Vì sao siêu biến thể Omicron gây lo ngại?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Việc cơ quan y tế Nam Phi công bố phát hiện biến thể mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 đã gây ra phản ứng trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ một số quốc gia châu Phi.

Siêu biến thể Omicron có những đột biến chưa từng thấy ở các chủng virus SARS-CoV-2.

Siêu biến thể Omicron có những đột biến chưa từng thấy ở các chủng virus SARS-CoV-2.

Hôm 26.11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định biến thể B.1.1.529 là biến thể đáng lo ngại, đặt tên là Omicron. Bên cạnh Nam Phi, biến thể mới cũng được phát hiện ở Botswana, Hong Kong và Bỉ.

Biến thể này được cho là đang lây lan rất nhanh ở Nam Phi. Các nhà khoa học quan ngại về số lượng đột biến cao bất thường ở biến thể Omicron.

Lawrence Young, nhà virus học và là giáo sư chuyên ngành ung thư phân tử tại Trường Y Warwick ở Anh, nói biến thể Omicron “rất đáng lo ngại”.

"Đây là phiên bản virus đột biến nhiều nhất mà chúng ta thấy cho tới nay. Omicron chứa một số thay đổi chúng ta từng thấy ở các biến chủng khác, nhưng chưa từng có loại virus nào hội tụ hết các đặc điểm đó. Nó thậm chí còn có những đột biến mới", Young nói, theo CNN.

Biến thể Omicron có tới hơn 50 đột biến, trong đó 30 đột biến tập trung ở protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.

Neil Ferguson, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Anh, cũng nhận định số đột biến trên protein gai của Omicron là "chưa từng có tiền lệ". "Protein gai trên virus chính là mục tiêu của phần lớn vaccine Covid-19 hiện nay", giáo sư Ferguson giải thích. "Chúng tôi lo ngại rằng biến thể này có khả năng né tránh miễn dịch cao hơn so với những chủng trước đây".

Sharon Peacock, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Cambridge ở Anh, nói biến thể Omicron có thể đứng sau số ca nhiễm tăng vọt ở Nam Phi trong 7 ngày qua.

Hôm 16.11, Nam Phi ghi nhận 273 ca nhiễm mới, đến ngày 25.11, con số này tăng lên hơn 1.200, với 80% ca nhiễm mới tập trung ở tỉnh Gauteng.

Tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown của Mỹ, cho rằng biến thể Omicron "hành xử rất khác" và "có vẻ có khả năng lây lan còn cao hơn cả Delta".

“Omicron trở thành biến thể lây lan chủ yếu ở Nam Phi chỉ sau vài ngày, chứ không phải vài tháng”, tiến sĩ Jha nói với CNN.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng tình rằng, vẫn còn quá sớm để biết chính xác ảnh hưởng của đột biến trên biến thể Omicron đối với vaccine.

Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch tễ Nam Phi, nói vaccine vẫn là công cụ hữu hiệu nhất đối phó với virus.

“Tôi không nghĩ có khả năng vaccine trở nên vô hiệu hoàn toàn. Vấn đề là biến thể này tác động đến vaccine ở mức độ nào”, Oliveira nói.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo không nên vội vàng kết luận nguồn gốc của Omicron từ Botswana hay Nam Phi, dù những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở hai quốc gia này.

Cho đến nay, các nhà khoa học ca ngợi cơ quan y tế Nam Phi vì đã sớm phát hiện biến thể mới đáng lo ngại. Khi các ca bệnh ở tỉnh Gauteng diễn biến nhanh hơn những nơi khác, các chuyên gia y tế Nam Phi đã tập trung giải trình tự mẫu virus SARS-CoV-2 và nhanh chóng xác định biến thể B.1.1.529.

Nguồn: [Link nguồn]

Biến thể Omicron lan đến châu Âu, Thủ tướng Bỉ nói 'đây là COVID-21'

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết biến thể Omicron rất khác so với chủng virus ban đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc), do đó,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN