Ám ảnh chuyện làm thịt “đại thánh”

Nhân những hình ảnh giết hại khỉ, voọc một cách dã man đang sôi sục trong cộng đồng mạng. Chúng tôi tìm gặp người đã từng “săn” khỉ, voọc và nghe kể về những chuyến săn đẫm máu cùng mối hoài nghi về chuyện “hậu vận” đen đủi đầy ám ảnh của họ.

Đi săn khỉ, voọc còn là cái “thú” quái dị của không ít “thợ săn” thành phố lên các vùng miền núi. Nhưng những câu chuyện đầy ám ảnh và việc tận mắt chứng kiến chuyện “làm thịt” loại động vật này khiến chúng tôi không khỏi rùng mình hoảng sợ!

Câu chuyện muốn quên không dễ

Người ta truyền tai việc uống rượu ngâm khỉ, voọc để có thân thể cường tráng, dẻo dai trong chuyện chăn gối. Có cầu ắt có cung, những tay săn chuyên nghiệp hay bán chuyên đổ xô vào việc săn lùng loài linh trưởng có cấu trúc cơ thể và bộ gen gần giống con người.

Câu chuyện của anh M.T.L, từng đóng chốt bảo vệ một bán đảo nằm ven biển miền Trung. Trên bán đảo có hàng chục ngàn con khỉ, còn được đặt bảng cấm săn bắn, chặt phá rừng… Tuy nhiên, với một nhóm bảo vệ trên bán đảo vắng lặng, suốt ngày quanh quẩn với bầy khỉ đông như kiến, khiến các anh đã lỡ một lần ra tay. Anh L trầm ngâm, nhớ lại chuyện của mình từng đối mặt, và anh nhìn ra xa, buồn vô hạn!

Ám ảnh chuyện làm thịt “đại thánh” - 1

“Số phận” của một chú khỉ trước sự tàn ác con người!

Anh L kể, khi xuống khu dân cư, một số đối tượng cứ đi theo mồi chài “mua khỉ nấu cao, ngâm rượu”, với giá rất cao. Và rồi một lần săn khỉ để bán cho “thương lái” kiếm chút tiền kha khá, rồi nhiều lần diễn ra. Nhưng… một ngày “điềm gở” đã đến, khiến anh L ám ảnh suốt quãng đời còn lại!

Hôm đó vào một buổi trưa nắng gay gắt, bầy khỉ hàng trăm con vây kín một cây cổ thụ, anh L cùng người bạn gương súng nhắm một chú khỉ to nhất đang vắt vẻo dưới cây to, tránh cái nắng như đổ lửa. Xung quanh con khỉ to bự này, là khỉ con, khỉ mẹ léo nhéo lanh lợi. “Đoàng…”, súng nổ, con khỉ trong tầm ngắm giật bắn người vội lao đi, chuyền nhanh sang cành cây khác, cả đàn khỉ nháo nhào lao theo, chúng rít lên tiếng khẹt khẹt vang vọng cả khu rừng.

Anh L bỗng như khụy xuống, người bạn bên cạnh cũng không nói nửa lời, đứng trân trân vì… sợ! Phát súng đi lạc mục tiêu, trúng vào con khỉ mẹ, rơi xuống trước mặt anh L, thoi thóp. Nhưng con khỉ con vẫn ôm cứng lấy xác mẹ nó, “lúc đó trông con khỉ con vừa sợ, nhưng vẫn không rời mẹ, nó bấu cứng vào xác khỉ mẹ, ánh mắt sợ hãi như muốn bỏ chạy, nhưng lại không muốn không bao giờ rời mẹ nó…!”, anh L lạc hẳn giọng khi kể đến đây.

Anh L lấy hết bình sinh, gỡ con khỉ con ra khỏi mẹ nó, nhưng nó nhất quyết không chịu buông ra. Đặt con khỉ lên tảng đá gần đó, anh L và bạn bỏ đi, đến chiều tối quay lại xem thử, cảnh tượng con khỉ con vẫn bám cứng xác mẹ, còn cả bầy khỉ vây xung quanh, khiến anh L rụng rời tay chân, ám ảnh suốt quãng thời gian dài…

Muốn ăn thịt khỉ: Đơn giản!

Từ TP.HCM lên Bình Phước, chúng tôi được một tay bợm nhậu tên H. giới thiệu vào một nhà hàng vốn nổi tiếng về thịt rừng ở thị xã Đồng Xoài. Đang ngồi nhâm nhi ly rượu miền cao, chúng tôi không khỏi lợm cổ họng khi nhân viên nhà hàng mang ra một cái đầu khỉ, mắt trợn trừng, nhìn mọi người trân trân. H. thấy vậy bảo, mấy ông muốn thưởng thức thịt “tề thiên” thì chiều nay vào rừng kiếm.

Chúng tôi đến rừng Tân Lập, giáp ranh giữa Bình Phước với Đồng Nai. H giới thiệu tay săn khỉ, voọc chuyên nghiệp tên Kh. Kh lội vào rừng chừng 30 phút sau, quay lại trên tay với một chú khỉ đực to chừng 10kg, vẫn còn sống vì chỉ bắn bị thương.

Chặt đầu, ăn óc khỉ là bổ óc, mà ăn gì bổ nấy mà! Kh. vừa làm thịt con khỉ vừa ba hoa. Nhìn cảnh tượng chú khỉ bị làm thịt, mà chúng tôi không khỏi rùng mình. Thấy “khách” có vẻ sợ, Kh. trấn an, “đây là loại quý hiếm, khách quý mới đãi, chứ mang con khỉ này bán cũng kiếm được bạc triệu đó”.

Ám ảnh chuyện làm thịt “đại thánh” - 2

Moi ruột, ai nhìn cũng thấy… sợ!

Theo Kh, ở Bình Phước có cả một đường dây buôn bán động vật rừng. Trong đó khỉ, voọc là loại có giá cao. Được các tay săn mang về bán cho thương lái, sau đó tập trung mang “xuất khẩu” sang Trung Quốc bằng đường bộ. Cũng theo Kh và H “quảng bá”, thì thịt khỉ, voọc ăn vào tăng cường sức khỏe, nhất là cánh đàn ông. Xương khỉ nấu cao có tác dụng trị nhức mình mẩy… Nói chung là toàn bộ con khỉ, voọc chỉ bỏ lông, chứ không bỏ bất cứ thứ gì.

“Sợ quá mỗi khi nhớ lại”

Câu chuyện làm thịt khỉ, voọc nhiều khi nhuốm màu sắc liêu trai, bởi những ám ảnh man rợ của việc giết thịt loại động vật mang hình hài gần giống con người này sẽ khó phai mờ trong tâm trí những người một lần trót “nhúng chàm”.

Mang chuyện ngâm rượu voọc, uống vào sẽ bổ dưỡng, tăng cường sức khỏe đàn ông, ông H.M.T (một cán bộ cấp phường tại TP HCM) giãy nảy: “Chớ có nói thế, tôi đã từng trải qua rồi đây nè…”.

Ông T kể về chuyện của mình, vào đầu năm 2011, có một người bạn mang từ vùng miền núi về một hũ rượu ngâm nguyên một con voọc đang thời kỳ mang thai. Thoạt nhìn, ông T phát hoảng vì hình hài con vật, nhưng bị thuyết phục là “thần dược” nên ông T nghĩ cũng không sao nếu đó là sự thật.

Để hũ rượu trong tủ kính, bạn bè nhiều người trầm trồ, nhưng cũng có người thì sợ ra mặt. Vợ con ông T cũng không dám nói gì, nhưng họ đều tránh nhìn về hũ rượu. Chưa thưởng thức rượu bổ, thì đùng một cái, vợ con ông T bị tai nạn giao thông, vợ gãy một lúc cả hai tay, con gãy chân. Mà vụ tai nạn kỳ lạ là vợ ông T chở con đi học, xe đã dừng tận trong lề đường, bất ngờ một “tay lái lụa” lạng lách làm sao lao xe lên cả lề đường, húc đúng vào xe vợ ông T.

Chuyện “xui xẻo” chưa dừng lại, mấy ngày sau đó, cô con gái đầu ông T đang đi học bằng xe đạp, bất ngờ bị xe ben quẹo đường kéo lê hàng chục mét. Thập tử nhất sinh, nằm viện cả tháng trời, con gái ông T chưa qua khỏi, thì mẹ ông T mang bệnh nặng, rồi qua đời. Kể đến đây, ông T trầm ngâm, có một cụ già vào nhà rồi bảo: “Anh mang bỏ cái hũ rượu kia ngay đi, nếu không chuyện chẳng lành sẽ kéo đến mãi…”.

Hoảng quá, ông T vác ngay hũ rượu đi hủy, mang con voọc đi “an táng” đàng hoàng. Rồi mọi chuyện qua đi, con gái đầu lòng của ông T xuất viện, đi học trở lại bình thường. “Tin hay không thì không biết, chứ từ ngày tôi hủy hũ rượu, cả nhà nhẹ cả lòng, mà điều đầu tiên tôi thấy nhẹ người là không phải nhìn con vật nằm trong hũ rượu nữa, thấy sợ quá khi nhớ lại nó…!”.

Không có điều gì kiểm chứng những câu chuyện đầy ám ảnh như trên, rằng người ta có thể gặp tai họa khi làm điều ác, khi thản nhiên trước những cảnh kinh dị của cuộc sống. Nhưng điều này hoàn toàn có thể lý giải về mặt tâm lý. Lòng trắc ẩn, nhân tính trong mỗi con người luôn tồn tại, có thể vùi lấp mất bởi thói ích kỷ, lòng tham, sự nhẫn tâm, trước những hình ảnh man rợ giết thịt loài khỉ voọc, nỗi ám ảnh có thể rất dài lâu. Khi sự tàn nhẫn vượt quá giới hạn của nỗi sợ hãi, nó có hại cho thần kinh và cảm xúc của con người. Chẳng thế mà suy cho cùng câu “ở hiền gặp lành” luôn ý nghĩa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chí Linh-Đức Minh-T.T ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN