10 năm tù oan: Tâm sự nhói lòng của mẹ già

Bà bảo rằng mình rất sợ - sợ cái ngày con trai được ra tù mà mẹ không còn sống trên đời nữa.

“Thằng Chấn bị oan, bị tù tội, sống tủi nhục nhiều năm trong tù và ở ngoài, cả gia đình nó cũng đâu tránh khỏi những nỗi oan ức. Từ khi bố bị kết tội giết người, cả 4 đứa con phải sống trong khổ cực, tủi nhục”, bà Phạm Thị Vì - mẹ anh Nguyễn Thanh Chấn đã có những tâm sự với PV Báo GĐ&XH về cuộc sống gia đình mình trong 10 năm oan khuất.

10 năm tù oan: Tâm sự nhói lòng của mẹ già - 1

Hàng xóm đến chia vui với bà Vì. Ảnh: P.B

Luôn tin tưởng con vô tội

Những ngày qua, ngôi nhà của bà Phạm Thị Vì (72 tuổi) luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Chứng kiến ngày anh Chấn trở về đoàn tụ gia đình, bà nói “đã mãn nguyện lắm rồi”. Bởi lẽ, hơn ai hết, linh tính của một người mẹ mách bảo rằng anh Chấn vô tội, hung thủ thật sự của vụ án đang lẩn khuất đâu đó. Niềm tin ấy khiến bà và gia đình vượt qua mọi “búa rìu” của dư luận, cố gắng sống để đi tìm công lý cho con trai.

Những ngày anh Chấn vẫn sống trong tù, bà bảo rằng mình rất sợ - sợ cái ngày con trai được ra tù mà mẹ không còn sống trên đời nữa. “Tôi tin lần này các cơ quan pháp luật sẽ làm đúng, công tâm để con trai tôi được minh oan. Đã 10 năm nay, ngày nào tôi cũng thắp hương lên bàn thờ chồng để xin ông ấy phù hộ cho con trai”, bà Vì nghẹn lời.

Đằng đẵng gần 4.000 ngày bà và con dâu cùng các cháu nội sống trong mặc cảm, đau đớn vì sự ghẻ lạnh của hàng xóm láng giềng. Trong tột cùng nỗi đau ấy, bà và người thân đã cam chịu, bí mật dò xét, đi tìm những chứng cứ để minh oan cho anh Chấn. “Ở địa phương, nhiều người tin là con tôi không giết người. Thế nhưng, cũng có nhiều người tỏ vẻ ra mặt, họ chẳng thèm nhìn chúng tôi chứ chưa nói đến việc đến quán để mua hàng hay trò chuyện”, bà Vì chua xót nói.

Hơn 10 năm trôi qua, cứ nghĩ đến đứa con trai đang chịu tù đày oan ức là bà lại ôm mặt khóc vì sự nghiệt ngã của số phận ập xuống gia đình mình. Cũng chính vì sự kỳ thị của một số người mà con dâu bà đổ bệnh, phải vào viện tâm thần. Mấy đứa cháu nội không xin được việc, phải lưu lạc sang xứ người… Bà bảo rằng, nếu chồng bà không là liệt sĩ, có lẽ cái bia mộ mang tên Nguyễn Thanh Chấn đã mờ phai theo thời gian rồi!

“Ngày công an xuống hỏi tôi có giặt quần áo dính máu của thằng Chấn không, tôi đã trả lời là không có. Họ bảo, nếu không khai thật thì con tôi sẽ bị tử hình. Là mẹ nên tôi hiểu tính nó, từ tấm bé đến giờ, Chấn lành như cục đất, nó đâu có gan làm ra chuyện tày trời ấy”, bà Vì nói.

Bà bảo rằng, từ ngày con trai bị bắt giam vì tội “giết người”, ra đường bà không dám ngẩng mặt nhìn ai, nước mắt lúc nào cũng lưng tròng. Ngày xét xử ở tòa án, bà bị người ta chỉ trỏ mắng nhiếc không tiếc lời. Thậm chí, khi tòa tuyên án, người ta còn xô bà ngã túi bụi ngay tại công đường, con dâu thì ngất xỉu phải vào viện cấp cứu. Mấy đứa cháu nội ôm nhau khóc ở một góc tòa. Đã 10 năm rồi, hình ảnh đó bà bảo không bao giờ quên được.

Bố đi tù, ai oán con chịu

Nhắc đến mấy đứa cháu nội, bà lại khóc và bảo “đứa nào cũng khổ khi bố nó vào tù”. Bà Vì kể: “Khi Chấn bị bắt, cháu nội tôi là Nguyễn Chí Quyết đã bỏ thi đại học, đi làm thợ xây, sau đó chuyển sang đi mổ heo cho mẹ bán. Thế nhưng buôn bán thường bị ế vì khách hàng tẩy chay nên thua lỗ triền miên. Thậm chí, nhà có cái máy xát cũng không còn ai đến thuê… Đau đớn, tủi nhục mà không biết giải thích sao cho người ta hiểu”.

10 năm tù oan: Tâm sự nhói lòng của mẹ già - 2

Bà Phạm Thị Vì đau đớn khi nghĩ về những ngày con cháu bị hàm oan. Ảnh: P.B

Nói về người con dâu thủy chung, bà Vì chạnh lòng: “Trong 10 năm liên tục đi kêu oan cho chồng, cộng với việc phải chứng kiến các con sống trong sự ghẻ lạnh của dân làng, con dâu tôi suy sụp. Hai năm nay, làm việc gì nó cũng quên, đến cả quần áo nhiều khi tôi cũng phải giặt giúp. Gần đây mấy đứa con phải đưa mẹ đi Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang chữa trị nhưng bệnh tình không khỏi. Mấy hôm nay, khi chồng được trở về, có lẽ do quá mừng nên nó lại phát bệnh. Mong thời gian tới nó chữa hết bệnh để được sống những ngày hạnh phúc với chồng con”.

Nói về những ngày tháng bị sống trong sự ghẻ lạnh của dư luận, người con trai đầu của anh Chấn là Nguyễn Chí Quyết cho biết: “Khi bố đi tù, trong nhà chỉ còn lại chiếc xe ngựa cũng phải bán rẻ vì không có ai thuê. Ở làng quê, người dân quý người bao nhiêu thì khi xảy ra những chuyện tày đình “hiếp dâm, giết người” thì người ta xa lánh bấy nhiêu. Mấy anh em tôi đã phải bỏ học vì không chịu nổi “búa rìu” của dư luận. Thậm chí, đứa em út là Nguyễn Thế Anh (SN 1989) thi đậu một trường cao đẳng cũng phải bỏ học khi bạn bè biết tin có bố “giết người, hiếp dâm”. Em gái là Nguyễn Thị Quyền (SN 1984) đang làm giúp việc bên Đài Loan, mỗi khi gọi điện về cho gia đình thì khóc nức nở qua điện thoại, nói với bà nội rằng khi nào bố còn ngồi tù thì còn làm ô sin để kiếm tiền nuôi bố”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Bình (Gia đình & Xã hội)
Vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN