Trúng đạn vào ngực và mắt, chim bồ câu vẫn cứu gần 200 binh sĩ

Trong bối cảnh bị quân Đức bao vây và pháo binh hỗ trợ lại nã đạn vào đúng vị trí quân mình, một tiểu đoàn Mỹ đã thả chú chim bồ câu cuối cùng để truyền tin với hy vọng được cứu. Chú chim vừa bay lên đã trúng đạn súng máy nhưng mọi chuyện lại kết thúc theo cách không ngờ.

Bức ảnh minh họa về chú chim bồ câu Cher Ami. Ảnh: Lepixma

Bức ảnh minh họa về chú chim bồ câu Cher Ami. Ảnh: Lepixma

“Thời thế tạo anh hùng” và Thế chiến I (1914 - 1918) là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói đó. Có hàng nghìn câu chuyện được kể lại về lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng. Nhưng một trong những câu chuyện thu hút sự chú ý là về chú chim bồ câu có tên là Cher Ami.

Theo ước tính, Lực lượng truyền tin quân đội Mỹ đã sử dụng gần 600 chú chim bồ câu đưa thư trong Thế chiến I. Kích thước của radio cùng với các dây dẫn điện đi kèm khiến chúng trở thành phương tiện liên lạc không ổn định trong thời chiến. Vì vậy, chim bồ câu được xem là giải pháp thay thế độc đáo. Trung bình, chim bồ câu có thể bay tới 112 km/h.

Câu chuyện về Cher Ami bắt đầu trong chiến dịch Meuse–Argonne, diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11/1918. Một tiểu đoàn Mỹ, do thiếu tá Charles Whittlesey dẫn đầu, bị quân Đức tấn công dữ dội, phải lùi sâu vào rừng Argonne ở Pháp.

Họ được biết đến với cái tên "tiểu đoàn Thất lạc". Nguồn thức ăn dần cạn kiệt và không được hỗ trợ, tiểu đoàn gần 500 quân cố gắng chiến đấu để cầm cự với quân phát xít Đức trong lúc chờ cứu viện.

Mọi chuyện diễn biến xấu khi pháo binh Mỹ nã pháo. Mục đích của họ là hỗ trợ cho tiểu đoàn Mỹ nhưng vì không có vị trí chính xác nên pháo binh trút thẳng đạn vào nơi tiểu đoàn đang trú ẩn.

Thiếu tá Charles Whittlesey. Ảnh: War History Online

Thiếu tá Charles Whittlesey. Ảnh: War History Online

Vị trí của tiểu đoàn "Thất lạc" nằm ngoài phạm vi liên lạc radio vì vậy bồ câu đưa thư là phương thức liên lạc duy nhất của nhóm để có cơ may sống sót.

Nhưng khi đó, bay trên không còn dễ chết hơn là đi dưới mặt đất. Lính Đức phụ trách súng máy được huấn luyện để xác định vị trí của bồ câu đưa thư và triệt hạ chúng. Điều này khiến việc dùng bồ câu đưa thư khi đó là việc rất nguy hiểm. Nếu tin mật về vị trí của tiểu đoàn rơi vào tay lính Đức, hậu quả sẽ khôn lường.

Với khẩu súng máy một phút bắn được 500 phát, nhiều bồ câu đưa thư đã bị bắn hạ. Ngày 4/10/1918, thiếu tá Whittlesey quyết định đặt hy vọng vào Cher Ami, chú chim đưa thư cuối cùng. "Chúng tôi đang ẩn náu dọc con đường nằm song song với điểm 276.4. Pháo binh đang dội thẳng đạn pháo vào vị trí của chúng tôi. Làm ơn, hãy dừng lại", nội dung tin nhắn mà Cher Ami sẽ vận chuyển.

Khi được thả ra, Cher Ami bay vọt lên bầu trời, mang theo sự kỳ vọng của tiểu đoàn "Thất lạc". Tuy nhiên, các binh sĩ tiểu đoàn Mỹ đã chết lặng khi thấy Ami bị trúng đạn và đang rơi xuống.

Nhưng bằng cách nào đó, chú chim bồ câu này lại bay lên để tiếp tục nhiệm vụ. Ami liên tục né được làn đạn rát từ súng máy của quân Đức. Và điều ngoạn mục là chú chim đưa thư này đã hoàn thành nhiệm vụ một cách khó tin. Khi tới nơi nhận tin, lực lượng quân y Mỹ cho biết Ami bị bắn mù một mắt, trúng đạn ở ngực và bị thương nặng ở chân phải. May mắn là các bác sĩ quân y đã cứu được nó.

Nhận được thông tin về vị trí chính xác của tiểu đoàn "Thất lạc", pháo binh Mỹ lập tức dừng nã pháo. Hôm sau, pháo binh Mỹ chuyển vị trí mới nhắm vào nơi quân Đức tập trung, hỗ trợ cho tiểu đoàn "Thất lạc" mở vòng vây. Gần 200 binh sĩ của tiểu đoàn Mỹ sống sót và phá được vòng vây nhờ nỗ lực rất lớn của chú bồ câu Ami.

Khi lành vết thương, Ami trở về nước Mỹ cùng người huấn luyện, đại úy John Carney. Chú bồ câu này chết năm 1919. Xác của Ami được bảo quản và đặt trong bảo tàng Lịch sử Mỹ Smithsonian.

Trong thế chiến II (1939 - 1945), hàng nghìn chú chim bồ câu tiếp tục được sử dụng trong lực lượng Đồng minh. Chúng thậm chí còn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi quân đội. Tại Anh, những loài chim săn mồi có thể gây hại cho bồ câu bị tiêu diệt. Nếu làm bị thương hoặc giết chết chim bồ câu, binh sĩ thời đó sẽ bị ngồi tù 6 tháng.

Gustav là một trong những chú chim bồ câu được nhắc đến nhiều trong Thế chiến II. Ngày 6/6/1944  - khi cuộc đổ bộ Normandy diễn ra, 2 chú chim đưa thư, Gustav và Taylor, được đưa lên tàu của Đồng minh ở ngoài khơi bờ biển Normandy. Hạm đội không thể sử dụng radio.

Montague Taylor, phóng viên hãng Reuter - người nhận Gustav từ người huấn luyện Harry Halsey, đã thả chú chim bồ câu này ra. Trong khoảng 5 tiếng 16 phút, Gustav bay tới căn cứ không quân hoàng gia RAF Thorney Island, cách vị trí hạm đội 240 km để truyền tin rằng quân Đồng minh đã đổ bộ.

Gustav được trao huân chương Dickin. Ảnh: War History Online

Gustav được trao huân chương Dickin. Ảnh: War History Online

Gustav vượt qua quãng đường dài, với sức gió cản 48 km/h, chỉ trong thời gian ngắn (nếu so với quãng đường). "Chúng tôi chỉ cách bãi biển 32 km. Nhóm đầu tiên đã đổ bộ lúc 7h50. Tín hiệu cho thấy không có sự chống trả của đối phương trên bãi biển. Không thấy máy bay địch", nội dung tin nhắn mà Gustav vận chuyển.

Cuối ngày 6/6/1944, Paddy - một chú chim đưa thư khác - đã thực hiện nhiệm vụ bay về đất liền để truyền tin về sự thành công của cuộc đổ bộ.

Cả 2 chú chim đều được trao tặng huân chương Dickin vì những thành tích phục vụ trong quân đội. Danh hiệu cao quý nhất dành cho những động vật phục vụ trong lực lượng vũ trang Anh được trao cho Gustav vì "đưa thông tin đầu tiên về tình hình bãi biển Normandy hôm 6/6/1944.

Gustav và một số chú chim bồ câu khác được dựng đài tưởng niệm tại bảo tàng D-Day ở Portsmouth, Hampshire, Anh.

_____________

Ngoài việc phải đối mặt với hiểm nguy từ bom đạn của đối phương, các binh sĩ Thế chiến I còn phải đối phó với hàng triệu con chuột. Họ đã thử nhiều cách, trong đó có dùng cả mèo nhưng không hiệu quả. Mọi thứ chỉ được giải quyết khi một loài động vật khác được sử dụng. Mời quý độc giả cùng đón đọc bài kỳ cuối đăng lúc 19h ngày 16/3, trên mục Thế giới, để hiểu rõ thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Lợn từng khiến voi chiến hoảng loạn như thế nào trong chiến tranh?

Những con lợn nhỏ bé nhưng lại sở hữu "vũ khí" đặc biệt khiến voi chiến phải khiếp sợ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN