Lợn từng khiến voi chiến hoảng loạn như thế nào trong chiến tranh?

Những con lợn nhỏ bé nhưng lại sở hữu "vũ khí" đặc biệt khiến voi chiến phải khiếp sợ.

Đội quân voi chiến. Ảnh minh họa: Elite Reader

Đội quân voi chiến. Ảnh minh họa: Elite Reader

Trong chiến tranh, không chỉ con người được huấn luyện và điều động ra chiến trường mà nhiều loài động vật như mèo, chó, ngựa, voi, khỉ thậm chí là lợn cũng được sử dụng để góp phần vào chiến thắng.

Chúng được sử dụng vì nhiều lý do như làm vũ khí, phương tiện di chuyển, vận chuyển hay "linh vật" nâng cao tinh thần quân đội. Loạt bài dài kỳ lần này sẽ đề cập đến những động vật được sử dụng hiệu quả trong chiến tranh, giúp cứu sống nhiều tính mạng.

Theo Elite Reader, con người đã sử dụng động vật ngay từ những trận chiến thời cổ đại. Chó, ngựa, khỉ, voi... là những loài thường xuyên được huấn luyện ra chiến trận. Nhưng nhắc đến việc dùng lợn làm vũ khí trong chiến tranh cổ đại, chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên. Thậm chí, có người còn nghe lần đầu tiên hoặc không tin điều này. Nhất là khi chúng lại được dùng để đối đầu với voi chiến, loài được mệnh danh là "cỗ xe tăng cổ đại".

Trước khi nói về lợn, hãy tìm hiểu đối thủ của nó - voi chiến - được sử dụng hiệu quả trong chiến tranh như thế nào. Theo trang Historyisnow Magazine, vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên (TCN), ý tưởng về việc dùng voi để chiến đấu đã có ở Ấn Độ.

Các vị vua Ấn Độ thời kỳ này đều nhấn mạnh đóng góp to lớn của voi trong chiến trận: "Một đội quân mà không có voi chiến thì cũng thê thảm giống như một cánh rừng không có sư tử, một vương quốc không có vua hay vũ khí bảo vệ".

Với thân hình đồ sộ và lớp da dày, voi chiến được ví như "cỗ xe tăng cổ đại" và khó bị ngăn chặn chỉ với gươm, giáo của bộ binh. Voi cũng có thể đạt tới tốc độ đáng kinh ngạc 40 km/h, so với thân hình to lớn của nó. Để dễ hình dung, bạn hãy tưởng tượng một đội quân voi chiến lao về phía bạn với vận tốc tương đương của vận động viên điền kinh Usain Bolt (người từng đạt vận tốc cao nhất là gần 45 km/h). Chắc chắn, bạn sẽ không toàn mạng hoặc nếu có chạy thoát cũng sẽ bị ám ảnh tinh thần.

Vốn đã nguy hiểm, voi chiến còn được trang bị thêm vũ khí và áo giáp. Quân đội Ấn Độ và Sri Lanka cổ đại thường buộc những quả bóng sắt vào thân voi. Khi voi di chuyển nhanh trên chiến trường, những quả bóng sắt này văng sang hai bên, giết chết hoặc làm bị thương quân của đối phương.

Các nhà vua Khmer còn đặt các bệ bắn tên trên lưng chúng để tấn công kẻ thù.

Voi chiến được ví như "cỗ xe tăng cổ đại". Ảnh minh họa: Elite Reader

Voi chiến được ví như "cỗ xe tăng cổ đại". Ảnh minh họa: Elite Reader

Với sức mạnh và vũ khí như vậy, thứ gì có thể ngăn được voi chiến thời điểm đó? Gần như là không thể. Chính Alexander đại đế cũng phải công nhận sức mạnh của voi chiến. Thậm chí, ông còn phải cầu nguyện thần của nỗi sợ trước khi đối đầu với đội quân sử dụng voi chiến lần đầu tiên ở trận Gaugamela năm 331 TCN. Cuối cùng, Alexander đại đế cũng thành lập một đội quân voi chiến trong quân đội của ông.

Vậy làm thế nào mà một con lợn nhỏ bé hơn rất nhiều lại đánh bại được voi chiến?

Trong chiến tranh Diadochi - cuộc chiến mà các tướng lĩnh của Alexander đại đế tranh giành quyền lực sau khi ông mất, có một trận chiến mà những con lợn nhỏ bé chiến thắng đội quân voi khổng lồ hung dữ. Trận chiến được đề cập đến là cuộc vây hãm Megara năm 266 TCN. Khi đó, Antigonus II Gonatus chỉ huy đội quân hùng hậu, trong đó có nhiều voi chiến, tiến về thành phố Megara.

Những người Megara quyết tâm phá vòng vây bằng mọi giá nhưng họ chưa biết làm thế nào để chống lại được đội quân voi chiến hùng mạnh của Antigonus II. Giải pháp chính là "lợn chiến".

Pliny the Elder, một học giả, nhà tự nhiên học và nhà triết học tự nhiên của La Mã, viết: "Voi sợ tiếng lợn kêu". Chính "vũ khí" đặc biệt này của lợn thôi thúc người La Mã sử dụng chúng để đẩy lùi đội quân voi chiến của Pyrrhus năm 275 TCN.

Những con lợn cháy khiến voi chiến hoảng loạn. Ảnh minh họa: Quora

Những con lợn cháy khiến voi chiến hoảng loạn. Ảnh minh họa: Quora

Trở lại với cuộc vây hãm Megara, việc sử dụng "lợn chiến" được đưa lên tầm cao mới khi họ tưới lên lợn một loại nhựa dễ cháy và châm lửa. "Lợn chiến" giờ thành lợn cháy theo đúng nghĩa đen. Người Megara lùa đàn lợn đang bốc cháy ngùn ngụt và kêu ré lên về phía đội quân voi chiến.

Lũ voi hoảng loạn vì tiếng kêu của lợn và lửa cháy. Chúng không còn tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy, chạy ngược về phía hàng ngũ của mình và giẫm chết nhiều binh sĩ cùng ngựa chiến. Đội quân của Antigonus II bị tan tác trong phút chốc.

Và đó là cách "lợn chiến" thắng voi chiến.

Giành chiến thắng vang dội như vậy nhưng "lợn cháy" không được sử dụng nhiều trong chiến tranh và lợn cũng không thay thế được vị trí của nhiều động vật khác như ngựa, chó, chim bồ câu hay chính "bại tướng" voi trong chiến tranh.

Vấn đề là tầm hoạt động của lợn khá hạn chế trước khi bị thiêu chết. Mặt khác, khi lợn rơi vào trạng thái hoảng loạn do bị lửa thiêu chúng sẽ chạy tán loạn và có thể chạy về phía hàng ngũ của quân mình. Khi đó, "gậy ông lại đập lưng ông". 

Đó là lí do mà ký ức về những con "lợn chiến" phần nào phai nhạt sau hàng nghìn năm.

_________________

Trong Thế chiến I, chim bồ câu là phương tiện liên lạc độc đáo trong tình huống khẩn cấp. Lịch sử ghi nhận trường hợp về chú chim bồ câu bị trúng đạn mất một mắt và bị thương ở chân nhưng vẫn góp công cứu được gần 200 binh sĩ Mỹ. Chi tiết về trường hợp thú vị này sẽ được kể rõ trong bài dài kỳ thứ 2, xuất bản lúc 19h ngày 15/3 trên mục Thế giới. Mời quý độc giả đón đọc!

Nguồn: [Link nguồn]

Trúng đạn vào ngực và mắt, chim bồ câu vẫn cứu gần 200 binh sĩ

Trong bối cảnh bị quân Đức bao vây và pháo binh hỗ trợ lại nã đạn vào đúng vị trí quân mình, một tiểu đoàn Mỹ đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN