Vì sao đế chế hùng mạnh và vĩ đại như Ai Cập lại sụp đổ?

Tồn tại hơn 3.000 năm, Ai Cập từng là một trong những đế chế hùng mạnh và vĩ đại nhất thế giới. Sự sụp đổ của Ai Cập đến nay vẫn là câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc.

Vào thời cổ đại, Ai Cập là một trong những đế chế hùng mạnh nhất thế giới (ảnh: CNN)

Vào thời cổ đại, Ai Cập là một trong những đế chế hùng mạnh nhất thế giới (ảnh: CNN)

Ai Cập cổ đại đã đạt đến đỉnh cao của quyền lực, giàu có và ảnh hưởng trong thời kỳ Tân Vương quốc (từ năm 1550 – 1070 TCN). Giai đoạn này, Ai Cập được trị vì bởi những pharaoh tài giỏi như Tutankhamun, Thutmose III, Ramses II và Ramses III.

Dưới thời Ramses III, Ai Cập kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm Ai Cập, và nhiều khu vực thuộc Sudan, Cyprus, Lebanon, Syria, Israel, Palestine ngày nay. Tuy nhiên, những biến cố liên tiếp xảy ra khiến đế chế Ai Cập dần rơi vào suy tàn và bị ngoại bang xâm chiếm, theo History.

Bức tường khắc cảnh Ramses III đánh bại những người thuộc “các dân tộc biển” (ảnh: History)

Bức tường khắc cảnh Ramses III đánh bại những người thuộc “các dân tộc biển” (ảnh: History)

1. Vị pharaoh vĩ đại cuối cùng của Ai Cập

Ramses III là vị vua thuộc Vương triều thứ 20 của Ai Cập cổ đại. Ông cai trị Ai Cập từ năm 1186 – 1155 TCN và được đánh giá là một trong những vị pharaoh vĩ đại nhất quốc gia Bắc Phi. Với sự tài giỏi và dũng cảm của mình, Ramses III đã dẫn dắt người Ai Cập chiến thắng cuộc xâm lược của “các dân tộc biển”.

Hầu hết các nhà sử học cho rằng, “các dân tộc biển” (theo cách gọi của người Ai Cập cổ đại) là những tộc người di cư từ phía tây Địa Trung Hải. Trên những con thuyền lớn vượt biển, họ tìm đến những vùng đất trù phú mới để sinh sống. Trước sự xâm lược của “các dân tộc biển”, một số vương quốc ở vùng Tiểu Á đã chứng kiến các thành phố, di tích, ngôn ngữ và chữ viết của họ bị xóa sổ, theo History.

Năm 1177 TCN, Ramses III và quân Ai Cập đã đẩy lùi cuộc tấn công thứ 2 của “các dân tộc biển”. Chiến công hiển hách của Ramses III được khắc trên lăng mộ và đền thờ ông ở khu di tích Medinet Habu (phía tây Ai Cập).

Tuy nhiên, Ramses III không thể tận hưởng chiến công của mình được lâu khi ông bị ám sát bởi chính người “đầu gối tay ấp”.

“Ramses III có thể chiến thắng đội quân tàn bạo của ‘các dân tộc biển’, nhưng không thoát khỏi âm mưu ám sát của người vợ nơi hậu cung”, History dẫn lời ông Eric Cline – giáo sư khảo cổ học tại Đại học Washington (Mỹ) – cho biết.

Theo ảnh chụp CT xác ướp của Ramses III, ông bị đâm xuyên qua cổ và bị sát hại vào năm 1155 TCN. Vết thương sâu đến tận đốt sống cổ khiến nhà vua lỗi lạc của Ai Cập chết chỉ trong khoảnh khắc.

Nữ hoàng Tiye được cho là đã cùng Pentaweret (con trai của bà), thực hiện âm mưu ám sát vua Ramses III nhằm cướp ngôi. Sử sách không đề cập chuyện gì đã xảy ra với nữ hoàng Tiye, nhưng nhiều nhà sử học cho rằng, bà và con trai đã bị ép phải tự sát cùng những kẻ tham gia vụ ám sát trên.

“Đó là khởi đầu của sự suy tàn. Sau Rameses III, Ai Cập dần tuột dốc khỏi vị thế của một đế chế”, ông Cline nói.

Ai Cập từng có khí hậu ẩm ướt, trước khi nhiều vùng biến thành sa mạc (ảnh: Apoter)

Ai Cập từng có khí hậu ẩm ướt, trước khi nhiều vùng biến thành sa mạc (ảnh: Apoter)

2. Biến đổi khí hậu

Vào thế kỷ 12 TCN, nhiều vương quốc thịnh vượng bên bờ Địa Trung Hải đã sụp đổ do hạn hán kéo dài. Giới nghiên cứu lịch sử gọi đây là “sự sụp đổ của thời kỳ đồ đồng”. Trong giai đoạn này, Ai Cập may mắn thoát khỏi sụp đổ nhưng cũng bị ảnh hưởng và suy yếu nghiêm trọng, theo Livescience.

Là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh và được sông Nile ưu đãi, Ai Cập không “khoanh tay chờ chết”. Một số tài liệu lịch sử cho thấy, các pharaoh Ai Cập đã ra lệnh tăng cường sản xuất lương thực, lai tạo gia súc bản địa với giống bò zebu giỏi chịu khát hoặc gia súc có bướu. Lương thực được thu gom để phân phối khắp đế chế Ai Cập.

Tuy nhiên, các nỗ lực này chưa đủ để Ai Cập trụ vững trước đợt hạn hán kéo dài 150 năm sau khi Ramses III qua đời, theo kênh The Weather Channel (Mỹ).

“Các chuỗi thương mại quan trọng nhất giữa Ai Cập với các khu vực xung quanh bị cắt đứt. Ai Cập sau cái chết của vua Ramses III được đánh dấu bởi tình trạng thiếu lương thực và đấu đá nội bộ. Sau đợt siêu hạn hán, Ai Cập đã không còn là một cường quốc”, giáo sư Eric Cline nhận xét.

Không chỉ hạn hán, hiện tượng sa mạc hóa cũng khiến người Ai Cập cổ đại khổ sở. Ngày nay, vùng sa mạc phía nam Ai Cập không còn thích hợp cho con người sinh sống, nhưng hàng ngàn năm trước, nơi đây từng là một vùng đất trù phú.

Ở cao nguyên Gilf Kebir (tây nam Ai Cập), giới khảo cổ phát hiện một hang động kỳ lạ. Hang động này được bao quanh bởi sa mạc cằn cỗi, nhưng bên trong hang, người ta phát hiện hình vẽ của những người đang bơi lội. Các nhà khảo cổ kết luận rằng nơi đây có thể từng là vùng đất có nhiều sông hồ, trước khi bị sa mạc hóa. 

Theo các nhà khoa học, Ai Cập thời cổ đại có khí hậu ẩm ướt hơn hiện nay. Một cái tên cổ khá phổ biến của Ai Cập cổ đại là “Kemet” (vùng đất đen). Các nhà sử học cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ lớp đất màu mỡ sót lại khi lũ trên sông Nile rút vào tháng 8. Tuy nhiên, vào cuối đế chế Ai Cập, khí hậu trở nên khô nóng bất thường. Nguồn nước khan hiếm khiến mùa màng thất bát, nạn đói hoành hành.

Một ngôi đền thờ pharaoh ở Ai Cập (ảnh: History)

Một ngôi đền thờ pharaoh ở Ai Cập (ảnh: History)

3. Dịch bệnh

Năm 1898, xác ướp của pharaoh Ramses V (trị vì từ năm 1149 – 1145 TCN) được tìm thấy và người ta phát hiện trên mặt ông có nhiều vết sẹo gây ra bởi bệnh đậu mùa. Các tài liệu lịch sử cho thấy một lệnh cấm thăm lăng mộ kéo dài 6 tháng đã được ban hành sau khi vua Ramses V được chôn cất. Đây có thể là một trong những lệnh cách ly đầu tiên của lịch sử thế giới, theo Daily Mail.

Không rõ đậu mùa có phải là nguyên nhân gây ra cái chết của Ramses V hay không. Nhưng đây có thể là dấu hiệu cho thấy một đợt dịch đậu mùa lớn từng bùng phát ở Ai Cập. Ở châu Âu, vào cuối thế kỷ 18, dịch đậu mùa cướp đi sinh mạng của khoảng 400.000 người mỗi năm, trong đó có 5 vị vua đang tại vị.

4. Pharaoh không còn quyền lực

Theo giáo sư Cline, ở triều đại của vua Ramses V và Ramses VI, Ai Cập dường như đã mất quyền kiểm soát nhiều khu vực thuộc Canaan (vùng đất rộng lớn bao gồm Lebanon, Israel, Palestine và một số nước phụ cận). Đến thời Ramses IX (trị vì từ 1129 – 1111 TCN), Ai Cập bị rung chuyển bởi hàng loạt các vụ trộm mộ.

Theo History, nạn đói khi đó đã bức ép người dân “đột kích” vào lăng tẩm của các pharaoh và hoàng tộc để trộm mộ. Đây cũng là cách họ thể hiện sự chống đối với pharaoh, người vốn được coi là con của các vị thần.

“Đó là một tội ác gây sốc vào thời đó. Triều đại của Ramses IX là khởi đầu cho một thời kỳ đầy rẫy những vụ trộm mộ hoàng gia ở Ai Cập”, giáo sư Cline nói.

Alexander Đại đế chinh phục Ai Cập (ảnh: Britannica)

Alexander Đại đế chinh phục Ai Cập (ảnh: Britannica)

5. Bị xâm lược

Ai Cập từng bước suy yếu cho đến năm 525 TCN, họ phải đối mặt với một cuộc xâm lược lớn khác từ Ba Tư. Đội quân từ Trung Đông tràn xuống Ai Cập được cho là còn mạnh mẽ hơn “các dân tộc biển” gấp nhiều lần, theo History.

Mùa xuân năm 525 TCN, quân Ba Tư dưới sự chỉ huy của vua Cambyses II đã bắt giữ và xử tử pharaoh Psamtik III. Ai Cập bị đô hộ và trở thành chư hầu của Ba Tư. Vua Cambyses II cai trị Ai Cập từ xa và cử một “satrap” (thống đốc) xử lý công việc ở Ai Cập. Để giảm sự chống đối của người Ai Cập, Cambyses II cũng xưng là pharaoh.

Psamtik III cai trị Ai Cập không quá 6 tháng (từ năm 526 TCN). Ngày ông đăng quang ngôi vị pharaoh, kinh đô Thebes đã đổ mưa. Nhiều người cho rằng đây là điềm xấu.

Năm 332 TCN, Alexander Đại đế (356 TCN – 323 TCN, vua của các thành bang Hy Lạp cổ đại) đã đánh đuổi người Ba Tư ra khỏi Ai Cập và sáp nhập nước này vào đế chế Macedonia (nằm ở Hy Lạp ngày nay). Alexander Đại đế cũng cho xây dựng thành phố Alexandria và biến nơi này thành trung tâm văn hóa, chính trị mới của Ai Cập, theo Studentsofhistory.

Tranh vẽ nữ hoàng Cleopatra (ảnh: Livescience

Tranh vẽ nữ hoàng Cleopatra (ảnh: Livescience

Năm 323 TCN, Alexander Đại đế qua đời, Ptolemy Soter, một trong những tướng lĩnh tài giỏi nhất của ông, đã dẫn đội quân trung thành với mình tới Ai Cập và lập ra vương triều Ptolemaic. Ptolemy Soter tuyên bố vương triều Ptolemaic độc lập với đế chế Macedonia và người dân Ai Cập xem ông như “đấng cứu thế”. Ptolemy Soter cũng xưng là pharaoh.

Người cai trị cuối cùng của vương triều Ptolemaic là nữ hoàng Cleopatra nổi tiếng với truyền thuyết về sắc đẹp mê người. Năm 30 TCN, hoàng đế La Mã Augustus đánh bại quân Ai Cập. Nữ hoàng Cleopatra được cho là đã tự sát sau thất bại này.

Chiến thắng của hoàng đế Augustus chấm dứt những năm độc lập cuối cùng của Ai Cập trong thời kỳ cổ đại. Ai Cập bị sáp nhập vào đế chế La Mã và dần bị “Hy Lạp hóa”.

Nguồn: [Link nguồn]

Ai Cập: Đào được xác ướp nam nữ 2.500 năm tuổi, phát hiện thứ khiến kẻ trộm mộ khiếp sợ

Xác ướp của một người đàn ông và một phụ nữ được chôn với chiếc lưỡi vàng gắn trong miệng, gần đây được phát hiện ở ngoại ô thủ đô Cairo, Ai Cập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo QUỐC NAM – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN