Vụ “bức tử” thượng nguồn sông Hoàng Hà chấn động TQ: Thu lời 2 tỉ USD không ai hay biết?

Hàng chục năm trời khai thác tài nguyên trái phép ở khu bảo tồn thiên nhiên, công ty Trung Quốc đã thu lời bất chính tới 2 tỉ USD, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ sinh thái vùng thượng nguồn sông Hoàng Hà, theo cuộc điều tra của phóng viên Tân Hoa Xã.

Thượng nguồn sông Hoàng Hà ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.

Thượng nguồn sông Hoàng Hà ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.

Trong suốt 14 năm, tập đoàn Công nghiệp và Kỹ thuật Thương mại Xingqing, có trụ sở ở Thanh Hải, Trung Quốc, đã âm thầm khai thác trái phép 26 triệu tấn than, thu lời bất chính hơn 15 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 2 tỉ USD).

Theo Tân Hoa Xã, chính quyền trung ương Trung Quốc đã hai lần cử đoàn thanh tra, giám sát đến Thanh Hải, yêu cầu chấm dứt các hành động khai thác vi phạm pháp luật ở dãy núi Kỳ Liên Sơn, nhưng hoạt động khai thác liều lĩnh, bất chấp pháp luật vẫn diễn ra suốt nhiều năm.

Cuộc điều tra gần đây do hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã tiến hành đã buộc chính quyền tỉnh Thanh Hải phải vào cuộc điều tra.

Trong cuộc trả lời họp báo hồi tuần trước, giới chức tỉnh Thanh Hải thông báo phát hiện sai phạm của công ty Xingqing và đã bắt giữ người đứng đầu, Chủ tịch Ma Shaowei.

Hai quan chức địa phương đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.

Khai thác tài nguyên trái phép

Mỏ than Juhugeng, nằm ở độ cao 4.200 mét tại huyện Tianjun, Thanh Hải, gần khu bảo tồn quốc gia núi Kỳ Liên Sơn, từng được xác nhận có trữ lượng than dồi dào. Trong số 7 khu mỏ ở Juhugeng, mỏ số 1 có trữ lượng lớn nhất.

Trong cuộc điều tra hồi cuối tháng 7, phóng viên Tân Hoa Xã phát hiện nhiều máy móc, xe tải chở than ra vào khu vực.

Hoạt động khai thác than trái phép ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.

Hoạt động khai thác than trái phép ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.

Theo một nguồn tin giấu tên, công ty Xingqing khi đó vẫn vận hành 120 loại máy móc khác nhau cùng với 300 người làm việc tại mỏ than số 1 và số 5.

Khu vực khai thác đã tạo thành miệng hố sâu tới 500 mét, phạm vi trải rộng 5km. Lượng đất đá chất đống cao tới 50 mét gần khu mỏ, nhấn chìm nhiều vùng đồng cỏ rộng lớn.

Trong các lần có mặt tại hiện trường vào tháng 4 và tháng 6 năm 2019, phóng viên Tân Hoa Xã đã ghi nhận các hoạt động khai thác tương tự. Chỉ trong vòng hơn 2 tiếng, 75 xe tải chở ít nhất 50 tấn than đã rời khu mỏ, đến một nhà ga cách đó khoảng 1km.

Thu lời hàng tỉ USD

Sau hoạt động khảo sát ở khu mỏ, Xingqing đã mở rộng khai thác suốt 14 năm mà chưa được chính quyền địa phương cấp phép, theo Tân Hoa Xã.

Trong lần cuối trả lời phỏng vấn với Tân Hoa Xã, ông Ma nói công ty đang “tái cơ cấu, đã dừng các hoạt động sản xuất”.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương phát hiện Xingqing vẫn đóng thuế lên tới 333 triệu nhân dân tệ và 412 triệu nhân dân tệ vào năm 2011 và 2012.

Các tài liệu nội bộ của Xingqing cho thấy, công ty đã khai thác trái phép 20 triệu tấn than tại khu mỏ số 1, thu lời ít nhất 11 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỉ USD), trong giai đoạn từ năm 2006-2014.

Theo các chuyên gia ước tính, giai đoạn năm 2015-2020, công ty đã khai thác thêm 5 triệu tấn than, thu về 4 tỉ nhân dân tệ. Tổng cộng sau 14 năm, công ty đã khai thác trái phép hơn 25 triệu tấn than và thu lời 15 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2 tỉ USD).

Né tránh đoàn kiểm tra

Vụ việc gây chấn động vì quy mô khai thác quá lớn trong suốt một thời gian dài.

Vụ việc gây chấn động vì quy mô khai thác quá lớn trong suốt một thời gian dài.

Trong quá khứ, chính quyền trung ương đã hai lần cử đoàn thanh tra xuống đánh giá hiện trạng bảo vệ môi trường ở khu vực.

Theo nguồn tin của Tân Hoa Xã, công ty Xingqing đã vờ hợp tác với đoàn thanh tra, nhưng đằng sau vẫn âm thầm khai thác trái phép.

“Khi quan chức đến kiểm tra, công ty ngừng toàn bộ hoạt động khai thác trong vài ngày. Để che giấu hoạt động, công ty giấu máy móc và chặn đường lên mỏ than”, nguồn tin cho biết, nói thêm rằng Xingqing có lúc chỉ khai thác vào ban đêm hoặc ngay khi đoàn thanh tra rời đi.

Hôm 28.7, công ty cũng ngừng khai thác 4 ngày để đối phó với đoàn thanh tra. Đến 4 giờ chiều ngày 31.7, chỉ 2 giờ sau khi đoàn thanh tra rời đi, công ty lại tiếp tục cho công nhân khai thác suốt đêm.

Tàn phá môi trường tự nhiên

Các chuyên gia về môi trường đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái ở khu mỏ, vì đây là nơi có một lượng lớn đất đóng băng và thảm thực vật ngập nước.

Nơi diễn ra hoạt động khai thác là nguồn nước của sông Datong, một nhánh sông cấp nước cho sông Hoàng Hà – con sông dài thứ hai ở Trung Quốc, theo một chuyên gia tại Đại học Thanh Hải.

Hoạt động khai thác liều lĩnh, phá hoại môi trường không chỉ làm tổn hại đến khu vực lân cận, mà còn dẫn đến sự suy thoái môi trường sinh thái ở vùng thượng lưu sông Hoàng Hà và khu vực hồ Thanh Hải, theo các chuyên gia.

Zhang Hongfu, nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Trung Quốc, đã bày tỏ sự bất bình với hoạt động khai thác "bóc lột và phá hoại" của Xingqing.

“Hệ sinh thái địa phương trở nên cực kỳ nhạy cảm và mong manh. Việc khai thác quy mô lớn đã phá hủy lớp băng vĩnh cửu, đe dọa nguồn nước ở vùng thượng lưu và sẽ dẫn đến hạn hán không thể đảo ngược trong một khu vực rộng lớn”, ông Zhang nói.

Nhà chức trách cần phải có cuộc điều tra toàn diện về Xingqing, công ty có hoạt động khai thác liều lĩnh, phá hủy hệ thống sinh thái và làm tổn hại đến các nguồn tài nguyên không thể tái tạo.

Nguồn: [Link nguồn]

Quan tham phất lên nhờ nhà vợ, tham ô số tiền lớn nhất Trung Quốc

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) hồi tuần này đã tịch thu khối tài sản tham ô khổng lồ của cựu bí...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tân Hoa Xã ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN