Trận Đức đánh chìm thiết giáp hạm huyền thoại Ý khiến 1253 người chết

Thiết giáp hạm Roma từng được coi là biểu tượng của vẻ đẹp và sự tự hào do người Italia chế tạo nên, nhưng nó phải nhận kết cục bi thảm chỉ sau 130 giờ hoạt động.

Trận Đức đánh chìm thiết giáp hạm huyền thoại Ý khiến 1253 người chết - 1

Bom dẫn đường Fritz-X hiện được trưng bày tại bảo tàng không quân quốc gia Mỹ. 

Theo Defense Media Network, rạng sáng ngày 9.3.1943, nhóm tác chiến của hải quân Italia, với 3 thiết giáp hạm, 3 tàu tuần dương và 8 tàu khu trục bí mật rời cảng La Spezia.

Dẫn đầu nhóm tác chiến này là thiết giáp hạm huyền thoại Roma. Nó có nhiệm vụ tấn công một căn cứ hải quân lớn của phe Đồng Minh. Ít nhất đó là những gì mà Đô đốc Carlo Bergamini nói với các chỉ huy Đức Quốc xã. Trên thực tế, đó là nhóm tác chiến của Italia đang bí mật đào tẩu sang phe Đồng minh.

Roma là thiết giáp hạm lớn nhất trong lịch sử Italia và được đánh giá là chiến hạm rất đẹp, cả về nội thất và vẻ bề ngoài. Không chỉ làm hài lòng bất cứ con mắt khó tính nào nhất, Roma còn được bọc giáp dày, di chuyển nhanh và được vũ trang đáng kể với 3 ụ pháo 381mm, 2 đặt ở trước và 1 đặt ở sau.

Đạn pháo xuyên giáp động năng lớn có tầm bắn lên tới 40km. Roma được chế tạo để trụ vững trước đạn pháo đối phương hay khả năng bị đối phương tấn công bằng ngư lôi.

Đáng tiếc rằng, một trong những thiết giáp hạm uy lực nhất thế giới trong Thế chiến 2 lại trở thành bia tập bắn của loại vũ khí thông minh chưa từng có.

Mưu kế bí mật

Trận Đức đánh chìm thiết giáp hạm huyền thoại Ý khiến 1253 người chết - 2

Thiết giáp hạm Roma hòa lẫn sức mạnh của chiến hạm thời Thế chiến 2 với sự tinh tế của người Italia.

Trong giai đoạn cuối của Thế chiến 2, tình hình chiến sự hoàn toàn bất lợi cho Italia và người Ý muốn rút khỏi chiến tranh. Tân thủ tướng Italia Badoglio công khai ủng hộ trùm phát xít Hitler, nhưng mặt khác, ông bí mật đàm phán với chỉ huy tối cao của phe Đồng minh, Tướng Dwight D. Eisenhower.

Tháng 9.1943, Badoglio và Eisenhower đã bí mật ký hiệp ước đình chiến, kèm theo nhiều điều khoản, bao gồm việc Italia bàn giao nhóm tác chiến mạnh nhất của hải quân cho phe Đồng minh.

Vài ngày sau, các chỉ huy hải quân Italia nhận được thông báo chuẩn bị bí mật bàn giao tàu chiến cho phe Đồng minh ở Malta. Đó cũng là lúc mà quân Đồng minh đổ bộ xuống Salerno, khiến Italia rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Ngày 8.9.1943, Đô đốc Bergamini ra lệnh cho các tàu chiến sẵn sàng ra khơi. Đối với thiết giáp hạm Roma, đây mới chỉ là lần ra khơi thực sự đầu tiên sau khi con tàu này trải qua quá trình kiểm tra khả năng tác chiến. Nó mới chỉ có 130 giờ hoạt động, đa phần là di chuyển từ cảng này sang cảng khác.

Thỏa thuận đình chiến bí mật đưa hải quân Italia đến Malta và bàn giao các tàu chiến tại đó. Nhóm tác chiến ban đầu định đến đón nhà vua Victor Emmanuel III ở La Maddelena. Nhưng khi nghe tin La Maddelena rơi vào tay quân Đức, đoàn chiến hạm quay đầu, trực chỉ hướng đến Malta.

Bị bom thông minh đánh chìm

Đến 14 giờ chiều cùng ngày, đoàn chiến hạm đã ở phía tây Địa Trung Hải. Đó cũng là lúc các thủy thủ trên tàu nhìn thấy một máy bay lạ, không rõ là của quân Đồng minh hay Đức Quốc xã.

Trận Đức đánh chìm thiết giáp hạm huyền thoại Ý khiến 1253 người chết - 3

Thiết giáp hạm yểu mệnh được là mẫu tàu chiến lớn nhất trong lịch sử của hải quân Italia.

Máy bay khiến người Italia bất ngờ khi nó thả bom. Quả bom rơi xuống mặt nước, rất xa so với vị trí của các tàu chiến. Đó cũng là lần đầu tiên người ta nhìn thấy một quả bom được thả từ độ cao lớn đến như vậy.

Hơn một giờ trôi qua, chỉ huy Italia tin tưởng rằng nguy hiểm đã trôi qua. Nhưng chiếc máy bay 2 động cơ lại quay lại, và đó là máy bay ném bom Dornier Do 217 của Đức.

Nó mang theo một quả bom lớn bất thường bên dưới thân. Vào lúc 15 giờ 30 phút, máy bay nâng độ cao lên 5.500 mét và bắt đầu tìm cách ném bom thiết giáp hạm Roma.

Đô đốc Bergamini yêu cầu các tàu chiến thực hiện chiến thuật lẩn tránh và các khẩu súng phòng không khai hỏa tối đa. Nhưng chiếc máy bay Đức khi đó đạt đến độ cao vượt qua các khẩu súng phòng không thông thường.

Vào lúc 15 giờ 33 phút, máy bay Đức tấn công lần đầu tiên, thả quả bom ở góc 60 độ từ xa. Quả bom lượn đến vị trí thiết giáp hạm Roma và phát nổ, gây thiệt hại lớn, khiến con tàu không thể bẻ lái.

Nhiều phút trôi qua mà các thủy thủ vẫn không thể sửa chữa xong thiệt hại. Một số báo cáo nói quả bom có 4 cánh dài như vây cá và phần đuôi. Phi công Đức sau khi ném bom cũng phải bay chậm để điều khiển quả bom đánh trúng mục tiêu.

Trận Đức đánh chìm thiết giáp hạm huyền thoại Ý khiến 1253 người chết - 4

Quả bom Fritz-X được thả từ độ cao khoảng 6.000 mét.

Đến 15 giờ 45, một đợt tấn công khác lại diễn ra. Thiết giáp hạm tìm cách né tránh, chống trả trong vô vọng. Chiếc Do 217 ném quả bom xuyên giáp xuyên qua vỏ tàu và phát nổ bên trong.

Lò hơi và các phòng máy đều ngập nước, khiến tốc độ của thiết giáp hạm giảm còn 12 hải lý. Roma từ từ bị bỏ lại phía sau nhóm tác chiến duy nhất của Italia.

Vài phút sau, Roma lại trúng một quả bom khác ngay ở phòng động cơ. Kho đạn phát nổ khiến khẩu pháo số 2 bật tung lên trời, nước tràn vào khắp nơi. Đô đốc Bergamini thiệt mạng ngay lập tức cùng nhiều sỹ quan tại phòng chỉ huy.

Lửa cháy lan ra khắp tàu, khiến những người sống sót cũng bị bỏng nặng. Vào lúc 16 giờ 12, Roma bắt đầu chìm dần và gãy đôi. Trong số 1849 thủy thủ và sỹ quan trên tàu có mặt khi đó, 1253 người đã vĩnh viễn nằm lại cùng con tàu.

Thứ nhấn chìm thiết giáp hạm Roma xuống biển sâu chính là loại bom dẫn đường (PGM) hoàn toàn mới. Quả bom này nặng 1500kg, xuyên giáp và được điều khiển bằng radio.

Không quân Đức gọi loại bom thông minh này là Fritz-X. Để đánh trúng mục tiêu, Fritz-X chủ yếu dựa vào trọng lực. Khi được máy bay thả từ độ cao 6.000 m ở góc 60 độ, bom Fritz-X đạt vận tốc gần bằng vận tốc âm thanh, khiến nó xuyên phá được các lớp vỏ giáp của tàu chiến trước khi phát nổ bên trong.

Trận Đức đánh chìm thiết giáp hạm huyền thoại Ý khiến 1253 người chết - 5

Roma bốc cháy ngùn ngụt trước khi chìm xuống biển cùng 1253 thành viên thủy thủ đoàn.

Việc dẫn đường cho Fritz tương đối đơn giản. Ngay sau khi được thả, một tia lửa phụt ra ở phần đuôi bom và phi công chỉ việc hướng tia sáng này vào mục tiêu cần tiêu diệt nhờ ống ngắm trên máy bay và một bộ điều khiển radio. Sau đó, việc cần làm là duy trì liên kết radio giữa máy bay và quả bom.

Một tuần sau khi đánh chìm thiết giáp hạm Roma, Fritz-X tiếp tục càn quét tỉnh Slaerno, vùng Campania, Italy. Một quả bom Fritz-X rơi trúng tháp pháo tuần dương hạm USS Savannah của Mỹ, khiến 200 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Nạn nhân tiếp theo là tuần dương hạm USS Philadelphia, tiếp đó là tuần dương hạm HMS Uganda lớp Crown Colony của hải quân hoàng gia Anh, một số tàu hàng và cuối cùng là thiết giáp hạm Warspite của Anh.

Trong mỗi trường hợp, các tàu chiến trúng bom Fritz-X bị loại khỏi vòng tác chiến trong suốt 1 năm. Mặc dù khiến phe Đồng minh chịu thiệt hại lớn, số lượng bom Fritz-X là không đủ để ngăn cản chiến dịch đổ bộ.

Sau này, quân Đồng minh cũng tìm ra cách khắc chế Fritz-X. Quả bom sẽ trở nên vô dụng nếu phi công điều khiển bị bắn hạ trong khi đang mải mê định hướng cho quả bom. Người Mỹ và Anh cũng phát triển thiết bị gây nhiễu để vô hiệu hóa khả năng dẫn đường của Fritz-X.

Thiết bị gây nhiễu hoạt động hiệu quả đến mức Đức phải nghiên cứu biến thể mới của bom Fritz-X để đối phó. Các biến thể này không đủ hiệu quả để giúp Đức tiếp tục sử dụng bom dẫn đường.

Mặc dù vậy, chúng đánh dấu cuộc chạy đua mới giữa tác chiến điện tử và đối phó điện tử. Cuộc chạy đua này kéo dài suốt hơn 70 năm giữa các cường quốc mà chưa có dấu hiệu kết thúc.

Trận đánh tan tành siêu chiến hạm Nhật, 2.500 người chết

Thiết giáp hạm Yamato hùng mạnh nhất thế giới vĩnh viễn chìm sâu dưới đáy biển cùng gần 2.500 thành viên thủy thủ đoàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN