30 cán bộ lãnh đạo đầu tiên được bốc thăm xác minh tài sản thu nhập

Sự kiện: Thời sự

Thanh tra Chính phủ vừa tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên, chọn ra 30 cán bộ lãnh đạo quản lý tương đương cấp vụ trở lên ở Trung ương, với nhiều người là lãnh đạo tập đoàn nhà nước để thực hiện việc xác minh tài sản thu nhập. 

Thực hiện chức năng Cơ quan Kiểm soát tài sản thu nhập (TSTN), ngày 5-10, Thanh tra Chính phủ đã triển khai bước đầu tiên của kế hoạch xác minh TSTN năm 2022 là bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên những người có nghĩa vụ kê khai TSTN thuộc trách nhiệm kiểm soát để xác minh trên cơ sở bản tự kê khai.

Mục đích của việc xác minh, như Luật Phòng, Chống tham nhũng, là nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực rõ ràng của bản kê khai và nguồn gốc TSTN thêm của người có nghĩa vụ kê khai.

Ông Hoàng Thái Dương - Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (áo trắng) bốc thăm. Bên cạnh, Cục phó Ngô Mạnh Hùng công bố kết quả, và đối chiếu số phiếu với tên người tương ứng trong danh sách lựa chọn. Ảnh: Nghĩa Nhân

Ông Hoàng Thái Dương - Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (áo trắng) bốc thăm. Bên cạnh, Cục phó Ngô Mạnh Hùng công bố kết quả, và đối chiếu số phiếu với tên người tương ứng trong danh sách lựa chọn. Ảnh: Nghĩa Nhân

Kết quả bốc thăm ra sao?

Như PLO đã đưa tin, năm nay, Thanh tra Chính phủ tập trung xác minh TSTN tại 7 bộ, cơ quan, đơn vị ở Trung ương, gồm: Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Theo quy định, cuộc bốc thăm do Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện với sự tham dự của đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng đại diện các cơ quan, đơn vị trong danh sách xác minh. Tuy nhiên, hôm nay vắng mặt đại diện MTTQ.

Kết quả cuộc bốc thăm như sau:

Tại Bộ KH&ĐT, trong số 142 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền kiểm soát TSTN của Thanh tra Chính phủ, đã lựa chọn ngẫu nhiên 8 người, phần nhiều là cục trưởng các Cục Thống kê ở địa phương.

Tại Bộ TNMT, trong số 131 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tương đương, đã lựa chọn ngẫu nhiên 5 người, chủ yếu là giám đốc, vụ trưởng, cục trưởng thuộc các tổng cục.

Tại Bộ Xây dựng, trong số 53 cán bộ lãnh đạo, quản lý, bốc thăm ra 5 người cấp cục trưởng, vụ trưởng thuộc Bộ.

Ở Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ có 8 cán bộ lãnh đạo, quản lý thì bốc thăm được 3 người cấp vụ và tương đương

Tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 7 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ thì bốc ra 3 người, trong đó ngẫu nhiên có tới 2 lãnh đạo cao nhất là Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc.

Với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cũng vậy. Quá trình bốc thăm ngẫu nhiên, bốc thăm từ 9 người thuộc diện Thanh tra Chính phủ kiểm soát TSTN thì chọn ngẫu nhiên 3 phiếu đều rơi vào chức danh lãnh đạo gồm Chủ tịch Hội đồng Thành viên và 2 Phó Tổng giám đốc.

Tương tự, 3 người được chọn trong số 11 cán bộ lãnh đạo quản lý ở Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam thì 2 người là Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc.

Cơ hội minh bạch hóa tài sản

Kế hoạch xác minh TSTN do Thanh tra Chính phủ xây dựng cho năm nay cho thấy đặt trọng tâm nhiều vào các đơn vị đang năm giữ nguồn lực lớn của đất nước. Theo đó, 37,5% cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác minh TSTN; tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng vậy, con số là 42,8%, 33,3%, 27,2% tương ứng với Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Bưu chính viễn thông.

Còn với 3 bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo quản lý được xác minh TSTN năm nay ở mức khiêm tốn: Bộ KH&ĐT là 5,6%; Bộ TNMT 3,8%; Bộ Xây dựng 9,4%.

Giải thích về sự khác biệt này, đại diện Thanh tra Chính phủ dẫn Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, quy định: “Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Như vậy, về mặt chính sách là cần xác minh TSTN càng nhiều càng tốt. Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch xác minh 2022 theo hướng ấy và tuân thủ định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt, là tập trung vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đấu thầu, tài chính, quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cùng Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng Hoàng Thái Dương ký biên bản bốc thăm phần liên quan tới Bộ KH&ĐT. Ảnh: Nghĩa Nhân

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cùng Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng Hoàng Thái Dương ký biên bản bốc thăm phần liên quan tới Bộ KH&ĐT. Ảnh: Nghĩa Nhân

Năm sau sẽ mở rộng với khu vực quản lý nhà nước

Còn lý do chỉ tiêu xác minh tại 3 bộ thấp dưới mức tối thiểu 10% và không có người đứng đầu nào trong lần bốc thăm nay là vì đây là lần đầu tiên cả nước tổ chức thi hành quy định về xác minh TSTN theo Luật PCTN 2018.

Triển khai Luật PCTN, tháng 2-2022, Bộ Chính trị mới ban hành Quyết định 56-QĐ/TW về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN. Theo văn bản này, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương ở các bộ, cơ quan ngang bộ là do Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm soát TSTN, chứ không thuộc thẩm quyền Thanh tra chính phủ.

Trên cơ sở các quy định này, khoảng 890 Cơ quan Kiểm soát TSTN trên cả nước, trong đó có Thanh tra Chính phủ mới xác định phạm vi thẩm quyền, xây dựng kế hoạch…

“Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cần kiểm soát TSTN ở các bộ là rất lớn, nhưng thời gian từ nay đến cuối năm không còn bao nhiêu, nên chúng tôi đã báo cáo, tham mưu và được cấp có thẩm quyền chấp thuận bước đầu như vậy. Sang năm 2023, có kinh nghiệm hơn, làm được sớm hơn thì sẽ phải xác minh TSTN theo đúng tỷ lệ quy định” – lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giải thích.

Theo quy định của Luật PCTN 2018 của Quốc hội, Nghị định 130/2020 của Chỉnh phủ và Quy chế 56 của Bộ Chính trị, Thanh tra Chính phủ được phân cấp kiểm soát TSTN của những người có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các cơ quan Chính phủ; người đứng đầu và cấp phó các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập hoặc phê duyệt điều lệ; người đứng đầu và cấp phó cũng như thành viên các cơ cấu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước… trừ những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Hiện chưa rõ tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền Thanh tra Chính phủ kiểm soát TSTN. Nhưng tính riêng 7 bộ, cơ quan, đơn vị ở Trung ương được đưa vào diện xác minh năm 2022 này, Thanh tra Chính phủ đang phải kiểm soát về mặt TSTN với tổng số 361 người. Trong lần đầu tiên xác minh TSTN này, tính chung tỷ lệ bao quát ở mức 8,3%.

Sau cuộc bốc thăm hôm nay, Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản thông báo chính thức gửi tới từng cơ quan liên quan để từ tháng 11 tới, các tổ công tác sẽ xác minh TSTN của những người trong danh sách được chọn.

Nguồn: [Link nguồn]

Đà Nẵng bốc thăm chọn 5 cán bộ để thanh tra tài sản, thu nhập

Thanh tra TP Đà Nẵng đã tiến hành tổ chức bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên 5/29 người, để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư 3 người, Công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghĩa Nhân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN