Vì sao châu Á chậm chân trong cuộc đua dập tắt dịch Covid-19?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia từng là hình mẫu chống dịch Covid-19, nay đang vất vả đối phó đại dịch.

Người dân đi mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Người dân đi mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tình hình ở Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19, nay gần như trái ngược. Người dân Mỹ bắt đầu đi nghỉ mát, đến sân vận động xem hòa nhạc và thể thao. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường, theo New York Times.

Ở miền nam Trung Quốc, biến thể Delta (có nguồn gốc từ Ấn Độ) lây lan nhanh chóng khiến Quảng Châu, thành phố công nghiệp chủ chốt của tỉnh Quảng Đông, bị phong tỏa.

Đảo Đài Loan, Thái Lan, Úc cũng đã tạm thời kiểm soát được các đợt bùng phát gần đây. Nhật Bản đang trải qua làn sóng dịch thứ 4, gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng trước thềm Olympic 2021.

Nhiều cư dân ở châu Á Thái Bình Dương đặt câu hỏi: Tại sao khu vực vẫn chưa thể dập tắt dịch Covid-19? Và khi nào đại dịch mới kết thúc?

“Chúng ta giống như đang vướng phải đống bùng nhùng. Ai cũng đều cố gắng thoát ra ngoài”, Terry Nolan, người đứng đầu nhóm Nghiên cứu Vaccine và Miễn dịch tại Viện Doherty ở Melbourne, Úc, nói.

Theo báo Mỹ New York Times, một trong những nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình cảnh ở châu Á – Thái Bình Dương hiện nay là tình trạng thiếu vaccine.

Ở Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở mức tương đối thấp. Các quốc gia và vùng lãnh thổ này áp đặt quy định kiểm dịch nghiêm ngặt, đóng cửa biên giới và tích cực truy vết các ca nghi nhiễm.

Người dân Pháp ra đường, ngồi cà phê không cần đeo khẩu trang.

Người dân Pháp ra đường, ngồi cà phê không cần đeo khẩu trang.

C. Jason Wang, phó giáo sư tại Đại học Y khoa Stanford, nói các biện pháp chống dịch trên mang ý nghĩa phòng thủ. "Nhưng để chấm dứt dịch Covid-19, cần cả chiến lược phòng thủ và tấn công. Và chiến lược tấn công ở đây là vaccine”, Wang nói.

Năng lực phát triển, sản xuất vaccine ở nhiều quốc gia châu Á là có hạn. Đầu năm nay, hàng loạt quốc gia thông báo ký hợp đồng mua vaccine với các nhà sản xuất, nhưng số lô hàng được chuyển giao trên thực tế vẫn còn rất hạn chế.

“Các lô hàng vaccine được chuyển đến châu Á – Thái Bình Dương còn rất khiêm tốn so với hợp đồng ký kết”, Richard Maude, thành viên cấp cao tại Học viện Chính sách Xã hội Châu Á ở Úc, nói.

Peter Collignon, bác sĩ kiêm giáo sư vi sinh tại Đại học Quốc gia Úc, nhận định: "Thực tế là những quốc gia sản xuất vaccine đang giữ lại cho chính họ".

Kết quả là hố sâu ngăn cách giữa chương trình tiêm chủng của Mỹ, châu Âu với châu Á ngày càng bị nới rộng.

Ở châu Á, khoảng 20% người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine. Tại Nhật Bản, con số này là 14%, trong khi ở Pháp là 45%, ở Mỹ là hơn 50% và ở Anh là hơn 60%.

Mạng xã hội Instagram giờ đây tràn ngập hình ảnh người Mỹ tươi cười ôm hôn bạn bè vừa được tiêm phòng. Người Paris cũng nô nức khoe ảnh đi cà phê, đi du lịch.

Ở Seoul, Hàn Quốc, người dân cố gắng tìm kiếm nơi còn vaccine nhưng hầu như đều hết sạch. "Có còn vaccine nào sót lại không? Hay nó đã biến mất trong 0,001 giây giống như tấm vé ngồi hàng ghế đầu trong buổi biểu diễn của thần tượng K-pop?", một người dùng mạng xã hội Twitter viết.

Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Quảng Châu, Trung Quốc hồi tháng trước.

Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Quảng Châu, Trung Quốc hồi tháng trước.

Một số quốc gia châu Á đang tích cực thúc đẩy chương trình tiêm chủng. Trung Quốc đã lập kỷ lục tiêm 22 triệu mũi vaccine cho người dân vào ngày 2.6. Tính đến nay, Trung Quốc tiêm gần 900 triệu liều vaccine cho tổng số 1,4 tỷ dân.

Nhật Bản cũng bắt đầu mở rộng đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 ngoài các nhân viên y tế. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố từ nay đến tháng 11, tất cả người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm vaccine Covid-19.

Do chưa thể kiểm soát đại dịch bằng vaccine, các nước châu Á vẫn chưa thể quay trở về trạng thái bình thường, theo New York Times.

Úc gần đây đưa ra khả năng phải đóng cửa biên giới trong một năm nữa. Nhật Bản cũng đang cấm khách du lịch nước ngoài nhập cảnh.

Trong khi đó, các kho bảo quản vaccine đang phải chạy đua với thời gian, vì vaccine cần được sử dụng trước khi hết hạn.

Indonesia cảnh báo người dân sẽ bị phạt khoảng 450 USD nếu từ chối tiêm vaccine. Tại đặc khu hành chính Hong Kong, các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp đang áp dụng một loạt các biện pháp để khiến nhân viên bớt do dự trong việc tiêm vaccine.

New York Times nhận định, với tình hình hiện nay, cho tới hết năm 2021, châu Á – Thái BÌnh Dương vẫn chưa thể về đích trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia tiêm chủng Covid-19 nhanh nhất thế giới: Lợi ích không ngờ

Một nghiên cứu mới cho thấy tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại quốc gia này đã mang lại lợi ích kép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN