Vì sao Trung Quốc vẫn giữ khoảng cách với Nga – Triều Tiên?

Tại cuộc gặp giữa ba ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra tháng trước – lần đầu tiên trong bốn năm – Bắc Kinh cam kết sẽ trở thành “nhân tố ổn định” cho Đông Bắc Á, trong bối cảnh Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên.

Triều Tiên khẳng định vệ tinh của họ có thể theo dõi Nhà Trắng và các căn cứ hải quân của Mỹ.

Tình báo Hàn Quốc cho rằng nếu đúng như vậy, Triều Tiên đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật quan trọng từ Nga, nhưng cả Nga và Triều Tiên đều phủ nhận.

Là đồng minh với cả Bình Nhưỡng và Mátxcơva, Bắc Kinh có vẻ vẫn thận trọng khi Nga và Triều Tiên xích lại gần nhau. Trung Quốc nhiều lần nói rằng việc hợp tác đó là vấn đề giữa hai bên và Bắc Kinh không can thiệp.

Trung Quốc cũng im lặng sau khi có thông tin nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đề xuất mời Triều Tiên tham gia chương trình tập trận hải quân ba bên với Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang thận trọng để tránh bị kéo vào trục ba bên với Nga và Triều Tiên, sợ rằng điều này có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, khiến căng thẳng khu vực gia tăng.

Bjorn Alexander Duben, một nhà nghiên cứu về Đông Bắc Á tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh muốn tránh tham gia lập nhóm, không muốn thúc đẩy hợp tác ba bên với Bình Nhưỡng và Mátxcơva, dù có quan hệ thân thiết với cả hai nước này.

Tuần trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong Ho thăm Bắc Kinh để có các cuộc gặp riêng với lãnh đạo Trung Quốc.

“Về nguyên tắc, Trung Quốc có thể quan tâm đến việc làm sâu sắc hợp tác với Nga và Triều Tiên. Nhưng thực tế là lợi ích của họ rất khác nhau”, ông Duben nói.

“Bắc Kinh có thể không ngại những cuộc khủng hoảng nhỏ để khiến Mỹ phải bận rộn, nhưng không muốn tình hình toàn cầu bất ổn sâu sắc, nhất là với tình hình kinh tế không thuận lợi của Trung Quốc hiện nay”, ông Duben nhận định, và cho rằng Bắc Kinh vẫn muốn cải thiện quan hệ với phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh gây nhiều chú ý diễn ra tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý quản lý căng thẳng, dù không đạt được đột phá trong những vấn đề mâu thuẫn lớn như cạnh tranh quân sự ngày càng gay gắt ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Mỹ và hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường hợp tác quân sự để cùng đối phó Trung Quốc mà họ cho là ngày càng quyết liệt ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Quan hệ giữa Bắc Kinh với hai nước láng giềng châu Á cũng trở nên căng thẳng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, hội nghị ngoại trưởng ba bên Trung – Nhật – Hàn diễn ra tháng trước tạo nên cơ hội mới để sửa chữa quan hệ, với mục tiêu là tái tập trung vào hợp tác kinh tế.

GS Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng với những dấu hiệu cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật và Hàn Quốc gần đây, Trung Quốc không muốn tham gia những hoạt động hợp tác ba bên với Nga và Triều Tiên, như tập trận chung, để tránh gây thêm căng thẳng ở khu vực.

“Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn rất nguy hiểm. Trung Quốc không nghĩ rằng họ cần xích lại gần Triều Tiên hơn nữa, khi đây là một trong những nguồn cơn căng thẳng trên bán đảo”, GS Shi nói.

Yongwook Ryu, một chuyên gia về Trung Quốc và Triều Tiên tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Trung Quốc không muốn tham gia tập trận quân sự ba bên vì sợ có thể gây ra Chiến tranh Lạnh mới, điều mà họ cáo buộc Mỹ đang thực hiện.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Nga: Đồng USD bị loại bỏ trong thương mại Nga - Trung

Theo nhà lãnh đạo Nga, Moscow và Bắc Kinh đã chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ của mỗi nước, thay vì dùng đồng USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Giang - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN