Vụ binh sĩ Trung, Ấn đụng độ: Diễn biến nguy hiểm

Các diễn biến ở biên giới Ấn - Trung gần đây một lần nữa làm gia tăng các quan ngại về an ninh của khu vực.

Tờ The Guardian ngày 2-9 đưa tin một lính đặc nhiệm Ấn Độ được cho là đã thiệt mạng trong vụ đụng độ mới nhất giữa nước này và Trung Quốc (TQ) ở biên giới khu vực thung lũng Galwan, phía đông vùng Ladakh đang tranh chấp. Theo đó, Ấn Độ cáo buộc TQ đưa quân vượt biên giới vào hai ngày 29 và 31-8 để đánh chiếm các đỉnh đồi xung quanh phần hồ Pangong nằm trong vùng lãnh thổ này. Hiện New Delhi đã đưa lực lượng tái chiếm một số đỉnh đồi chiến lược, số còn lại TQ vẫn kiểm soát.

Giới quan sát lo ngại các diễn biến nói trên sẽ lại đẩy quan hệ của hai cường quốc châu Á này vào giai đoạn căng thẳng mới, đặc biệt khi lãnh đạo hai bên vẫn còn đang đàm phán giải quyết hậu quả vụ ẩu đả làm thiệt mạng hàng chục binh sĩ mỗi nước hồi tháng 6.

Sai lầm chiến lược của Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn của đài CNN, chuyên gia Nam Á học Antoine Levesques thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) cho biết về cơ bản hồ Pangong không mang nhiều giá trị chiến lược vì nó cách khá xa chỗ đóng quân của hai nước. Tuy nhiên, hồ này lại mang giá trị biểu tượng vì đây là nơi Ấn Độ từng để thua một cuộc xung đột quân sự với TQ vào năm 1962.

TQ muốn kiểm soát khu vực này để chứng tỏ rằng năng lực quốc phòng của mình vẫn vượt trội hơn Ấn Độ cả trước lẫn nay. Điều này đặc biệt có lợi cho Bắc Kinh trên bàn đàm phán khi hầu như nước này không có lợi thế gì đáng kể để buộc New Delhi phải nhượng bộ và thuận theo những điều khoản có lợi cho mình.

Tuy nhiên, đây chỉ là những lợi ích trong ngắn hạn, trong khi về dài hạn động thái của TQ không chỉ ảnh hưởng đến mỗi an ninh Ấn Độ mà còn đe dọa đến ổn định toàn châu Á. Cụ thể, TS Toby Dalton thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) lưu ý cả TQ lẫn Ấn Độ đều là hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và mỗi lần hai nước này đụng độ quân sự đều hiển hiện nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân, hay ít nhất là chạy đua vũ khí hạt nhân. Theo ông Dalton: “Đây có lẽ là lần đầu tiên trong 50 năm, hai cường quốc hạt nhân lại nổ ra đụng độ nguy hiểm như vậy. Câu hỏi cần đặt ra là khi nào thì lãnh đạo hai nước không còn kiên nhẫn nữa và tuyên bố từ bỏ mọi hạn chế trong việc triển khai vũ khí hạt nhân và đặt bên kia vào tầm ngắm”.

Chuyên gia này cũng cho rằng Bắc Kinh dường như không hiểu hoặc không muốn hiểu về tiến trình hoạch định chính sách cũng như các mối lo ngại về an ninh của New Delhi. Đơn cử, New Delhi gần đây liên tục tập trận chung với Mỹ cùng nước đồng minh khác trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ký với Úc thỏa thuận mới tăng cường hợp tác quốc phòng song phương với tên gọi Thỏa thuận Tương hỗ Hậu cần (MLSA) vào tháng 6.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra dọc biên giới vùng Ladakh đang tranh chấp với Trung Quốc. Ảnh: Getty

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra dọc biên giới vùng Ladakh đang tranh chấp với Trung Quốc. Ảnh: Getty

Rõ ràng đây là dấu hiệu cho thấy New Delhi cảm nhận được sức ép từ việc TQ liên tục mở rộng hiện diện quân sự và triển khai tàu chiến ngang dọc Thái Bình Dương. Trong khi Bắc Kinh tuyên bố nước này chỉ sử dụng quân đội tự vệ và bảo vệ lợi ích quốc gia, chính sự xuất hiện của TQ lại là tác nhân chính gây suy yếu sự ổn định và an ninh khu vực, làm những quốc gia như Ấn Độ phải hết sức đề phòng nhất cử nhất động của Bắc Kinh.

TQ hay đổ lỗi các nước khác tăng cường hoạt động quân sự, đe dọa an ninh TQ nhưng không bao giờ tự hỏi ngược lại là họ làm vậy là do đâu.

TS TOBY DALTON, Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) 

Ấn Độ sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào?

Theo tờ South China Morning Post, New Delhi đang có những bước tiến mạnh mẽ để cạnh tranh với TQ trên lĩnh vực kinh tế - ngoại giao. Thủ tướng Narendra Modi từ đầu tháng 8 đã có cuộc họp với các quan chức ngoại giao hàng đầu Ấn Độ để bàn về sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của TQ.

Ông Modi cũng đã liên lạc với lãnh đạo các nước láng giềng khu vực Nam Á như Nepal và Sri Lanka về vấn đề này. Thứ trưởng Ngoại giao Harsh Shringla cũng được cử sang Bangladesh để đối thoại, trong khi Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar công du Maldives để trao gói hỗ trợ tài chính 500 triệu USD. Những động thái trên thể hiện sự sốt sắng của Ấn Độ trong việc tái kết nối với Nam Á trước sự hiện diện ngày càng rõ rệt của TQ.

Bên cạnh đó, trong cuộc đối thoại trực tuyến hôm 1-9, các bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Nhật và Úc đã nhất trí xúc tiến thành lập Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) trong năm nay, theo tờ The Nikkei. Đây là sáng kiến do Tokyo đề xuất với mục tiêu ban đầu là xây dựng chuỗi cung ứng thông qua thỏa thuận hợp tác song phương sẵn có giữa các nước, sau đó mở rộng mạng lưới liên kết với các đối tác tiềm năng như ASEAN. SCRI được coi là phù hợp với chiến lược mới của Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc vào TQ và tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm của các chuỗi cung ứng khu vực.

Chuyên gia về quan hệ Ấn - Nhật Shamshad Ahmad Khan thuộc Viện Nghiên cứu TQ (Ấn Độ) nhận định cả ba nước Ấn, Nhật, Úc đều hiểu rõ tham vọng của TQ và coi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là vấn đề cấp thiết. Trong khi đó, GS Mark Goh thuộc ĐH Quốc gia Singapore chia sẻ SCRI là cơ hội để Ấn Độ đưa dược phẩm thâm nhập thị trường Úc và Nhật. Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm cho việc đưa hàng hóa Úc và Nhật đến Trung Đông và châu Phi, giúp giảm sự hiện diện của TQ tại các khu vực này.

Vẫn khó xảy ra xung đột toàn diện Ấn - Trung

Dù động thái của TQ ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chung toàn khu vực, nhiều chuyên gia vẫn có ý kiến cho rằng vụ đụng độ mới nhất vẫn khó có thể đẩy hai nước vào một cuộc xung đột toàn diện.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, chuyên gia Harsh Pant thuộc tổ chức Observer Research Foundation (Ấn Độ) nhận định vụ việc xảy ra nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt nhanh chóng vì hai bên đang tích cực và nghiêm túc đàm phán về các giải pháp rút quân khỏi Ladakh. Đồng quan điểm, chuyên gia Kelsey Broderick tại Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) cũng cho rằng New Delhi và Bắc Kinh thời gian tới sẽ giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình như những cuộc đụng độ trước. Dù vậy, lần này có vẻ sẽ khó khăn hơn do người dân ở hai nước đều tỏ thái độ gay gắt về vụ việc. Bà Broderick dự đoán: “Nếu đàm phán ở cấp ngoại giao và tướng lĩnh quân đội không thành công thì một cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được sắp xếp để tránh mọi việc xấu đi”. 

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao quân đội TQ không chiếm lĩnh được các tiền đồn biên giới từ tay Ấn Độ?

Trong những ngày gần đây, quân đội Ấn Độ đã chuyển từ việc kiểm soát biên giới sang chế độ phòng thủ biên giới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN