Mối quan hệ đặc biệt giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin

Thổ Nhĩ Kỳ cần dòng tiền mặt, khí đốt, thị trường xuất khẩu, khách du lịch và sự ủng hộ của Nga trong các chiến dịch quân sự ở Syria, trong khi Moscow đang rất cần bạn bè để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp riêng tại Sochi hồi đầu tháng này.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp riêng tại Sochi hồi đầu tháng này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang gặp khó khăn về chính trị trước cuộc bầu cử vào năm tới, khi nền kinh tế trong nước lao dốc, ngân hàng trung ương cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối và lạm phát đã tăng lên mức gần 80%, theo New York Times.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có những khó khăn riêng, khi chiến dịch ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc và các lệnh trừng phạt tác động không nhỏ tới một số ngành công nghiệp, cũng như nền kinh tế Nga.

Những thách thức đã đưa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xích lại gần hơn kể từ khi quan hệ "rơi xuống vực thẳm" vì vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga năm 2015.

Ông Putin và ông Erdogan đã gặp nhau hai lần trong ba tuần qua, lần gần nhất ở Sochi vào cuối tuần trước. Ông Erdogan bày tỏ sự hi vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể khắc phục những khó khăn bằng cách mở rộng quan hệ đối tác với Nga, thúc đẩy hợp tác kinh tế lên mức kỷ lục 100 tỷ USD.

Trước thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ, các đồng minh EU và NATO thời gian gần đây đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. Thổ Nhĩ Kỳ đã gián tiếp giúp Nga khai thác lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt. Một số quốc gia châu Âu đặt câu hỏi rằng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có trung thành với liên minh hay không, hay tất cả chỉ vì lợi ích riêng, theo New York Times.

Hiện tại, mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dừng lại ở mức đôi bên cùng có lợi. Đối với ông Putin, lợi ích trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là nguồn thu từ thương mại, năng lượng và vũ khí, cũng như mối quan hệ hiếm hoi với một đồng minh hàng đầu của NATO. Trong cuộc xung đột ở Ukraine, NATO đã tích cực hỗ trợ quân sự, giúp Ukraine huấn luyện binh sĩ để đối phó Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ, ứng viên gia nhập EU, luôn từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt Nga. Ankara cũng tìm cách để giao dịch với các ngân hàng Nga bị trừng phạt và chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng của Nga. Dòng khí đốt Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ qua đường ống TurkStream cũng không bị gián đoạn.

Có những thông tin cho rằng, Nga đang giúp Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hỗ trợ công nghệ và chế tạo trang thiết bị cho các hệ thống vũ khí, điều mà Ankara không còn có thể nhận được một cách trực tiếp từ phương Tây.

Đối với ông Erdogan, những lợi ích mà Thổ Nhĩ Kỳ nhận được trong quan hệ với Nga là dòng tiền mặt cho ngân hàng trung ương, năng lượng giá rẻ, vị thế trên toàn cầu, thị trường xuất khẩu, khách du lịch Nga và sự ủng hộ của Nga trong chiến dịch quân sự chống lại người Kurd ở Syria.

Đường ống Turkstream khởi đầu từ Nga, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và có điểm cuối ở châu Âu.

Đường ống Turkstream khởi đầu từ Nga, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và có điểm cuối ở châu Âu.

Nhưng mối quan hệ Nga - Thổ từ trước đến nay vẫn luôn phức tạp. Khi gặp nhau ở Tehran tháng trước, ông Erdogan đã để ông Putin phải đứng một mình trước ống kính máy quay gần một phút. Động thái này được cho là lời nhắc nhở tinh tế về sự thay đổi cán cân quyền lực. Trước đây, ông Putin cũng từng khiến ông Erdogan phải chờ đợi, theo New York Times.

Đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ giữa hai nước được phản ánh rõ rệt từ chính quan hệ giữa ông Putin và ông Erdogan.

"Hai lãnh đạo gặp nhau và đàm phán. Nhưng chỉ có hai người ngồi trong cung điện cùng với một vài người khác, rất ít người biết về nội dung thảo luận", Ilhan Uzgel, nhà khoa học chính trị am hiểu về quan hệ quốc tế tại Đại học Ankara, nói trên New York Times.

Ông Erdogan đã mua các tên lửa phòng không tối tân của Nga và từng phản đối kết nạp Thụy Điển, Phần Lan vào NATO. Dù Ankara đã nhượng bộ nhưng vẫn chưa có gì đảm bảo cho đến lúc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thực sự phê duyệt hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO trong mùa thu năm nay.

Sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ đem lại một số lợi ích cho ông Putin, do Nga có quan điểm không ủng hộ các quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.

Đối với phương Tây, khả năng đàm phán với Nga của ông Erdogan chưa chắc đã là tin xấu. Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Ukraine, gần đây giúp Nga và Ukraine đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc.

"Ông Erdogan đang để ngỏ tất cả các lựa chọn. Đó là chiến lược của các quốc gia khi nghĩ đến lợi ích riêng, không phải là điều mà các đồng minh nên làm. Cái giá phải trả là có thể là làm suy yếu vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh NATO, vốn là điều quan trọng với an ninh quốc gia của nước này", Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nói với New York Times.

"Có một đồng minh NATO với kênh trao đổi riêng với ông Putin là điều tốt đối với liên minh", ông Daalder nhận định. "Nhưng ông Erdogan cần nói những điều đúng đắn, cố gắng giải quyết các vấn đề phù hợp với mục tiêu của liên minh".

Trước mắt, mục tiêu chính của ông Erdogan là giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, theo giới phân tích Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan đang tìm kiếm sự giúp đỡ cả về kinh tế và nỗ lực chống lực lượng người Kurd ở Syria.

Ông Erdogan cần sự ủng hộ của Nga trong các chiến dịch chống lại người Kurd ở Syria.

Ông Erdogan cần sự ủng hộ của Nga trong các chiến dịch chống lại người Kurd ở Syria.

"Mục tiêu thực sự của ông Erdogan không phải là giải vây cho ông Putin mà là tạo ưu thế cho mình trong cuộc bầu cử", giáo sư Uzgel nói. "Ông Erdogan có ba nỗi lo. Một là thuyết phục phương Tây rằng ông có thể làm việc với ông Putin. Hai là hy vọng nguồn tiền từ Nga sẽ tạm thời giúp giải quyết vấn đề tỷ giá tiền tệ. Ba là mong Nga đứng ủng hộ trong chiến dịch quân sự ở Syria".

"Trong các vấn đề trên, ông Putin đều đang nắm thế chủ động", Asli Aydintasbas, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nói.

Bà Aydintasbas cho biết, Nga có nguồn tiền, năng lượng giá rẻ, việc làm, trong khi chỉ cần một vài cuộc ném bom ở miền bắc Syria là có thể thúc đẩy hai triệu người tị nạn tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

"Thổ Nhĩ Kỳ cần quan hệ đối tác ngoại giao với Nga để xử lý những vấn đề trong khu vực như Syria. Do đó, họ không thể quay lưng với Nga", ông Ulgen cũng đồng tình.

Lập trường này thể hiện rõ trong cuộc xung đột Ukraine, khi "Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ Ukraine nhưng không chống Nga", ông Ulgen nói thêm.

Theo ông Ulgen, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ "nhận thức được ranh giới mỏng manh giữa việc không thực hiện lệnh trừng phạt và đóng vai trò là quốc gia giúp Nga né các lệnh trừng phạt".

Mối quan hệ giữa ông Putin và ông Erdogan rất khác lạ, trong đó cả hai "công khai hợp tác nhưng hiểu những bất đồng của nhau". Thổ Nhĩ Kỳ cần sự chấp thuận của Nga để truy lùng người Kurd ở Syria, trong khi Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

"Không ai ở Thổ Nhĩ Kỳ vui khi Nga vẫn đang kiểm soát các vùng ở sát sườn bắc Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen ở một phần gần sườn nam giữa nước này với Syria. Nhưng Ankara hiểu phải đàm phán với Moscow là cần thiết để thiết lập một thỏa thuận hoặc chỉ có lựa chọn xung đột", bà Aydintasbas nói.

Trở về sau khi tới Sochi vào cuối tuần trước, ông Erdogan nói ông Putin có "thái độ công bằng" với Thổ Nhĩ Kỳ. "Những hiểu biết chung mà chúng tôi đã xây dựng trên nền tảng tin tưởng và tôn trọng đã giúp đảm bảo quan hệ song phương", ông Erdogan nói, theo New York Times.

_______________________

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện vai trò đặc biệt khi vừa ủng hộ Ukraine, vừa thúc đẩy hợp tác với Nga bất chấp phương Tây. Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ chọn cách tiếp cận khác biệt này? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản lúc 19h ngày 22/8 trên mục Thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhìn lại vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là hai quốc gia có duyên nợ trong lịch sử. Hai nước thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung, nhưng cũng có những mâu thuẫn, căng thẳng từng khiến quan hệ "rơi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tình hình Nga và Thổ Nhĩ Kỳ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN