WHO đặt tên mới cho các biến thể COVID-19 nguy hiểm

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Sau thời gian dài thảo luận, WHO thống nhất dùng các chữ cái Hy Lạp đặt tên cho các biến thể virus SARS-CoV-2 gây "mối lo ngại toàn cầu".

Ngày 31-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt tên mới cho các biến thể virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 để tránh gây cảm giác kỳ thị và giúp việc thảo luận về đại dịch này trở nên đơn giản hơn, hãng tin Reuters cho hay.

Các biến thể virus SARS-CoV-2 đã được đặt tên theo các cách không đồng nhất và khó nhớ. Ví dụ, biến thể được phát hiện lần đầu ở Nam Phi đã được các nhà khoa học gọi bằng ba cái tên là B.1.351, 501Y.V2, 20H/501Y.V2 và thường được truyền thông gọi là “biến thể Nam Phi”. Tuy nhiên, biến thể này đã được WHO đặt tên mới là Beta.

Cùng với đó, ba biến thể virus SARS-CoV-2 khác mà WHO đã nêu trong danh sách các “mối lo ngại toàn cầu” cũng được đặt tên mới theo bảng chữ cái Hy Lạp. WHO gọi các biến thể được phát hiện lần đầu tại Anh là biển thể Alpha, được phát hiện lần đầu tại Brazil là biến thể Gamma và mới nhất, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ là biến thể Delta. 

Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: VCG

Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: VCG

WHO lý giải rằng các tên gọi hiện tại đối với các biến thể virus SARS-CoV-2 dù có lợi thế riêng nhưng vẫn “khó đọc, khó gọi và dễ bị hiểu sai”.

Theo ông Mark Pallen, chuyên gia vi khuẩn học và là người tham gia thảo luận việc đặt tên mới cho các biến thể SARS-CoV-2, cho biết trước khi đưa ra quyết định hôm 31-5, WHO đã cân nhắc việc đặt tên biến thể theo tên các vị thần Hy Lạp, tên các học giả kiệt xuất hay các nhân vật giả tưởng. Tuy nhiên, các tên gọi này đã được đặt cho nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng… nên không tiện dùng cho các loại virus.

Cách gọi tên khác được cân nhắc là VOC1, VOC2, VOC3… với VOC là cách viết tắt của cụm từ “variants of concern” (các biến thể gây lo ngại), song cách đọc của từ ngày giống một từ chửi thề trong tiếng Anh, ông Pallen chia sẻ.

Trong quá khứ, các dịch bệnh thường được đặt tên theo địa danh nơi liên quan trực tiếp với các đợt bùng phát, ví dụ dịch Ebola được đặt theo con sông cùng tên tại Cộng hòa Dân chủ Congo - nơi dịch khởi phát. Tuy nhiên, cách gọi này đôi khi gây hiểu lầm, ví dụ như đại dịch năm 1918 được gọi là “dịch cúm Tây Ban Nha” nhưng quốc gia châu Âu này không phải nơi dịch bùng phát đầu tiên.

Hồi tháng 2, một số nhà khoa học từng gọi các biến thể SARS-CoV-2 bằng tên các loài chim như loài chim cổ đỏ ở Bắc Mỹ (robin) hay loài bồ nông (pelican) nhưng bị các gia đình có con gái tên Robin phản đối. 

Nguồn: [Link nguồn]

WHO: Mỹ phải chia sẻ thông tin tình báo về nguồn gốc Covid-19

Một chuyên gia liên quan Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ Dale Fisher, kêu gọi Mỹ chia sẻ bất kỳ thông tin tình báo nào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀN ĐỨC ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN