5 việc nên tránh trong dịp Tết nếu không muốn “tiền mất, tật mang”

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Nhiều thú vui, thói quen người dân không nên làm dịp Tết để tránh “tiền mất, tật mang”.

Đốt pháo đón Tết

5 việc nên tránh trong dịp Tết nếu không muốn “tiền mất, tật mang” - 1

Tết xưa, những bánh pháo là "đặc sản" không thể thiếu. Ảnh Internet.

Trước đây, mỗi khi tới thời khắc Giao thừa Tết Nguyên Đán tiếng pháo nổ lại vang khắp mọi nhà. Tuy nhiên, do việc nổ pháo tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản nên pháo nổ nay đã bị cấm sử dụng.

Tuy nhiên, không ít người hiện vẫn quan niệm, Tết phải có tiếng pháo mới vui nên vẫn lén lút mua pháo để đốt vào thời khắc giao thừa. Đêm giao thừa Tết Mậu Tuất 2018, bất chấp quy định cấm nổ pháo nổ, người dân ở nhiều địa phương vẫn đốt pháo nổ vang trời.

Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco) cho biết, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, người đốt pháo có thể bị xử phạt hành chính 1-2 triệu đồng đồng theo quy định.

Với người tàng trữ pháo nổ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” theo Bộ luật hình sự hiện hành.

Đánh bài

5 việc nên tránh trong dịp Tết nếu không muốn “tiền mất, tật mang” - 2

Đánh bạc ăn tiền không được cấp phép của cơ quan nhà nước là hành vi trái pháp luật.

Dịp Tết, bên cạnh những hoạt động vui chơi lành mạnh, nhiều người có thói quen tụ tập cùng người thân, bạn bè đánh  tá lả, tú lơ khơ, đánh bài tam cúc ăn tiền… Dù mục đích chính của người chơi là vui vẻ, không phải “sát phạt” hàng chục triệu như các sới bạc chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, theo quy định hành vi đánh bạc nếu không được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền đều là hành vi phạm pháp luật. Vì vậy, dù mỗi ván bài người thắng có thể chỉ được 10-15 nghìn đồng nhưng đây vẫn là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, theo Bộ luật hình sự hiện hành, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hình phạt có thể tăng lên 7 năm nếu người đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Nếu hành vi đánh bạc trái phép chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013 của Chính phủ. Theo đó, người đánh bạc có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng.

Uống rượu vẫn lái xe, không đội mũ bảo hiểm

5 việc nên tránh trong dịp Tết nếu không muốn “tiền mất, tật mang” - 3

Một nhóm thanh niên đi hàng ba, đi trên đường với những cái đầu trần dịp Tết 2017.

Tết đến là dịp để mọi người tới nhà anh em họ hàng và bạn bè chúc Tết sau 1 năm tất bật với công việc. Các gia đình Việt Nam khi có khách tới nhà chơi dịp Tết thường mời khách ở lại ăn uống và sử dụng bia, rượu để chúc tụng nhau.

Sau cuộc vui, dù đã có hơi men trong người nhưng nhiều vị khách vẫn lên xe máy tiếp tục đi chúc Tết. Do khoảng cách từ nhà tới nhà họ hàng bạn bè không xa, nên nhiều người khi đi chúc Tết còn có thói quen không đội mũ bảo hiểm.

Theo thông kê, đợt nghỉ (4 ngày) Tết Dương lịch 2019 vừa qua, cả nước xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông làm chết 110 người, bị thương 61 người. Bình quân mỗi ngày có 27,5 người chết do tai nạn giao thông, tăng so với Tết dương lịch 2018 (27,5 người so với 27 người).

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết, tai nạn chủ yếu xảy ra trên đường bộ, nguyên nhân phổ biến do người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, chuyển hướng không quan sát, lái xe có hơi men... Thêm nữa, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người điều khiển phương tiện chưa cao trong khi mật độ phương tiện trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết tăng rất cao.

Vì vậy, để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông, không sử dụng rượu bia khi lái xe.

Đá gà ăn tiền

5 việc nên tránh trong dịp Tết nếu không muốn “tiền mất, tật mang” - 4

Đá gà biến tướng thành cá cược ăn tiền là hành vi vi phạm pháp luật.

Chọi gà không chỉ là một trò chơi dân gian trong ngày hội, mà còn là một thú vui chơi thông thường của nhiều người ở đô thị cũng như nông thôn. Chọi gà vừa mang tính giải trí, vừa là hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng trong các hội làng.

Tuy nhiên, hiện nay một số đối tượng lại lợi dụng trò chơi dân gian để tổ chức cá cược ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật.

Luật sư Lê Văn Kiên cho biết, người tham gia đặt cược đá gà có thể bị xử lý về tội đánh bạc.

Rút đũa đếm khấc

5 việc nên tránh trong dịp Tết nếu không muốn “tiền mất, tật mang” - 5

Nhiều du khách mất tiền vì rút đũa đếm khấc.

Rút đũa đếm khấc là những trò chơi du khách dễ dàng bắt gặp ở các lễ hội đầu xuân năm mới. Du khách có thể thấy nhà tổ chức trao thưởng giá trị hàng triệu đồng cho người chơi. Tuy nhiên, việc trao thưởng này là thật hay chỉ là màn lừa đảo câu khách của nhà tổ chức thì không ai kiểm chứng.

Thoạt nhìn, nhiều người tưởng mình dễ thắng nên lao vào chơi. Tuy nhiên, càng chơi càng mê, nhiều người đã “cháy túi”, thậm chí mang nợ vào thân vì cầm cố tư trang để lấy tiền tiếp tục trò chơi may rủi.

Cụt tay, mù mắt do đốt pháo

Bất chấp lệnh cấm đốt pháo của các cấp, các ngành; hai đối tượng ở huyện Chi Lăng lén lút đốt pháo trong đêm giao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN