho bệnh nhân, người nhà, khu khám bệnh có quạt mát, mái che... vẫn còn phải đợi.

Ông Hiền cũng nói bệnh viện vừa đầu tư 30 tỉ đồng để nâng cấp điều kiện điều trị cho bệnh nhân như lắp điều hòa nhiệt độ khu phòng sinh, phòng mổ, khoa hồi sức tích cực, buồng bệnh cấp cứu, mua thêm máy thở, giường bệnh, máy theo dõi bệnh nhân...

Ông Hiền cho rằng số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai tăng quá nhanh, dù rất nỗ lực, thời gian chờ khám và lấy kết quả cho một bệnh nhân vẫn kéo dài khoảng sáu giờ, thậm chí có người phải chờ từ sáng đến tối nếu thời gian xét nghiệm dài. “Như vậy là đã giảm hai giờ chờ đợi so với trước đây” - ông Hiền nói.

Âm thầm tăng viện phí - 2

Bệnh nhân phải nằm điều trị ở cả khu vực hành lang khoa Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tối 1/8

Nhiều nơi đưa ra mức thu rất cao

Trao đổi với PV, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo nói đang góp ý cho văn bản của Bộ Y tế gửi các bệnh viện trực thuộc và sở y tế địa phương, yêu cầu việc xây dựng cơ cấu viện phí mới đảm bảo hai yếu tố: nhanh và đúng. Theo ông Thảo, có yêu cầu này là do những sai sót trong xây dựng cơ cấu viện phí thời gian qua.

Theo ông Thảo, hiện nay tổ thẩm định viện phí do Bộ Y tế làm nòng cốt, Bảo hiểm xã hội VN và Bộ Tài chính tham gia đang thẩm định cơ cấu viện phí của bệnh viện tuyến T.Ư. Đã có những bệnh viện đề nghị viện phí vượt khung, thậm chí gấp đôi khung (khung viện phí cho phép công khám bệnh là 20.000 đồng/lượt ở tuyến T.Ư, bệnh viện đề xuất 43.000 đồng).

“Tổ thẩm định sẽ xem xét kỹ, nhưng tối đa là trong khung chứ không thể vượt khung. Các địa phương đã duyệt viện phí cao, Bảo hiểm xã hội VN đang chuẩn bị có báo cáo gửi hội đồng quản lý quỹ và liên bộ để yêu cầu địa phương thuyết minh cơ cấu viện phí, các trường hợp thuyết minh không được nhưng đã áp dụng mức giá mới thì bảo hiểm sẽ đề nghị tính lại và thu hồi chi phí chênh lệch” - ông Thảo quả quyết.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, hiện có năm địa phương đã thông qua mức viện phí trên 90% khung, bao gồm Long An (90%), Ninh Thuận (98%), Đồng Tháp (93%), Cao Bằng (93%) và Khánh Hòa (95%), còn hai địa phương có dự định tiếp tục giữ cơ cấu viện phí mức cao là Sơn La và Lào Cai.

“Ăn nhiều trả nhiều, ăn ít trả ít”

Ông Nguyễn Minh Thảo - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cho biết: “Trước đây tỉnh Lào Cai dự định áp dụng 100% khung của liên bộ Y tế - Tài chính, sau này Tỉnh ủy yêu cầu xây dựng lại thì Sở Tài chính và Sở Y tế vẫn giữ quan điểm, tiếp tục dự định áp 95% khung.

Trong cơ cấu viện phí mới ở Lào Cai có tính tiêu hao điện năng cho một lần khám lên đến 0,7kWh. Một lần khám dùng gì đến 0,7kWh điện, phòng khám của tỉnh thì chỉ có bóng đèn và cái quạt, không có thiết bị gì”.

Theo ông Thảo, nếu làm đúng khung giá Bộ Y tế xây dựng, các tỉnh phải có đủ trang thiết bị y tế, đảm bảo điều kiện trang thiết bị cho buồng bệnh, khu điều trị, ví dụ như tiêu hao điện năng cho một lần khám Bộ Y tế xây dựng 1,34kWh điện, nhưng yêu cầu phòng khám phải có máy sưởi, điều hòa, thiết bị khám bệnh...

“Như là khi đi đặt cỗ, bữa cỗ 12 món, 200.000 đồng/người dùng, nhưng mình chỉ có sáu món thôi thì giá phải giảm đi một nửa. Lẽ đời ăn nhiều trả nhiều, ăn ít trả ít” - ông Thảo ví von.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lan Anh - Quỳnh Liên - T. Lũy (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN