"Tử thần" bị giam giữ ngàn năm ở Bắc Cực có thời cơ trỗi dậy đe dọa thế giới?

Nga cảnh báo lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan chảy có thể giải phóng những loại virus cổ đại đang “say giấc”, gây hậu quả khôn lường cho nhân loại.

Ông Nikolay Korchunov – Đại sứ phụ trách hợp tác tại Bắc Cực của Nga (ảnh: RT)

Ông Nikolay Korchunov – Đại sứ phụ trách hợp tác tại Bắc Cực của Nga (ảnh: RT)

Phát biểu trên kênh truyền hình Zvezda hôm 14.12, Nikolay Korchunov – Đại sứ phụ trách hợp tác tại Bắc Cực của Nga, Chủ tịch Ủy ban Quan chức Cấp cao tại Hội đồng Bắc Cực – cho biết, Moscow muốn xây dựng một dự án nhằm đề phòng nguy cơ virus, vi khuẩn cổ đại “thức giấc” từ lớp băng vĩnh cửu.

“Virus và vi khuẩn cổ đại thức giấc là mối đe dọa đối với toàn nhân loại. Chính vì vây, Nga khởi xướng một dự án an toàn sinh học”, ông Korchunov nói.

Theo ông Korchunov, dự án của Nga sẽ xác định “phạm vi rủi ro và nguy hiểm” liên quan đến việc những mầm bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện do lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan chảy.

Vài năm gần đây, nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới đã cảnh báo về nguy cơ virus cổ đại bị đóng băng “thức giấc” do hiện tượng nóng lên toàn cầu, gây bệnh cho con người.

Theo ông Korchunov, nhiều loài virus, vi khuẩn nguy hiểm sống ở kỷ băng hà mà con người chưa từng biết tới đang “bị giam giữ” trong lớp băng ở Bắc Cực và có thể gây ra dịch bệnh trong tương lai.

Khoảng 65% diện tích Nga được bao phủ bởi băng tuyết vĩnh cửu – lớp băng tồn tại ngay cả trong thời tiết mùa hè. Tuy nhiên khi Trái đất dần ấm lên, lớp băng này bắt đầu tan ra, để lộ những sinh vật cổ đại “bằng xương bằng thịt” mà con người chưa từng nhìn thấy.

Mới đây, các nhà khoa học Nga đã phát hiện xác một con tê giác lông mượt – loài vật tuyệt chủng cách đây khoảng 14.000 năm – và đầu một con sói khổng lồ, sống cách đây khoảng 40.000 năm, sau khi một số khối băng vĩnh cửu tan chảy ở Bắc Cực.

Đầu sói cổ đại được phát hiện sau khi băng ở Bắc Cực tan chảy (ảnh: Daily Mail)

Đầu sói cổ đại được phát hiện sau khi băng ở Bắc Cực tan chảy (ảnh: Daily Mail)

Ở Nga, có nhiều người làm nghề săn tìm xác voi ma mút bị đóng băng để lấy lông và ngà đem bán mà không quan tâm đến mối nguy từ hoạt động này. Theo nhiều nhà khoa học, một số virus, vi khuẩn cổ đại có thể sống sót trong vật chủ ngay cả trong điều kiện đóng băng.

Jean Michel Claverie – chuyên gia virus học từ Đại học Aix-Marseille – cho rằng, “có bằng chứng rõ ràng” về việc virus cổ đại có thể “hồi sinh” từ lớp băng vĩnh cửu. Năm ngoái, ông Claverie và các đồng nghiệp đã phát hiện Pithovirus – loài virus sống cách đây khoảng 30.000 năm trước – vẫn khỏe mạnh và sinh sôi được sau khi rã đông khỏi băng.

Rất may, Pithovirus không gây nguy hiểm đối với con người.

Đầu năm 2021, nhà khoa học người Nga Sergei Davydov cảnh báo, việc lớp băng vĩnh cửu bị tan chảy có thể mang “hệ sinh thái cổ xưa” lên mặt đất, bao gồm cả các loài virus con người chưa từng biết tới.

Theo ông Sergei Davydov, phần lớn lãnh thổ Nga bị bao phủ bỏi lớp băng vĩnh cửu có tuổi thọ hàng triệu năm. Trong đó, rất có thể tiềm ẩn một số loại virus “cực kỳ nguy hiểm”.

Phát biểu tại Câu lạc bộ Valdai hồi năm ngoái, Tổng thống Nga Putin lưu ý 65% lãnh thổ nước này bị bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu và bất kỳ sự thay đổi sinh thái nào cũng sẽ gây ra hậu quả to lớn.

“Nhiều hệ thống đường ống, các khu dân cư của Nga xây dựng trên lớp băng vĩnh cửu có thể bị ảnh hưởng do Trái đất ấm dần lên. Chỉ cần 25% lớp băng vĩnh cửu gần bề mặt tan chảy vào năm 2100, chúng ta sẽ thấy tác động là rất lớn”, ông Putin nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Nga bắt giữ 106 thành viên nhóm ”phát xít mới”, cáo buộc tình báo Ukraine đứng sau

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FBS) cho biết, họ vừa bắt giữ 106 người ủng hộ nhóm tân phát xít Ukraine. FBS cáo buộc một số...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – Daily Mail ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN