Tìm cách trừng phạt nặng Ả Rập Saudi, Mỹ cũng sẽ tự bắn vào chân?

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu sức ép từ các nghị sĩ đảng Dân chủ để trừng phạt Ả Rập Saudi trong lĩnh vực mà đồng minh dễ bị tổn thương nhất. Đó là khía cạnh an ninh.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (phải) gặp ông BIden ở Riyadh.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (phải) gặp ông BIden ở Riyadh.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi đối mặt nhiều rào cản. Ông Biden phản đối chiến dịch quân sự của đồng minh ở Yemen, phản đối cách hành xử của thái tử Mohammed bin Salman trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden chỉ trích đồng minh đưa ra các quyết sách nhằm giữ giá dầu ở mức cao, gián tiếp giúp Nga tăng nguồn thu ngân sách.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi thông điệp "cảnh báo hậu quả" tới Ả Rập Saudi vì nước này quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Các nghị sĩ Mỹ muốn trừng phạt Ả Rập Saudi trong lĩnh vực khiến đồng minh bị tổn thương nhất, bao gồm tạm ngừng các thỏa thuận vũ khí và dừng hợp tác an ninh với vương quốc.

Nhưng nếu ông Biden lựa chọn giải pháp này, Tổng thống Mỹ chỉ càng đẩy mình vào thế khó, Financial Times (FT) dẫn lời các nhà phân tích.

Đó là vì dưới thời ông Biden, Mỹ đã ngừng bán các vũ khí tấn công cho Ả Rập Saudi vì cuộc xung đột ở Yemen. Washington hiện chỉ cung cấp vũ khí phòng thủ cho đồng minh.

Ngược lại, Ả Rập Saudi mới là đồng minh quan trọng nhất phục vụ lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, không chỉ nhờ nguồn cung dầu mỏ liên tục mà còn trong khía cạnh chống khủng bố, ngăn chặn ảnh hưởng lớn mạnh từ Iran và các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn.

"Đó là phản ứng có thể hiểu được, nhưng chính Mỹ cũng có nhu cầu cần duy trì hợp tác an ninh với Ả Rập Saudi", Tom Karako, giám đốc chương trình tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói. "Vấn đề không chỉ là đảm bảo an ninh quốc phòng cho Ả Rập Saudi mà còn nhằm răn đe mối đe dọa từ Iran".

Ả Rập Saudi được coi là quốc gia chủ chốt của Mỹ để đối phó ảnh hưởng từ Iran.

Ả Rập Saudi được coi là quốc gia chủ chốt của Mỹ để đối phó ảnh hưởng từ Iran.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hủy bỏ cuộc họp của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và Mỹ, dự kiến diễn ra tại Riyadh vào tháng này. Cuộc họp nhằm thảo luận về hợp tác quân sự và cách đối phó với các mối đe dọa khu vực. Theo FT, quyết định của Mỹ thực tế chỉ mang tính biểu tượng.

Emile Hokayem, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), cho biết Washington có thể thể hiện sự phản đối bằng cách trì hoãn việc cung cấp vũ khí, hạ cấp quan hệ với Ả Rập Saudi trên khía cạnh an ninh, phản đối chính sách của Ả Rập Saudi ở Yemen và một số khía cạnh khác.

“Nhưng đến cuối cùng, Mỹ không thể cắt đứt hợp tác chống khủng bố và không thể để Iran vuột khỏi tầm mắt", Hokayem nói. "Điều này rất quan trọng với an ninh của Mỹ và Ả Rập Saudi biết rõ nên không hề chịu khuất phục trước sức ép".

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng nói như vậy sau khi ông Biden cảnh báo xem xét lại quan hệ với Ả Rập Saudi.

“Chúng tôi sẽ không gạt bỏ bất kỳ công cụ quan trọng nào mà chúng tôi cần sử dụng để đảm bảo rằng, Iran không tạo ra mối đe dọa cho người dân Mỹ, cho lợi ích của Mỹ trong khu vực”, Ned Price, phát ngôn viên của bộ ngoại giao Mỹ Ned Price nói. 

Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, hôm 16/10 nói trên CNN rằng, Tổng thống sẽ tìm kiếm “những thay đổi về cách tiếp cận của Mỹ với việc hỗ trợ an ninh cho Ả Rập Saudi”. Nhưng Nhà Trắng sẽ cần thời gian trước khi đưa ra quyết định. Trước mắt, ông Biden không có kế hoạch gặp thái tử Mohammed bin Salman tại hội nghị G20 ở Bali, Indonesia.

"Tổng thống sẽ không hành động nóng vội. Ông ấy sẽ hành động một cách có phương pháp, có chiến lược, sẽ dành thời gian để tham khảo ý kiến của các nghị sĩ trong lưỡng đảng sau khi Quốc hội Mỹ nhóm họp trở lại", cố vấn Sullivan nói.

Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng sự hiện diện của Mỹ ở Ả Rập Xê Út giúp bảo vệ tài sản của Lầu Năm Góc trong khu vực hơn là giúp bảo đảm an ninh cho đồng minh. Do đó, Lầu Năm Góc mong muốn hợp tác quân sự giữa hai nước vẫn được tiếp tục.

Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể tại các căn cứ ở Ả Rập Saudi. Ảnh: Căn cứ Hoàng tử Sultan ở phía nam thủ đô Riyadh.

Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể tại các căn cứ ở Ả Rập Saudi. Ảnh: Căn cứ Hoàng tử Sultan ở phía nam thủ đô Riyadh.

Nhưng ông Biden cũng phải tìm cách để xoa dịu sự tức giận trong nội bộ đảng Dân chủ. Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện của đảng Dân chủ, đã kêu gọi chính phủ "đóng băng ngay lập tức" thỏa thuận bán vũ khí và hợp tác an ninh với Ả Rập Saudi. Ông Menendez nói rằng sẽ không "bật đèn xanh cho bất kỳ hợp tác nào với Riyadh trừ khi vương quốc này đánh giá lại lập trường".

Chris Murphy, một thành viên đảng Dân chủ trong ủy ban đối ngoại Thượng viện, cũng đề xuất chuyển lô hàng 280 tên lửa không đối không dành cho Ả Rập Saudi sang cho Ukraine, đưa các hệ thống phòng không Patriot của Mỹ từ Ả Rập Saudi sang Ukraine.

"Hai bước đi này phản ánh mối quan hệ phù hợp hơn với Ả Rập Saudi và đồng thời sẽ giúp Ukraine", ông Murphy nói.

Ả Rập Saudi hiện là quốc gia mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Năm 2021, nước này đã chi 55,6 tỷ USD để mua vũ khí. Trong giai đoạn năm 2017 - 2021, vương quốc chiếm 25% toàn bộ đơn hàng vũ khí Mỹ, theo FT.

Ngừng các thỏa thuận bán vũ khí cũng đồng nghĩa ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ mất đi một đối tác giàu có và mua vũ khí thường xuyên.

Về phía Ả Rập Saudi, trong ngắn hạn, nước này phụ thuộc vào Mỹ để duy trì hoạt động của các hệ thống vũ khí. Gần đây, Ả Rập Saudi đã phải quay sang các đồng minh vùng Vịnh để mua lại đạn tên lửa đánh chặn sử dụng cho hệ thống phòng không Patriot.

Phiến quân Houthi thường đe dọa phóng rocket về phía các thành phố lớn, sân bay và cơ sở dầu mỏ khiến Ả Rập Saudi tiêu tốn một lượng lớn đạn tên lửa đánh chặn. 

Nhìn chung, dù có mối quan hệ căng thẳng nhưng Mỹ và Ả Rập Saudi có chung lợi ích để tiếp tục duy trì hợp tác an ninh, các nhà phân tích nhận định. 

"Mỹ và Ả Rập Saudi đang nóng giận vào lúc này. Nhưng đến một thời điểm, hai bên sẽ nhận ra rằng họ cần nhau và cùng tìm giải pháp vượt qua bất đồng", chuyên gia Tom Karako nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Ả Rập Saudi từng cấm vận dầu mỏ khiến Mỹ và phương Tây điêu đứng ra sao?

Trong thế kỷ 20, Mỹ và Ả Rập Saudi duy trì mối quan hệ gắn bó, trong đó Washington hưởng lợi lớn từ nguồn dầu mỏ giá rẻ. Nhưng căng thẳng xuất phát từ đồng minh của Mỹ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN