Vụ bắn tỉa ở Mỹ: Dân thường đeo súng trường như nghi phạm

Hầu hết các bang ở Mỹ đều cho phép mang vũ khí ở nơi công cộng, và điều này khiến cảnh sát rất khó phân biệt giữa tội phạm và người vô tội.

Vụ bắn tỉa ở Mỹ: Dân thường đeo súng trường như nghi phạm - 1

Mark Hughes, vô tư mang theo súng trường đi biểu tình hòa bình ngày 7.7 ở Dallas

Ít nhất 5 cảnh sát đã thiệt mạng tối 7.7 ở thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ sau khi nhiều tay bắn tỉa nhắm bắn vào 11 cảnh sát. Sự việc xảy ra lúc 20 giờ 45 phút (giờ địa phương) trong một cuộc biểu tình hòa bình, lên án việc cảnh sát Mỹ bắn chết 2 người da đen ở Louisiana và Minnesota trong những ngày gần đây.

Cảnh sát hiện đang giam giữ một vài nghi phạm, nhưng một người đàn ông tên là Mark Hughes, ban đầu tưởng là nghi phạm, đã được thả. Ngay sau vụ tấn công, cảnh sát Dallas đã đăng tải hình ảnh của Mark trên Twitter và kêu gọi người dân giúp truy lùng. Bức ảnh cho thấy Mark mang theo mình một khẩu súng trường tự động, trông rất bình thản giống như bao người biểu tình khác.

Sau khi tự đến đồn cảnh sát khai báo và đem nộp khẩu súng của mình, Mark đã được thả tự do. Được biết Mark chỉ đang thực hiện “quyền được mang súng” của mình. Những người biểu tình khác nói không hiểu tại sao Mark lại rơi vào tầm ngắm của cảnh sát, vì anh chỉ đang diễu hành bình thường khi các phát súng đầu tiên được bắn ra.

Vụ bắn tỉa ở Mỹ: Dân thường đeo súng trường như nghi phạm - 2

Màu hồng miêu tả các bang ở Mỹ cho phép mang theo súng dài ở nơi công cộng

Vậy tại sao một người đàn ông lại được phép mang theo súng trường trong một cuộc biểu tình hòa bình phản đối việc bắn chết các công dân khác? Câu trả lời: Đây là nước Mỹ.

Cả hai người đàn ông da màu bị cảnh sát Mỹ bắn chết trong thời gian gần đây, Alton Sterling và Philando Castile, đều mang súng một cách hợp pháp và hòa bình. Và họ đã bị bắn chết.

Ở bang Texas, cũng như ở hầu hết các bang ở nước Mỹ, việc mang theo vũ khí là hợp pháp. Thực tế, Texas là một trong sáu bang (California, Florida, Illinois, New York, Nam Carolina và Texas) hạn chế việc mang theo súng ngắn, chỉ cho phép mang súng ngắn trên vai hoặc đeo ở hông.

Tuy nhiên, luật pháp tại Texas ít cấm đoán về những “khẩu súng dài” hơn. Những “khẩu súng dài” trong đó có súng trường, hoàn toàn có thể được mang theo công khai ở tiểu bang này. Trong 51 tiểu bang của Mỹ, chỉ có 6 tiểu bang và quận Columbia là cấm mang theo súng dài.

6 bang này đều có những quy định riêng hạn chế mang theo súng dài ở nơi công cộng, như yêu cầu súng không được nạp đạn, hoặc không được mang súng ở những thành phố cụ thể.

Vụ bắn tỉa ở Mỹ: Dân thường đeo súng trường như nghi phạm - 3

Súng trường được phép mang theo công khai ở hầu hết các bang ở Mỹ (Ảnh minh họa)

Quy định “thoáng” của Mỹ về việc mang theo vũ khí khiến công việc của cảnh sát gặp nhiều khó khăn. Rất khó để khẳng định một người nào đó mang theo súng để giết người hay chỉ đơn giản là thực hiện quyền của họ.

Thật không may, ngay cả khi người dân báo cáo cho cảnh sát về những kẻ tình nghi cầm theo súng, cảnh sát cũng không thực sự coi việc này là nghiêm trọng. Chuyện này xảy ra vào tháng 10.2015 tại Colorado Springs, bang Colorado, bang cho phép mang theo tất cả các loại súng ở nơi công cộng. Một người phụ nữ đã gọi báo cảnh sát rằng người hàng xóm 33 tuổi của cô, ông Noah Harpham, đang đi bộ dưới phố và cầm một khẩu súng trường.

Cảnh sát bác bỏ lời kiến nghị và cho rằng “không khẩn cấp”, vì việc mang theo súng là hoàn toàn hợp pháp ở đây. Vài phút sau, Harpham đã bắn chết ba người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - QZ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN