13km đường sắt trên cao “ngốn” gần 700 nhân sự

681 nhân sự, bao gồm lái tàu, nhân viên trung tâm điều độ, nhân viên trung tâm ga, sửa chữa tàu, ga, đường ray… đã được tuyển dụng xong.

13km đường sắt trên cao “ngốn” gần 700 nhân sự - 1

Đoàn tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông được vận chuyển về Hà Nội

Trưa 20/2, trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tối 18/2, hai đầu tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã được chuyển về Hà Nội. Hiện tại, Tổng thầu Trung Quốc và các đơn vị đang bàn phương án cẩu đầu tàu lên đường ray.

“Sau khi vận chuyển đầu tàu, toa tàu về Hà Nội, chúng tôi sẽ lên phương án vận hành chạy thử đoàn tàu, dự kiến sẽ chạy thử vào 30/9/2017”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, hiện tại, công việc đào tạo nhân sự cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cơ bản đã hoàn tất, chuẩn bị cho việc khai thác thương mại vào quý 2/2018. 681 nhân sự, bao gồm lái tàu, nhân viên trung tâm điều độ, nhân viên trung tâm ga, sửa chữa tàu, ga, đường ray… đã được tuyển dụng xong.

“Các lái tàu, nhân viên kỹ thuật... được đưa sang Trung Quốc để đào tạo từ năm 2015. Việc sang Trung Quốc đào tạo được thực hiện theo hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc. Nhân viên tham gia vận hành đều qua hình thức thi tuyển”, ông Phương nói thêm.

Theo Ban quản lý dự án, trong 681 nhân lực này có hơn 400 người được đào tạo tại Việt Nam, 200 người được cử sang Trung Quốc học tập. 37 lái tàu học tập tại Trung Quốc đều là những lái tàu chính nên được đào tạo dài hạn nhất với 315 ngày. Toàn bộ kinh phí đào tạo nằm trong tổng kinh phí dự án.

Việc tuyển dụng nhân sự cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội giao Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp với các sở Nội vụ, Tài chính, GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Ban quản lý Dự án đường sắt tổ chức từ tháng 7/2015.

Trước đó, trong buổi kiểm tra thực địa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ngày 4/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý với Bộ GTVT và Hà Nội về vấn đề nhân sự phục vụ tuyến đường sắt này.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội cần tập trung vào công tác nguồn nhân lực để quản lý chuyên nghiệp. Hà Nội cần nghiên cứu có thể áp dụng như nhiều nước, khi gặp khách, các nhân viên đường sắt phải cúi chào. Đây được coi như một "công thức" trong việc phục vụ hành khách.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011, chịu động đất cấp 8. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 868,04 triệu USD (18.001 tỉ đồng).

Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80/km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Đường sắt trên cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN