Mỹ giúp Ả Rập Saudi lột xác trở thành cường quốc dầu mỏ thế giới như thế nào?

Mối quan hệ gắn bó giữa Mỹ và Ả Rập Saudi xuất phát từ năm 1933, khi một công ty tách ra từ gã khổng lồ năng lượng Standard Oil của Mỹ tham gia đầu tư khai thác dầu ở Ả Rập Saudi, theo New York Times.

Ả Rập Saudi hiện là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ hai thế giới với 270 tỷ thùng.

Ả Rập Saudi hiện là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ hai thế giới với 270 tỷ thùng.

Hồi đầu tháng này, việc tổ chức OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác dầu cho thấy rạn nứt ngày càng gia tăng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Hoàng gia Ả Rập Saudi - .quốc gia có vai trò chủ chốt trong OPEC. Ít người biết rằng, Ả Rập Saudi đã có quan hệ khăng khít với Mỹ từ gần một thế kỷ trước, khi còn là một vương quốc nghèo nàn. Loạt bài này sẽ cung cấp một số lát cắt trong mối quan hệ giữa hai quốc gia, đồng thời phần nào giúp bạn đọc có một cái nhìn sâu hơn về những diễn biến hiện nay.

Người Mỹ đem đến Ả Rập Saudi công nghệ khai thác dầu hàng đầu vàviệc tìm thấy các giếng dầu khổng lồ đưa Ả Rập Saudi trở thành một trong những quốc gia sở hữu trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới. 

Năm 1943, Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin Roosevelt tuyên bố rằng, "đảm bảo quốc phòng cho Ả Rập Saudi quan trọng tương tự như an ninh quốc phòng của Mỹ".

Trong suốt hàng thập kỷ, chiến lược đổi dầu lấy sự bảo đảm an ninh đã trở thành yếu tố cốt lõi trong mối quan hệ đồng minh Mỹ - Ả Rập Saudi, ngay cả khi hai nước sau đó đã thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác trong thế kỷ 20.

Từng bị hoài nghi về tiềm năng khai thác dầu

Ả Rập Saudi là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới với hơn 270 tỷ thùng nằm ở một số mỏ dầu lớn, tương đương 1/5 trữ lượng của thế giới.

Riyadh hiện khai thác dầu ở mức khoảng 12 triệu thùng/ngày. 

Nước này xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu mỗi ngày, lớn nhất trên thế giới trong số các nước xuất khẩu dầu.

Sở hữu trữ lượng dầu mỏ dồi dào cùng sản lượng xuất khẩu hàng đầu đưa Ả Rập Saudi trở thành quốc gia nắm quyền chi phối tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC).

Là quốc gia có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu như vậy nhưng ít ai biết rằng, trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, Ả Rập Saudi từng là quốc gia bị đánh giá là có mức rủi ro cao đối với các công ty dầu phương Tây đang tìm kiếm nguồn dầu thô mới, theo tạp chí Earth Magazine.

Xuất phát từ thị trấn ven biển Jubail, các nhà địa chất Mỹ đã tìm thấy mỏ dầu đầu tiên ở Ả Rập Saudi.

Xuất phát từ thị trấn ven biển Jubail, các nhà địa chất Mỹ đã tìm thấy mỏ dầu đầu tiên ở Ả Rập Saudi.

Hai nhà địa chất Mỹ Robert Miller và Schuyler Henry - làm việc cho công ty Standard Oil of California (Socal) - từng đến khảo sát ở Ả Rập Saudi vào năm 1993. Hai nhà địa chất mô tả cơ sở vật chất của vương quốc rất nghèo nàn và hầu hết lãnh thổ là sa mạc. 

Không ai biết chắc liệu bên dưới lớp cát nóng bỏng đó có dầu hay không và trữ lượng lớn đến mức nào. Ả Rập Saudi sau khi thống nhất vào năm 1929 là một trong các quốc gia nghèo nhất thế giới, với nguồn doanh thu hạn chế đến từ từ nông nghiệp và người hành hương.

Dầu mỏ là một thứ gì đó xa vời với Ả Rập Saudi khi đó, nơi người dân chỉ mong kiếm đủ cái ăn qua ngày và ưu tiên của vương quốc khi đó là tập trung tìm thêm nguồn nước sạch mới, theo Earth Magazine.

Trước Mỹ, người Anh tới Trung Đông tìm dầu mỏ đầu tiên và phát hiện một số mỏ dầu ở phía tây Ba Tư (nay là Iran) vào năm 1908. Nhưng đó là thời điểm lòng tin về trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở Trung Đông chưa cao và các nhà cai trị địa phương, đặc biệt là Ả Rập Saudi, không mấy hoan nghênh sự hiện diện của người nước ngoài.

Mọi chuyện đảo chiều từ sau Thế chiến 1. Nhiều quốc gia đã hiểu rằng nguồn cung cấp dầu ổn định là điều quan trọng để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, đảm bảo vị thế và an ninh trên trường quốc tế.

Người Mỹ tạo bệ phóng cho Ả Rập Saudi

Năm 1931, Socal - một trong những công ty con hình thành sau quá trình chia tách gã khổng lồ Standard Oil trước đó 20 năm, đặt nền móng cho ngành công nghiệp khai thác dầu của Mỹ ở Trung Đông khi giành quyền khai thác ở Bahrain trước các đối thủ cạnh tranh đến từ châu Âu.

Ngày 31/5/1932, Socal có phát hiện mang tính lịch sử của Mỹ khi tìm thấy mỏ dầu thương mại đầu tiên ở Bahrain, đảo quốc láng giềng của Ả Rập Saudi.

Mỏ dầu được tìm thấy ở Iraq năm 1927 khiến các chuyên gia tin rằng Trung Đông có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ.

Mỏ dầu được tìm thấy ở Iraq năm 1927 khiến các chuyên gia tin rằng Trung Đông có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ.

Khác với người Anh, người Mỹ tới Ả Rập Saudi ban đầu với sứ mệnh tìm nguồn nước sạch cho vương quốc, trong đó ông trùm đường ống nước Mỹ Charles Crane nhận ủy thác từ quốc vương Ả Rập Saudi Abdulaziz Al-Saudi. Năm 1931, Crane giao công việc cho Karl Twitchell, một kỹ sư người Mỹ.

Phát hiện mỏ dầu ở Bahrain khiến quốc vương Ả Rập Saudi cảm thấy bị thuyết phục, yêu cầu Twitchell tìm nhà khai thác dầu có năng lực ở Mỹ.

Thay mặt nhà vua, Twitchell tiếp cận Socal vào giữa năm 1932 để tìm kiếm một thỏa thuận khai thác nhượng quyền, đại diện Socal đã "rất vui mừng và ngay lập tức đồng ý", tác giả Daniel Yergin, người từng đoạt giải Pulitzer về bài tường thuật lịch sử ngành dầu mỏ thế giới, cho biết.

Tháng 2/1933, Twichell với vai trò mới là đại diện đàm phán của Socal, quay trở lại Ả Rập Saudi cùng luật sư của công ty để thúc đẩy việc ký thỏa thuận.

3 tháng sau, trải qua nhiều vòng đàm phán, Ả Rập Saudi chính thức ký thỏa thuận cho phép Socal tìm kiếm và toàn quyền khai thác dầu.

Theo thỏa thuận, Socal được toàn quyền khai thác dầu ở Ả Rập Saudi trong 60 năm, khai phá khu vực có diện tích 930.000km2. Đổi lại, Socal cung cấp tài chính và các khoản vay cho nhà vua, bao gồm khoản chi 175.000 USD ngay lập tức (tương đương 3,8 triệu USD theo tỷ giá ngày nay). Phía Socal đảm bảo rằng Ả Rập Saudi không phải chi bất cứ khoản nào cho đến khi dầu mỏ được tìm thấy.

Hành trình khám phá mỏ dầu đầu tiên

Công ty nhanh chóng thiết lập chi nhánh hoạt động ở Ả Rập Saudi, đặttrụ sở tại Jeddah và thành lập một công ty con mới có tên Casoc (Công ty dầu California-Ả Rập) để giám sát việc khai thác nhượng quyền.

Tháng 9.1933, hai nhà địa chất Mỹ Robert Miller và Schuyler Henry có chuyến đi ngắn bằng thuyền từ Bahrain đến thị trấn ven biển Jubail, bắt đầu sứ mệnh tìm kiếm dầu mỏ ở Ả Rập Saudi.

Hai nhà địa chất băng qua thảo nguyên đầy cát trong một chiếc xe du lịch nhãn hiệu Ford, biết rằng bất cứ lúc nào chiếc xe cũng có thể gặp trục trặc trong địa hình sa mạc.

Hai nhà địa chất được hỗ trợ bởi một đoàn tùy tùng do quốc vương Ả Rập Saudi gửi đến, gồm một phiên dịch viên, một đầu bếp, một phụ bếp, một thợ cơ khí, một thợ máy, một người lái xe và 30 người hộ tống.

Nhà địa chất người Mỹ Max Steineke là người đã tìm ra mỏ dầu đầu tiên ở Ả Rập Saudi vào năm 1938.

Nhà địa chất người Mỹ Max Steineke là người đã tìm ra mỏ dầu đầu tiên ở Ả Rập Saudi vào năm 1938.

Khác với hai nhà địa chất, đoàn tùy tùng di chuyển trên sa mạc bằng lạc đà. Vào ban đêm, đoàn người dừng chân nấu ăn và dựng lều để ngủ.

Ngoài các trang thiết bị khảo sát chuyên dụng, hai nhà địa chất Mỹ không mang theo radio. Có nghĩa là họ sẽ mất liên lạc với trung tâm cho đến khi quay trở về.

Đây là cách mà những người Mỹ đã khám phá vùng sa mạc Ả Rập Saudi từ cuối năm 1933 để tìm kiếm dầu mỏ.

Trong mùa khảo sát đầu tiên, hai nhà địa chất Mỹ xác định một địa điểm hứa hẹn có mỏ dầu, cách thị trấn ven biển Jubail ở Ả Rập Saudi khoảng 100km. Miller và Henry đặt tên cho địa điểm tiềm năng là Dammam Dome.

Việc khai thác thử nghiệm diễn ra từ tháng 6/1934 và công ty cũng cử thêm 8 nhà địa chất khác tới hỗ trợ Miller và Henry.

Bất chấp những kỳ vọng, việc khoan thử giếng đầu tiên không thành công, cũng như 5 giếng kế tiếp ở Dammam. 

Nhưng công ty có trụ sở ở California không bỏ cuộc, bổ nhiệm Max Steineke làm nhà địa chất trưởng vào năm 1936, tiếp tục đổ thêm tiền và nhân lực. Steineke là nhà địa chất Mỹ gốc Đức, từng có kinh nghiệm tìm thấy các mỏ dầu ở California, Alaska, Canada, Colombia và New Zealand.

Steineke cho rằng địa điểm mà Miller và Henry lựa chọn để khoan dầu là khả thi, nhưng đề xuất cần phải khoan sâu hơn mới có thể tìm thấy dầu.

Tháng 12.1936, Casoc bắt đầu khoan giếng Dammam số 7. Mặc dù đối mặt với những rắc rối kỹ thuật và vấn đề thiết bị, nhưng trực giác mách bảo Steineke rằng chắc chắn sẽ tìm thấy dầu.

Tại giếng Dammam số 7, Steineke đã cho khoan sâu hơn 600 mét so với mức khoan sâu nhất ở 6 giếng khoan thất bại trước đây.

Năm 1980, Hoàng gia Ả Rập Saudi quốc hữu hóa thành công công ty dầu mỏ ARAMCO do Mỹ thành lập ở nước này.

Năm 1980, Hoàng gia Ả Rập Saudi quốc hữu hóa thành công công ty dầu mỏ ARAMCO do Mỹ thành lập ở nước này.

Ngày 3/3/1938, những giọt dầu đầu tiên phun lên từ dưới lòng đất. Công ty Mỹ khai thác với sản lượng gần 4.000 thùng/ngày tại khu mỏ này.

Sản xuất dầu ở Ả Rập Saudi bùng nổ kể từ đó. Năm 1943, Casoc đổi tên thành công ty dầu mỏ Mỹ - Ả Rập (ARAMCO). 

Công ty với 100% vốn của Mỹ tiếp tục phát hiện thêm nhiều mỏ dầu và mỏ khí đốt mới ở Ả Rập Saudi, bao gồm mỏ dầu Ghawar lớn nhất thế giới, được phát hiện vào năm 1948, với trữ lượng ước tính là 162 tỷ thùng.

Mối quan hệ hợp tác ban đầu của ARAMCO với vương quốc Ả Rập Saudi là dấu ấn của Mỹ trong quá trình đưa quốc gia Trung Đông trở thành trung tâm khai thác dầu mỏ của thế giới, theo Earth Magazine.

Khi lượng dầu được tìm thấy nhiều hơn, thỏa thuận khai thác nhượng quyền cũng dễ dàng đạt được hơn. Thông qua ARAMCO, hoàng gia Ả Rập Saudi đã thâu tóm một lượng lớn tài sản.

Vào đầu những năm 1970, chính phủ Ả Rập Saudi bắt đầu chiến dịch mua lại cổ phần ARAMCO, hoàn thành việc tiếp quản công ty Mỹ vào năm 1980, đổi tên thành Saudi ARAMCO.

Có thể nói, việc Ả Rập Saudi quốc hữu hóa thành công ngành công nghiệp sản xuất dầu mỏ vốn phụ thuộc vào Mỹ đã mở đường để quốc gia này nâng cao vị thế kinh tế và chính trị trong phạm vi khu vực và trên toàn cầu như ngày nay.

Trong năm 2021, Saudi ARAMCO đem về cho Ả Rập Saudi doanh thu 359 tỷ USD nhờ bán dầu mỏ và các sản phẩm liên quan tới dầu.

Tháng 5/2022, Saudi ARAMCO trở thành công ty giá trị nhất trên thế giới dựa trên vốn hóa thị trường, vượt qua cả Apple.

______________________

49 năm trước, Mỹ từng khiến quốc vương Ả Rập Saudi tức giận. Nguyên nhân của sự kiện này là gì và tác động của nó ra sao? Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 2 xuất bản sáng 23/10 trên mục Thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

WSJ: Ả Rập Saudi phớt lờ lời cảnh báo của Mỹ, hé lộ mâu thuẫn sâu sắc

Vài ngày trước khi nhóm OPEC+ thông báo cắt giảm mạnh sản lượng khai thác, quan chức Mỹ đã gửi lời cảnh báo khẩn tới Ả Rập Saudi và các cường quốc sản xuất dầu ở Trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN