Vì sao Nga không muốn quá "căng" với Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có những lợi ích gắn với nhau khăng khít tới mức không nước nào thực sự sẵn sàng leo thang căng thẳng, dù vụ bắn hạ chiếc Su-24 tốn không ít giấy mực mấy ngày qua.

Chiếc máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ bởi máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba (24.11) đã làm căng thẳng giữa hai quốc gia tăng cao. Moscow gọi đây là hành động “được toan tính từ trước”. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO thì nói đây là quyền tự vệ chính đáng khi không phận bị xâm phạm.

Vì sao Nga không muốn quá "căng" với Thổ Nhĩ Kỳ? - 1

Tổng thống Putin gặp Tổng thống Erdogan tại điện Kremlin hôm 23.9

Tuy nhiên, có một lí do rất quan trọng mà Nga và Tổng thống Vladimir Putin quyết định không làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực: mối quan hệ kinh tế khăng khít gắn bó từ lâu giữa hai nước.

Chuyên gia địa chính trị Ian Bremmer, chủ tịch quỹ Eurasia, trả lời Business Insider cho biết: “Chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng cân nhắc lợi ích kinh tế của ông Putin”.

“Hãy nhớ rằng, Nga vẫn cung cấp khí đốt cho Ukraine kể cả khi quân đội hai bên giao tranh dữ dội”, ông Bremmer nói. “Ông Putin cũng không muốn tạo thêm sự đối lập với NATO khi quan hệ với EU gần đây đang được cải thiện – Pháp là một ví dụ cụ thể - để làm tồi tệ hơn chính sách 'cô lập hóa' mà Mỹ đang triển khai".

 “Mối quan hệ giữa hai quốc gia là rất khăng khít – từ du lịch, thương mại, và quan trọng nhất là năng lượng – cả ông Putin và Erdogan đều không muốn gây ảnh hưởng cho mối quan hệ này”, ông Bremmer nhấn mạnh.

Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Ai Cập là hai nước mua ngũ cốc lớn nhất của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ còn là một khách hàng quan trọng đối với các sản phẩm thép. Năm 2014, hơn 4% doanh thu xuất khẩu – chủ yếu là hàng dệt may và thực phẩm trị giá khoảng 6 tỉ USD – do Nga đóng góp.

Du lịch là một kênh rất quan trọng giữa hai nước. Năm 2014, hơn 3,3 triệu du khách Nga tìm tới Thổ Nhĩ Kỳ – số lượng du khách đông thứ hai chỉ sau Đức.

Tuy nhiên, mối quan hệ về năng lượng giữa hai bên mới thực sự là quan trọng nhất. Thổ Nhĩ Kỳ hầu như phụ thuộc vào Nga trong nguồn khí đốt nhập khẩu. Theo New York Times, Nga cung cấp hơn một nửa lượng khí đốt thường niên cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì sao Nga không muốn quá "căng" với Thổ Nhĩ Kỳ? - 2

Ông Putin có nhiều lợi ích kinh tế cần quan tâm trước khi quyết định có nên gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ hay không

Ngược lại, Nga phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trong việc vận chuyển khí đốt bán cho châu Âu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng với Ukraine vẫn đang tiếp diễn và không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hai bên cũng đang bàn bạc về dự án đường ống khí tự nhiên cho phép Nga xuất khẩu khí đốt vào EU dễ dàng hơn. Khi dự án được thông báo vào tháng 12.2014, ông Putin đã sang thăm chính quyền Ankara. Cả hai vị lãnh đạo đều thể hiện sự hợp tác chống lại phương Tây vì hai nước đều tồn tại những bất đồng với EU.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có hợp đồng trị giá 20 tỉ USD với một doanh nghiệp nhà nước Nga để giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở quốc gia này.

 “Phản ứng đầu tiên của ông Putin sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ - 'một cú đâm sau lưng của kẻ đồng lõa với khủng bố' – thực ra hơi hiếu chiến”, ông Bremmer nhận xét. “Ông Putin là một người có các phát biểu cứng rắn tuy nhiên ông có nhiều lá bài lợi ích khác đang cầm trên tay”.

Vì sao Nga không muốn quá "căng" với Thổ Nhĩ Kỳ? - 3

Dự án đường ống khí đốt "Dòng chảy phương Nam" chạy qua châu Âu đã bị ngưng từ năm 2014.

Mối quan hệ của Putin và Erdogan bắt đầu căng thẳng kể từ sau khi Nga tham chiến tại Syria. Nga tập trung oanh kích cả những nhóm nổi dậy ở Syria được Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác hậu thuẫn.

Tuy nhiên lợi ích hai bên vẫn phải được đảm bảo cũng như sự phụ thuộc vào nhau là không thể bàn cãi.

Ông Erdogan đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mua khí đốt từ Nga và nước này sẽ nhờ nước khác  xây dựng một cơ sở điện hạt nhân. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có thể được quốc gia khác giúp đỡ xây nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên việc mua khí tự nhiên không đơn giản đến vậy.

Nga cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ qua hai hệ thống đường ống chạy qua miền tây bắc Thrace và đường ống còn lại ở biển Đen.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ nhập khí đốt từ Iran, Azerbaijan, Turkmenistan nhưng lượng nhập là quá ít ỏi. Nga cũng không dại gì làm ảnh hưởng tới niềm hy vọng duy nhất giúp bán khí đốt dễ dàng hơn cho EU này. Dự án đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Nam” chạy xuyên châu Âu đã bị hủy bỏ từ năm 2014.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nhập khẩu khí đốt Nga lớn thứ hai sau Đức. Cân nhắc tới bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, Nga không dám mất đi một khách hàng mua tới 30 tỉ mét khối khí tự nhiên mỗi năm như Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Bremmer nói: “Tôi nghĩ rằng vụ Su-24 không làm thay đổi mối quan hệ kinh tế của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Nga và NATO căng thẳng hoặc thay đổi hoàn toàn liên minh quân sự ở Syria”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – BI ([Tên nguồn])
Tình hình Nga và Thổ Nhĩ Kỳ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN