Triều Tiên bất ngờ cho báo Mỹ vào xem tình hình "bên bờ vực chiến tranh"

Phóng viên Mỹ mới đây đã có cơ hội đến Triều Tiên, trong bối cảnh hàng triệu người dân nước này sẵn sàng đăng ký nhập ngũ chống Mỹ.

Triều Tiên bất ngờ cho báo Mỹ vào xem tình hình "bên bờ vực chiến tranh" - 1

Người dan Triều Tiên hô vang khẩu hiệu chống Mỹ.

Theo New York Times, cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện vẫn chưa có hồi kết. Triều Tiên từng nhiều lần tuyên bố Mỹ là "kẻ thù".

Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, phóng viên tờ New York Times, Carol Giacomo đã có chuyến thăm hiếm hoi đến thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.

Chuyến thăm do Bộ Ngoại giao Triều Tiên sắp đặt, Giacomo và 3 phóng viên khác được đến Bình Nhưỡng, với điều kiện là báo Mỹ phải trả mọi chi phí. Các phóng viên cũng cần nắm rõ những việc được làm và không được làm, tránh tình huống đáng tiếc xảy ra.

"Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực chiến tranh hạt nhân", Choe Kang-il, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói với các phóng viên Mỹ. Khi được hỏi liệu cuộc chiến này có thể tránh được không, ông Choe đáp lại: "Điều đó phụ thuộc vào thái độ của Mỹ".

Phóng viên Mỹ không nhận thấy dấu hiệu huy động quân sự bất thường ở Bình Nhưỡng hay các khu vực lân cận. Tại khu vực phi quân sự (DMZ), binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn làm nhiệm vụ như bình thường.

Triều Tiên bất ngờ cho báo Mỹ vào xem tình hình "bên bờ vực chiến tranh" - 2

Biểu ngữ chống Mỹ xuất hiện ở khắp nơi tại Bình Nhưỡng.

Tuy vậy, trong chuyến thăm 4 ngày đến Triều Tiên, có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng Mỹ-Triều Tiên sẽ không dễ dàng chấm dứt.

Đặt chân đến Triều Tiên, ấn tượng đầu tiên của các phóng viên Mỹ là các biểu ngữ tuyên truyền, những mô hình tên lửa nhắm thẳng vào thủ đô Washington của Mỹ.

Gần đây, hàng triệu người bao gồm cả học sinh trung học, công nhân và người lớn tuổi, đã nộp đơn xin nhập ngũ theo lời kêu gọi sẵn sàng chống Mỹ.

Trong chuyến thăm 4 ngày, đoàn nhà báo Mỹ luôn bị giám sát bởi hai quan chứcTriều Tiên, chỉ trừ khi họ ở trong phòng khách sạn. Các phóng viên cũng được phép gặp gỡ người dân Triều Tiên, và đặt một số câu hỏi.

Một số người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng khẳng định họ căm thù chính phủ Mỹ, nhưng không hề ghét bỏ người dân Mỹ và mong muốn được sống trong hòa bình. Một phụ nữ Triều Tiên khi trò chuyện với phóng viên Mỹ  đã rưng rưng nước mắt khi nói về những cảm xúc lẫn lộn của bà với nước Mỹ.

Đoàn phóng viên Mỹ sau đó được dẫn đi thăm một nhà máy sản xuất lụa, một tổ hợp khoa học công nghệ, nơi có hệ thống máy tính nối mạng nội bộ, một trường trung học dành cho con em giới tinh hoa và bảo tàng chiến tranh chống Mỹ.

Họ còn tới thăm một công viên giải trí, nhà hàng và bể nuôi cá heo, nơi người dân Bình Nhưỡng có thể thăm thú vào ngày nghỉ. Tuy vậy, đề xuất thăm ba tù nhân người Mỹ tại nhà tù Triều Tiên bị giới chức Bình Nhưỡng từ chối.

Theo phóng viên Mỹ, điều họ muốn biết nhất là liệu Triều Tiên có sẵn sàng đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân hay không và điều kiện là gì. Trong những năm 1990, hai nước từng đạt được thỏa thuận đóng băng chương trình làm giàu plutonium của Triều Tiên trong suốt 8 năm và đặt ra những giới hạn trong chương trình tên lửa.

Triều Tiên bất ngờ cho báo Mỹ vào xem tình hình "bên bờ vực chiến tranh" - 3

Người Triều Tiên ăn mừng vụ phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân thành công hồi tháng trước.

Nhưng những nỗ lực đó là đã chấm dứt từ thời chính quyền George W. Bush. Ngày nay, Triều Tiên hiện có ít nhất 20 vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa bắn tới Mỹ.

Theo lời quan chức Choe, Triều Tiên buộc phải trở thành cường quốc hạt nhân để tự vệ trước Mỹ và đảm bảo toàn vẹn chủ quyền và phẩm giá quốc gia.

Bình Nhưỡng cũng phải tạo nên "thế cân bằng về sức mạnh" để kiềm chế Washington, nhằm biến thỏa thuận ngừng bắn với Hàn Quốc thành hiệp ước hòa bình lâu dài. Một khi chiến lược này thành công, Triều Tiên mới có thể tập trung phát triển kinh tế.

Theo phóng viên Mỹ, cái nhìn thực tế ở Triều Tiên cho thấy chính Washington cũng nên hạ bớt giọng điệu với Triều Tiên.

Bài phát biểu của Tổng thống Trump ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng trước là hành động "vượt lằn ranh" đối với nhiều người dân Triều Tiên, khi ông Trump gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là "Gã Tên lửa" và đe dọa hủy diệt hoàn toàn một quốc gia có 26 triệu người.

Mỹ cũng nên tìm cách đàm phán với Triều Tiên bởi theo phóng viên Mỹ, cuộc khẩu chiến và phô trương sức mạnh hiện nay giữa hai nước không thể đem lại kết cục tốt đẹp cho khu vực và toàn thế giới.

Dấu hiệu lạ xuất hiện ở thủ đô Triều Tiên

Bình Nhưỡng thực hiện một số hành động sau khi tuyên bố Mỹ đã “khiêu chiến trước”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN