7 tỉnh miền Bắc: 27 người chết do bão số 5

Tính tới cuối giờ chiều 19/8, tổng số người chết và mất tích trong đợt bão số 5 lên tới 29 người (27 người chết, 2 người mất tích), 9 người bị thương. Các tỉnh có người chết bao gồm: Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, do ảnh hưởng của bão số 5 và hoàn lưu vùng áp thấp, ngày 19/8, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa to, dông lốc, sạt lở đất và lũ ống, tiếp tục gây hậu quả về người và tài sản.

Thống kê sơ bộ cho thấy bão, gió lốc và mưa lớn cũng đã làm đổ sập 166 căn nhà; hơn 11.500 nhà bị tốc mái, hư hại (trong đó, Yên Bái thiệt hại nặng nhất với gần 6.800 căn nhà bị hư hại); trên 20.500ha lúa và hơn 2.300ha hoa màu bị ngập; diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập là hơn 1.300ha; đường quốc lộ, tỉnh lộ ở Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang bị sạt lở, với khối lượng 900m3.

7 tỉnh miền Bắc: 27 người chết do bão số 5 - 1

Nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập sau trong nước sau cơn mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5

Sáng 19/8, mặt đường đoạn Lê Văn Lương kéo dài, đoạn chạy qua khu đô thị mới Dương Nội, Q.Hà Đông, Hà Nội đã xuất hiệt vết nứt lớn cắt ngang, tạo thành hố sâu rộng khoảng 50m2.

Tại Hà Nội, mưa lớn trong ngày 19/8 khiến các tuyến đường nội thành ngập từ 0,4m- 0,7m như: Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Phạm Ngọc Thạch Thái Hà, Thái Thịnh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học, Cao Bá Quát, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng- Văn Miếu… Trên nhiều tuyến phố, để đi lại, người dân buộc phải dùng thuyền.

Theo một số người dân trong khu vực, hiện tượng sụt lún bắt đầu xuất hiện lúc hơn 7h sáng 19/8. Khi đó, một chiếc xe buýt bị tụt xuống hố song đã may mắn vượt qua. Đoạn đường này không có hiện tượng úng ngập vì mưa lớn trong những ngày qua. Đến thời điểm 11h30 cùng ngày, hệ thống lan can tường bao ở dọc đường Lê Văn Lương bị kéo đổ hoàn toàn. Cách đó khoảng 50m tại công trình xây dựng của Tập đoàn Sông Đà bên cạnh cũng bắt đầu có hiện tượng sụt lún. Một phần vỉa hè bị kéo sập xuống.

Lực lượng công an và thanh tra giao thông đã dùng rào chắn ngăn cách khu sụt lún khoảng 50m để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. Toàn bộ tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài cũng bị cấm phương tiện qua lại, các chốt chặn được lập tại đường Lê Trọng Tấn và đường 70.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, nguyên nhân việc xuất hiệt vết nứt lớn cắt ngang, có thể là do tác động của ngoại cảnh. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở GTVT Hà Nội đã điều động lực lượng có mặt tại hiện trường kiểm tra, đánh giá, điều tra nguyên nhân gây nên vụ sạt lở nghiêm trọng. Theo biên bản vụ việc, khu vực thi công công trường có độ sâu so với mặt đường khoảng 12m, vách móng thẳng đứng, tại vị trí sạt lở thấy có 1 thanh cọc bằng thép.

Lý giải cho việc xuất hiện hố tử thần chạy dọc trục đường, ông Giáp nhận định, công trình của tòa nhà của Tổng công ty Sông Đà làm sát ngay ven đường mới rút cọc chống mép vệ đường nên mặt đất phía dưới bị rỗng chân đồng thời kết hợp với mưa to làm nước lún sâu vào nền đường đã tác động bẻ gãy đường ống cấp nước. “Chất lượng đường theo tôi là không có vấn đề bởi nếu đường lún là do các rãnh cao su bong tróc, đứt gãy,” ông Giáp khẳng định.

Để tránh nguy hiểm cho người đi đường và các hộ dân, ông Giáp cho hay, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan bịt cống nước cách khu hố tử thần cách đó khoảng gần 1 km để chống nước xói mòn. Ông Giáp cũng cho biết thêm, ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở đã mời các bên liên quan như Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội và liên danh giữa Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư và Xây dựng đô thị (đơn vị thành viên của Tập đoàn Nam Cường Hà Nội) là chủ đầu tư tuyến đường và Công ty xây dựng Sông Đà-Thăng Long họp bàn với nhau để đánh giá nguyên nhân và đưa ra các biện pháp khắc phục sự cố. Theo ông Giáp, đoạn đường bị sụt lún nhanh nhất cũng phải mất tới nửa tháng mới có thể khắc phục hoàn toàn sự cố.

Vào thời điểm 16h cùng ngày, “hố tử thần” tiếp tục nuốt thêm phần dải phân cách trên đường Lê Văn Lương và vẫn có dấu hiệu lan rộng.

Sập hầm thủy điện, 2 công nhân thiệt mạng

Khoảng 16h ngày 19/8, một nhóm công nhân gồm 7 người trong lúc chui vào đường hầm của thủy điện Nậm Pông (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) làm việc bất ngờ bị lở đất đá đã đè chết 2 người và 5 người khác bị thương.

Hai người chết gồm anh Hồ Sỹ Huynh và Trần Đình Duy (đều trú tại Quỳnh Lưu); 3 người bị thương: Hoàng Văn Sáng, Hoàng Văn Vần, Vi Văn Thắng (đều trú xã Châu Hạnh, Quỳ Châu) và có 2 người Trung Quốc cũng bị thương nặng. Tuy nhiên, sau khi bị nạn hai người Trung Quốc đã không được cấp cứu tại bệnh viện, đi đâu cũng không ai biết.

Công an huyện Quỳ Châu cho biết thêm, nguyên nhân được xác định là do trước đó, trong lúc khoan đặt mìn phá đá trong đường hầm dẫn nước của công ty Chiết Giang (Trung Quốc) còn sót lại nên khi ca tiếp theo (ca gồm 7 công nhân gặp nạn) gồm anh Hồ Sỹ Huynh và Trần Đình Duy cùng 5 người khác tiếp tục vào làm việc. Trong lúc tiếp tục đặt mũi khoan lỗ đặt mìn trong đường hầm này thì bất ngờ tiếng mìn phát nổ. Hậu quả làm anh Huynh chết tại chỗ, anh Duy chết khi được cấp cứu tại bệnh viện và 5 người khác bị thương.

Bình Nguyễn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Vinh-T.Trịnh (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN