Tương lai lạc quan của vaccine COVID-19 thế hệ mới

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Hàng loạt hãng dược đang tập trung phát triển vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới với nhiều cải tiến đáng kể về liều lượng thuốc, cách bảo quản và giá thành so với thế hệ cũ.

Tính đến ngày 2-6 (giờ Việt Nam), thống kê của tờ The New York Times cho biết toàn thế giới đã có khoảng 1,93 tỉ người được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa đại dịch COVID-19. Hầu hết các nước có tỉ lệ người được tiêm vaccine cao thuộc khu vực phương Tây phát triển, trong khi ở châu Á, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, tỉ lệ này còn khá khiêm tốn, gây khó khăn trong công tác kiểm soát dịch.

Mặc dù vậy, nhìn chung cho đến nay, các loại vaccine ngừa COVID-19 đã chứng minh được hiệu quả của chúng và giành được sự tin tưởng của một bộ phận không nhỏ người dân trên toàn cầu. Không dừng lại ở đó, các hãng dược hiện vẫn đang tiếp tục không ngừng nghiên cứu, cải tiến để cho ra đời vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới với nhiều ưu điểm hơn thế hệ cũ, theo tờ USA Today.

Các hãng dược trên thế giới đang tập trung cải tiến vaccine ngừa COVID-19 để cho ra đời thế hệ mới nhiều ưu điểm hơn thế hệ đang được lưu hành hiện nay. Ảnh minh họa: THE ECONOMIC TIMES

Các hãng dược trên thế giới đang tập trung cải tiến vaccine ngừa COVID-19 để cho ra đời thế hệ mới nhiều ưu điểm hơn thế hệ đang được lưu hành hiện nay. Ảnh minh họa: THE ECONOMIC TIMES

Tiếp tục nỗ lực hoàn thiện vaccine ngừa COVID-19

Theo ông Scott Roberts, Giám đốc nghiên cứu của hãng dược Altimmune (Mỹ), thực tế từ việc điều chế các loại vaccine ngừa những bệnh khác cho thấy vaccine thế hệ thứ hai thường được cải thiện hơn nhiều so với thế hệ đầu tiên.

Trước mắt, ông Roberts dự đoán các loại vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới sẽ có hiệu quả hơn đối với những biến thể mới và nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, một số hãng dược đang thử nghiệm loại vaccine không cần bảo quản lạnh, không đòi hỏi hai mũi tiêm, có ít tác dụng phụ hơn hoặc không sử dụng kim tiêm, từ đó giúp chúng được phân phối dễ dàng hơn đến các khu vực nông thôn và những quốc gia đang phát triển.

Một số hãng dược lớn như Moderna (Mỹ) thậm chí còn đang nghiên cứu cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tìm cách dự báo các biến thể mới trước khi chúng bắt đầu lây lan trong cộng đồng nhằm bào chế sẵn vaccine để đối phó. Hiện chưa rõ bao nhiêu biến thể SARS-CoV-2 và virus bệnh khác mà vaccine của Moderna có thể phòng ngừa đồng thời nhưng một đại diện của hãng khẳng định có thể tạo ra vaccine chống lại ít nhất sáu hoặc 10 virus, biến thể SARS-CoV-2. Một số có thể bao gồm các biến thể SARS-CoV-2 cùng với một số bệnh cúm và chủng virus đường hô hấp khác.

“Hơn nữa, bất kỳ loại vaccine thế hệ mới nào của Moderna cũng sẽ có liều lượng thuốc thấp hơn so với liều lượng ban đầu. Hãng đã sử dụng liều cao trong vaccine đầu để đảm bảo hiệu quả nhưng giờ đây chúng tôi tự tin rằng đã có thể hạ thấp liều lượng thuốc nhằm giảm thiểu tác dụng phụ cho người sử dụng mà không ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ” - đại diện của Moderna nêu rõ.

171,9

triệu là số bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu tính đến cuối ngày 2-6 (giờ Việt Nam). Trong số này, các trường hợp tử vong đã lên tới hơn 3,5 triệu.

Vaccine thế hệ mới không cần kim tiêm?

Về phía châu Âu, một đại diện sáng giá trong cuộc đua bào chế vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới là hãng dược Curevac (Đức). Theo bà Mariola Fotin-Mleczek, Giám đốc của hãng, Curevac đã đạt được một số thành công bước đầu và đang kỳ vọng có thể tung vaccine thế hệ mới ra thị trường chậm nhất vào cuối năm nay.

So với thế hệ đầu, phiên bản mới này sẽ tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn dù sử dụng ít liều lượng hơn và không cần bảo quản lạnh. Giá cả của vaccine mới cũng được kỳ vọng sẽ giảm 2-3 lần so với thế hệ trước, hứa hẹn sẽ là lựa chọn tốt cho các quốc gia nào đến nay vẫn còn gặp khó khăn trong việc phân bổ ngân sách cho việc mua vaccine.

Ngoài ra, một số hãng như Altimmune nói trên còn tập trung phát triển loại vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi. Những người ủng hộ vaccine dạng này cho rằng vaccine xịt mũi là hợp lý, bởi virus SARS-CoV-2 lây truyền qua đường hô hấp và việc dùng đường mũi có thể tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn so với tiêm truyền thống vào bắp tay. Vaccine tiêm qua đường mũi cũng được cho là có thể giúp người tiêm tránh được những tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi tiêm vào cánh tay như sốt hay đau nhức cơ. Trẻ em có thể trạng yếu, không đủ điều kiện để tiêm vaccine theo kiểu truyền thống thì thông qua vaccine xịt mũi vẫn có thể được bảo vệ an toàn khỏi COVID-19.

Một hãng dược Mỹ khác là The Culver City lại đang thử và so sánh tới ba cách phân phối vaccine khác nhau - dưới dạng mũi tiêm, một giọt nhỏ dưới lưỡi, một viên thuốc xịt mũi. Hãng này kỳ vọng sẽ kết hợp các loại phân phối này với nhau để tăng tối đa khả năng bảo vệ của vaccine. Hiện The Culver City đã nộp đơn cho chính quyền Nam Phi xin phép thử nghiệm dạng vaccine xịt mũi với một số nhân viên y tế đã tiêm vaccine ở đây.

Trả lời USA Today, chuyên gia Scott Hensley thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ) nhận định: Không có gì khó hiểu khi các hãng dược đầu tư cho nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới bởi đại dịch này đang là mối quan tâm của toàn bộ ngành y - dược nói chung hiện nay. Mặc dù vậy, theo ông Hensley, vấn đề cấp bách hơn lúc này là làm sao đưa các loại vaccine hiện có đến tay nhiều người hơn, đảm bảo tỉ lệ 50% dân số thế giới được tiêm ít nhất một liều để tạo miễn dịch cộng đồng.

“Nhiều quốc gia ở châu Á vẫn chưa được tiếp cận vaccine đầy đủ, dẫn tới tình hình dịch tiếp tục diễn biến nguy hiểm. Tôi kêu gọi chính phủ các nước nên hợp tác và chia sẻ vaccine càng nhiều càng tốt để đại dịch được kiểm soát trong thời gian sớm nhất, không nên để dịch kéo dài sang cả năm 2022” - ông Hensley chia sẻ. 

Mỹ khẳng định vẫn tiếp tục kế hoạch chia sẻ vaccine cho thế giới

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Costa Rica - ông Carlos Alvarado hôm 1-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính quyền Mỹ vẫn đang gấp rút triển khai kế hoạch phân phối 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho toàn thế giới trong hai tuần tới, theo đúng cam kết trước đó của Tổng thống Joe Biden.

“Trong vòng hai tuần tới, chúng tôi sẽ công bố quy trình phân phối vaccine cho các quốc gia trên toàn thế giới. Chúng tôi kỳ vọng quy trình này sẽ diễn ra một cách công bằng và không bị yếu tố chính trị ảnh hưởng” - ông Blinken nhấn mạnh, theo đài US News.

Chính quyền ông Biden đã chịu nhiều áp lực về việc chia sẻ vaccine kịp thời nhằm hạn chế sự bùng phát trầm trọng của đại dịch từ Ấn Độ đến Brazil - nơi các chuyên gia y tế lo ngại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, với khả năng lây lan nhanh hơn, có thể làm giảm hiệu quả của vaccine hiện có.

Nhiều quốc gia đã trực tiếp đề nghị Mỹ trao cho họ số vaccine thừa, song tới giờ chỉ mới có Mexico và Canada nhận được tổng cộng 4,5 triệu liều. Mỹ cũng đã công bố kế hoạch chia sẻ đủ số liều cho Hàn Quốc để tiêm chủng cho 550.000 binh sĩ nước họ do những người này đang phục vụ trực tiếp cùng với lực lượng Mỹ đóng trên bán đảo Triều Tiên, theo hãng tin AP.

Nguồn: [Link nguồn]

Ở nơi Covid-19 bị ”đặt dấu chấm hết”

Cuộc sống đã gần như trở lại bình thường ở quốc gia này nhờ quá trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN