Uy lực đáng sợ của vũ khí bắn MH17 khiến 298 người tử nạn

Hệ thống tên lửa phòng không Buk được xác định bắn rơi máy bay Malaysia mang số hiệu MH17 khiến 298 người thiệt mạng là vũ khí đáng sợ với độ chính xác rất cao có nguồn gốc từ thời Liên Xô.

Uy lực đáng sợ của vũ khí bắn MH17 khiến 298 người tử nạn - 1

Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E của Nga.

Hệ thống tên lửa Buk cơ động có khả năng phòng không hiệu quả và ngắm bắn đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau.

Buk được phát triển từ năm 1972 theo nghị quyết của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Cơ quan phát triển tổng thể hệ thống phòng không Buk là Viện Nghiên cứu chế tạo dụng cụ NIIP thuộc Liên hiệp Khoa học-thiết kế Fazotron.

Buk có nghĩa là “cây sồi” trong tiếng Nga, lần đầu được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô năm 1980 và đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, bao gồm cả Triều Tiên và Syria. NATO gọi đây là hệ thống SA-11 Gadfly.

Hệ thống Buk bắt đầu được chế tạo vào đầu những năm 1970, từ biến thể đầu tiên 9K37 đến 9K37M1-2, Buk-M1-2 và Buk-M3 sẽ được trang bị cho quân đội Nga trong năm 2016.

Buk có khả năng phóng tên lửa động cơ một tầng nặng 700 kg với đầu đạn phát nổ khi gần đến mục tiêu, tạo thành vô số mảnh kim loại lao nhanh với tốc độ cao. Thời gian cần thiết để tên lửa sẵn sàng chiến đấu là 5 phút, thời gian nạp tên lửa tối đa 15 phút.

Tối đa 6 tên lửa Buk có thể được phóng riêng biệt đồng thời từ xe phóng cơ động, thường là xe tải quân sự hoặc xe tăng, nhằm vào các mục tiêu trên không ở tầm cao khác nhau, theo trang tin về quốc phòng và tình báo Janes.

Tên lửa lao đến mục tiêu sử dụng hệ thống radar vận hành bởi đơn vị di động đi kèm. Hệ thống tên lửa phòng không Buk cho phép bắn các mục tiêu không cơ động trên không ở tầm cao 3-25 km với tốc độ đến 800 m/s (nếu mục tiêu bay với tốc độ đến 300 m/s thì có thể bắn trúng ở độ cao 30 km). Xác suất tiêu diệt mục tiêu tên lửa Buk khoảng 90% và được tăng đáng kể đối với các phiên bản cải tiến.

Uy lực đáng sợ của vũ khí bắn MH17 khiến 298 người tử nạn - 2

Buk-M3 sẽ được biên chế cho quân đội Nga trong năm nay.

Kết luận ngày 28.9 của nhóm điều tra do Hà Lan dẫn đầu xác định chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines bị bắn rơi bởi tên lửa Buk loại 9M38. Máy bay khi đó đang di chuyển ở độ cao hơn 10.000 m.

Nhóm điều tra cũng khẳng định “tên lửa Buk được đưa đến miền đông Ukraine từ Nga” và bắn rơi máy bay dân sự ở khu vực do phe nổi dậy kiểm soát.

Phát hiện mới này ủng hộ quan điểm của Ukraine và phương Tây, rằng phe nổi dậy bắn rơi máy bay mang số hiệu MH17 bằng tên lửa Nga. Nga và phe nổi dậy Ukraine bác bỏ điều này và cáo buộc quân đội Kiev đứng đằng sau vụ việc.

Công ty vũ khí Nga Almaz-Antey, đơn vị sản xuất tên lửa Buk từng nói rằng, nếu như MH17 bị bắn rơi bởi tên lửa thì đó chắc chắn là mẫu 9M38. Đây là loại tên lửa sử dụng trong hệ thống phòng không Buk từ năm 1986 và đã bị loại biên khỏi quân đội Nga năm 2011.

Nga hiện đang phát triển hệ thống phòng không Buk-M3 với nhiều cải tiến. Khả năng bắn trúng mục tiêu của Buk-M3 tăng lên 99% và tầm đánh chặn đã tăng từ 25km lên 70km.

Một khẩu đội tên lửa Buk-M3 có thể dò tìm và theo dõi cùng lúc 36 mục tiêu trong khi tên lửa đánh chặn có khả năng phá hủy mọi vật thể bay, bao gồm những loại máy bay và tên lửa có tốc độ bay nhanh, linh hoạt ngay cả khi bị tấn công điện tử chủ động.

Buk-M3 thậm chí còn được đánh giá ưu việt hơn hệ thống phòng không tầm xa S-300 ở một số đặc tính, như độ chính xác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Inquirer ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN