Vụ nổ hạt nhân ngầm dưới lòng đất gần Moscow không ngờ gây thảm họa vùng đất chết

Trong quá khứ, Liên Xô từng nhiều lần kích nổ hạt nhân dưới lòng đất phục vụ mục đích kinh tế và môt trong những vụ nổ như vậy dẫn đến rò rỉ phóng xạ trên diện rộng, khiến cả khu vực trở thành vùng đất chết.

Liên Xô thử bom nguyên tử đầu tiên vào ngày 29.8.1949 ở Kazakhstan.

Liên Xô thử bom nguyên tử đầu tiên vào ngày 29.8.1949 ở Kazakhstan.

Ngày 19.9.1971, một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất đã làm rung chuyển khu vực bên bờ sông Shacha ở Vùng Ivanovo của Liên Xô.

Suốt gần 3 tuần, các mạch nước và khí gas kèm theo các chất phóng xạ liên tục phun trào từ dưới lòng đất lên mặt đất xung quanh.

Nơi xảy ra rò rỉ phóng xạ chỉ cách Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow 363km, theo báo Nga RBTH.

Vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất

Các mạch nước và khí từ dưới lòng đất phun lên do vụ nổ hạt nhân xảy ra gần thủ đô Moscow không phải là tai nạn. Kể từ năm 1965, Liên Xô đã khởi động chương trình “các vụ nổ hạt nhân vì nền kinh tế quốc gia”.

Mục đích của chương trình này là tạo các hồ, kênh đào nhân tạo nhằm kết nối các con sông cũng như tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên dưới lòng đất.

Theo quan niệm ở thời điểm đó, việc kích nổ hạt nhân dưới lòng đất có thể ngăn phóng xạ thoát lên bề mặt gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vụ nổ tại bãi thử ở vùng Ivanovo, hay còn được gọi là Globus-1, đã dẫn tới một thảm họa không mong muốn.

Binh chủng Phòng thủ ngăn Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của Liên Xô.

Binh chủng Phòng thủ ngăn Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của Liên Xô.

Ban đầu, mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch. Một khối thuốc nổ hạt nhân 2,3 kiloton (bằng 1/6 sức nổ của quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945) được đặt dưới đáy giếng khoan sâu 610 mét. Các kỹ sư Liên Xô sau đó lấp đầy giếng bằng xi măng.

Vụ nổ xảy ra đúng kế hoạch vào lúc 16 giờ 15 phút ngày 19.9.1971. 18 phút sau đó, cách giếng khoảng 1 mét, một mạch nước phun lên mang theo nước ngầm, khí ga, cát và bùn nhiễm phóng xạ trào lên mặt đất.

Theo các nhà điều tra Liên Xô, lượng phóng xạ tồn tại trong nước trào lên khỏi mặt đất có nồng độ gấp 1.000 lần cho phép.

Nguyên nhân sau này được xác định là do sai sót xong việc dùng xi măng lấp đầy giếng khoan. Kết quả là các đợt phun trào từ lòng đất diễn ra suốt 20 ngày, khiến khu vực rộng tới 10.000m2 bị nhiễm phóng xạ.

Thảm họa không ai hay biết

Người dân làng Galkino, cách khu vực xảy ra vụ nổ hạt nhân khoảng 4km, được thông báo rằng các kỹ sư kích nổ dưới lòng đất để thăm dò dầu mỏ. Nhưng họ hoàn toàn không biết gì về một vụ nổ hạt nhân gây rò rỉ phóng xạ.

Dân làng không hề được cảnh báo về thảm họa hạt nhân. “Khu vực cấm, bán kính 450m”, là tấm biển báo duy nhất được đặt ở nơi xảy ra sự cố hạt nhân. Nó đã không thể ngăn các thanh thiếu niên sống gần đó tới thám hiểm khu vực bị phong tỏa.

Hai thanh niên đi vào khu vực tâm vụ nổ gây rò rỉ phóng xạ và tử vong không lâu sau đó. Nguyên nhân tử vong chính thức được xác định là do viêm màng não.

Vùng Ivanovo, 30 năm sau thảm họa hạt nhân.

Vùng Ivanovo, 30 năm sau thảm họa hạt nhân.

Người dân địa phương vẫn tiếp tục tới Globus-1 thường xuyên, thu nhặt các thiết bị mà các nhà khoa học bỏ lại, chăn thả gia súc và hái nấm và hoa quả mọc ở các khu vực đồng quê gần đó.

Trong khi đó, ở các quận tiếp giáp vùng Ivanovo, các trường hợp mắc bệnh ung thư bắt đầu tăng nhanh chóng. Tình trạng trẻ sơ sinh non hay phụ nữ sảy thai rất thường xuyên xảy ra.

‘Ivanovo Hiroshima’, cụm từ được dùng để chỉ thảm họa hạt nhân ở vùng Ivanovo, là sự cố không chỉ gây ảnh hưởng đến người dân địa phương, mà còn cả các nhà khoa học từng làm việc trong khu vực.

Năm 1975, nhà địa chấn học 44 tuổi V. Fedorov, từng tham gia chuẩn bị cho vụ nổ và trực tiếp kích nổ hạt nhân, bị mù hoàn toàn.

Cả ngôi làng vĩnh viễn biến mất

Thảm họa hạt nhân Globus-1 không chỉ gây nguy hiểm với các ngôi làng ở vùng Ivanovo, mà còn ảnh hưởng tới các thành phố lớn.

Một khi sông Shacha thay đổi dòng chảy, dẫn nước đi qua khu vực giếng khoan là tâm của vụ nổ hạt nhân, nó có thể đem phóng xạ rò rỉ đi rất xa.

Khu vực xung quanh địa điểm kích nổ bom vẫn còn hàm lượng phóng xạ tương đối cao.

Khu vực xung quanh địa điểm kích nổ bom vẫn còn hàm lượng phóng xạ tương đối cao.

Shacha là nhánh phụ của một trong những con sông quan trọng nhất của Liên Xô, sông Volga. Nếu nước nhiễm phóng xạ lan tới sông Volga, tính mạng và sức khỏe của hàng ngàn người có thể sẽ bị đe dọa.

Liên Xô và sau này là Nga, đã liên tục giám sát các khu vực nhiễm xạ nằm gần Moscow. Sông Shacha đã được chuyển hướng theo một con kênh khác, dẫn nước cách xa khỏi khu vực nguy hiểm.

Năm 2015, giới chức Nga khởi động dự án dọn dẹp ở khu vực trong hai năm, tiêu tốn 270 triệu ruble (khoảng 3,6 triệu USD). Khoảng 400 m3 đất nhiễm phóng xạ được đào xới và đem đến nơi khác cùng nhiều trang thiết bị. Tuy nhiên, chất thải hạt nhân còn sót lại từ vụ nổ vẫn nằm lại ở độ sâu 610 mét.

Ngày nay, Globus-1 vẫn là nơi nguy hiểm. Không có bất kì người nào sinh sống trong bán kính 30km tính từ tâm vụ nổ hạt nhân.

Mức độ bức xạ trung bình 600microroentgen/giờ ở khu vực nhiễm phóng xạ chỉ cho phép con người ở lại trong thời gian rất ngắn. Ở một số khu vực nhất định, mức độ bức xạ lên tới hơn 3.000 microroentgen. Chỉ số bức xạ được xem là bình thường với con người chỉ ở mức 50 microroentgen/giờ.

Không lâu sau vụ nổ hạt nhân, dân làng Galkino biết về mối đe dọa và lần lượt rời bỏ nhà cửa. Ngày nay, không còn ai sinh sống ở đó. Ngôi làng bị bỏ hoang hoàn toàn vì ảnh hưởng của phóng xạ.

Theo báo Nga, phải mất hàng ngàn năm nữa để khu vực Globus-1 hết sạch phóng xạ và trở lại là một nơi an toàn như trước đây.

Nguồn: [Link nguồn]

Thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ 3 thế giới: 27 vạn người sống ở nơi nhiễm phóng xạ chết người

Trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh, một thảm họa hạt nhân ít người biết tới xảy ra, ảnh hưởng tới đời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - RBTH ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN