Tính toán của Trung Quốc khi sẵn sàng "đánh đổi" Hong Kong

Kể từ khi được Anh trao trả lại, Hong Kong đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Hong Kong như cây cầu nối Trung Quốc với các nước phương Tây và mang lại lợi ích to lớn cho các thành phố đại lục trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bằng dự luật an ninh mới, Trung Quốc đang sẵn sàng đánh đổi tất cả những lợi thế của Hong Kong, theo New York Times.

Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thiệt hại đối với kinh tế Hong Kong để thông qua dự luật an ninh, theo chuyên gia (ảnh: NY Times)

Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thiệt hại đối với kinh tế Hong Kong để thông qua dự luật an ninh, theo chuyên gia (ảnh: NY Times)

Mỹ đã tuyên bố sẽ chấm dứt quy chế đặc biệt đối với Hong Kong. Anh cho biết họ có thể cho phép 3 triệu dân Hong Kong (gần 1/2 dân số đặc khu) nhập cảnh, một biện pháp có thể khiến chất xám và vốn chảy khỏi thành phố.

Bất chấp những thiệt hại có thể nhận về, Trung Quốc đã tính toán rằng, sự ổn định xã hội ở Hong Kong còn vượt xa những lợi ích về kinh tế.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đã ở trong thế chủ động khi quyết định xây dựng luật an ninh mới cho Hong Kong vào thời điểm hiện tại. Mỹ đang vất vả chống dịch Covid-19 và biểu tình trong nước. Phong trào biểu tình ở Hong Kong sau đại dịch cũng không còn dữ dội như năm ngoái.

Bắc Kinh cho rằng, về kinh tế toàn cầu, thế giới sẽ luôn cần Trung Quốc dù có hay không có Hong Kong, theo New York Times.

“Sẽ có một số người cảm thấy không vui vẻ trong một thời gian. Tuy nhiên, luật an ninh vẫn sẽ được ban hành dù có thêm bao nhiêu chỉ trích”, John L. Thornton – cựu chủ tịch tập đoàn Goldman Sachs, người có mối làm ăn lâu dài với Bắc Kinh – nhận xét về dự luật an ninh Hong Kong.

Trên thực tế, Hong Kong mặc dù vẫn rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc nhưng vị thế của đặc khu đã giảm dần khi các thành phố khác ở đại lục phát triển mạnh. Năm 1997, quy mô kinh tế Hong Kong bằng 1/5 đại lục. Hiện tại, GDP Hong Kong chưa bằng 3% đại lục.

Người biểu tình Hong Kong phản đối dự luật an ninh mới (ảnh: NY Times)

Người biểu tình Hong Kong phản đối dự luật an ninh mới (ảnh: NY Times)

Dù đánh giá cao môi trường kinh tế thông thoáng ở Hong Kong, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tìm đến một số thành phố đại lục khác như Thượng Hải, nơi có thị trường tiêu thụ và thị trường chứng khoán lớn hơn.

Washington tin rằng, Hong Kong vẫn còn quá giá trị đối với Trung Quốc. Biện pháp tước quy chế đặc biệt đối với Hong Kong có thể khiến hàng hóa đặc khu chịu mức thuế cao hơn và gặp phải các hạn chế thương mại mà Mỹ đang áp dụng với đại lục.

Theo các chuyên gia, Hong Kong cũng sẽ mất vị thế trung tâm tài chính toàn cầu nếu bị Mỹ tước quy chế đặc biệt. Việc tự do trao đổi giữa đô la Mỹ và đô la Hong Kong cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiếp cận không giới hạn của Hong Kong đối với đô la Mỹ. Khoảng 3/4 thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung quốc được thực hiện qua Hong Kong.

Đòn trừng phạt của Mỹ cũng có thể khiến nhiều doanh nghiệp rời khỏi Hong Kong. Trong khảo sát mới nhất được thực hiện bởi Văn phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong, khoảng 1/4 doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đang cân nhắc rời đi.

Nhiều công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ người Hong Kong xin cấp thị thực ở Anh cho biết, họ thấy nhu cầu của khách hàng tăng vọt trong thời gian gần đây. Theo British Connections – một công ty trong số này – đã có 120 người Hong Kong nộp đơn đăng ký muốn sang Anh từ 22 - 31.5, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Cảnh sát chống bạo động ở Hong Kong (ảnh: NY Times)

Cảnh sát chống bạo động ở Hong Kong (ảnh: NY Times)

Ngoài Anh, dân Hong Kong còn có nhiều lựa chọn khác như Canada, Úc, Ireland. Việc di cư có thể khiến đặc khu đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám và vốn.

Các thành phố khác ở Trung Quốc như Thượng Hải, Thâm Quyến đang thực hiện những cải cách về thủ tục hành chính sao cho thân thiện hơn với nhà đầu tư. Đảo Hải Nam cũng đang được “bật đèn xanh” để trở thành một cảng tự do thương mại như Hong Kong.

Sự chuẩn bị này cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng “hy sinh” lợi ích kinh tế mà Hong Kong mang lại để đạt được mục tiêu chính trị, theo New York Times.

“Trung Quốc có thể cho rằng, những cảnh báo trừng phạt từ ông Trump chỉ là “đòn gió” vì lợi ích mà Hong Kong mang lại cho Mỹ cũng là khá lớn. Nếu Mỹ tước quyền trao đổi USD tự do của Hong Kong, ngân hàng Trung Quốc vẫn sẽ có cách khác để duy trì việc tiếp cận tài chính toàn cầu”, Victor Shih, chuyên gia về tài chính Trung Quốc tại Đại học California, Mỹ, nhận định.

Bắc Kinh cũng tin tưởng rằng, họ đã lôi kéo thành công giới doanh nhân Hong Kong. Nhiều doanh nhân lớn ở Hong Kong đang đầu tư kinh doanh lớn ở đại lục.

Trung Quốc đã lựa chọn thời điểm “chín muồi” để xây dựng luật an ninh mới cho Hong Kong, theo chuyên gia (ảnh: NY Times)

Trung Quốc đã lựa chọn thời điểm “chín muồi” để xây dựng luật an ninh mới cho Hong Kong, theo chuyên gia (ảnh: NY Times)

“Sẽ không có bất kỳ thay đổi lớn nào về pháp luật, hệ thống tư pháp hay tự do sau khi luật an ninh mới được ban hành”, Weijian Shan, nhà đầu tư cổ phần tư nhân lớn ở Hong Kong, nhận xét.

Luật an ninh mới cũng được Trung Quốc xây dựng vào thời điểm được xem là hợp lý nhất. Trung Quốc đã kiểm soát được dịch Covid-19 – điều mà tương đối ít quốc gia thực hiện được. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là người có nhiều bước đi táo bạo hơn so với nhiều nhân vật tiền nhiệm.

Trong khi đó, Mỹ đang đối phó với đại dịch và biểu tình, bạo loạn. Các quốc gia phương Tây khác đang dần xa rời Mỹ và bận lo cho khủng hoảng sức khỏe trong nước cùng khôi phục kinh tế hậu dịch.

“Trung Quốc đang chứng tỏ rằng họ sẵn sàng chấp nhận chỉ trích cho mọi thứ mình làm. Trung Quốc có thể đang nghĩ rằng: Các người có thể nói bất cứ điều gì mình thích nhưng chẳng làm được gì”, Andrew Nathan – giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia – nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Hong Kong chính thức thông qua quy định cấm xúc phạm quốc ca Trung Quốc

Ngày 4.6, Hội đồng lập pháp Hong Kong đã chính thức thông qua luật quốc ca. Luật này quy định hành vi xúc phạm quốc ca Trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN