Thấy gì từ việc Trung Quốc đẩy mạnh phát triển tàu sân bay?

Rất nhiều chuyên gia đã có những đánh giá về kỹ thuật và nhận định tham vọng của Trung Quốc liên quan tới tàu sân bay mới nhất vừa ra mắt.

Đánh giá về kỹ thuật

Ngày 17/6, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay mới nhất, lớn nhất cho đến nay, được đặt tên là Phúc Kiến.

Đây tàu sân bay thứ 3 của hải quân Trung Quốc và là tàu sân bay thứ hai do nước này hoàn toàn tự thiết kế và đóng mới, đánh dấu bước tiến lớn so với hai tàu sân bay đầu tiên của nước này.

Theo nhận định trên các tạp chí Foreign Policy và các báo Naval News, Stars and Stripes, Business Insider, tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc mang tên Phúc Kiến, thuộc lớp Type 003, có lượng choán nước là 80.000 tấn.

So sánh với tàu sân bay Mỹ - quốc gia dẫn đầu về lĩnh vực này, giới chuyên gia phương Tây đến từ 4 tờ báo/tạp chí trên cho rằng tàu Phúc Kiến còn thua kém các tàu sân bay Mỹ trên 2 mặt.

Lễ hạ thuỷ tàu sân bay thứ 3, do Trung Quốc tự thiết kế và đóng mới. Ảnh - LI TANG/VCG VIA GETTY IMAGES

Lễ hạ thuỷ tàu sân bay thứ 3, do Trung Quốc tự thiết kế và đóng mới. Ảnh - LI TANG/VCG VIA GETTY IMAGES

Thứ nhất, Phúc Kiến có 3 máy phóng, ít hơn tàu Mỹ 1 máy và chỉ có thể vận hành với khoảng 40 máy bay các loại, ít hơn đáng kể so với phi đội từ 70-80 máy bay trên 1 tàu sân bay Mỹ.

Bên cạnh đó, tàu Phúc Kiến của Trung Quốc không chạy bằng năng lượng hạt nhân nên bị phụ thuộc vào các tàu phụ trợ để có thể đi xa và hoạt động dài ngày.

Trên báo Stars and Stripes, ông Brian Hart, nhà nghiên cứu về sức mạnh của Trung Quốc, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng tàu Phúc Kiến chỉ có kích thước và sức đẩy ngang với lớp tàu Kitty Hawk của Mỹ những năm 1960.

Nhà nghiên cứu Brian Hart dự báo, Trung Quốc sẽ không dừng lại ở tàu Phúc Kiến mà vẫn sẽ tiếp tục tăng số lượng tàu sân bay, nhưng sẽ còn mất nhiều thập kỷ mới có thể tương đương với hạm đội tàu sân bay của Mỹ về số lượng và mức độ hiện đại.

Ông Matthew Funaiole - một nhà nghiên cứu về sức mạnh của Trung Quốc, cũng thuộc trung tâm CSIS ở thủ đô Washington, Mỹ, cho rằng khác với hai tàu Liêu Ninh (Type 001) và Sơn Đông (Type 002), tàu Phúc Kiến có máy phóng máy bay dùng công nghệ điện từ, được nhận định tương đương với loại công nghệ mới nhất trên tàu sân bay mới của Mỹ là USS Gerald Ford. Song, việc vận hành tàu sân bay có máy phóng máy bay là hoàn toàn mới đối với Trung Quốc.

Do đó, Bắc Kinh cần phải huấn luyện phi công và người điều hành để sử dụng hệ thống phóng trong các môi trường khác nhau.

Các báo và tạp chí của Mỹ và phương Tây cho rằng tàu Phúc Kiến chưa thể hoạt động chính thức ngay mà sẽ mất ít nhất 18 tháng tiến hành thử nghiệm, thao dượt.

Do đó, nếu suôn sẻ sớm nhất là vào năm 2024, tàu Phúc Kiến mới được đưa vào biên chế.

Nhận định về tham vọng

Về mặt ý nghĩa, cây bút Sam Roggeveen - Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Lowy ở Australia - chia sẻ trên tạp chí Foreign Policy cho rằng, tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc thể hiện tham vọng của Bắc Kinh muốn trở thành cường quốc quân sự có vị thế và tầm hoạt động toàn cầu.

Đồng nghĩa, Trung Quốc có thể sẵn sàng cạnh tranh với Mỹ ở nơi lâu nay Washington vốn mạnh nhất, cũng như gửi đi thông điệp rằng bất cứ điều gì Mỹ làm được, Trung Quốc cũng làm được to hơn, tốt hơn.

Trước đó, cũng có thông tin Trung Quốc sẽ đóng 3 tàu sân bay thuộc lớp Type 004 chạy bằng năng lượng hạt nhân, với kích thước và năng lực vận hành không kém các tàu hiện đại nhất của Mỹ.

Do đó, trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ có tổng cộng 6 tàu sân bay.

Tuy nhiên, chuyên gia Sam Roggeveen thuộc Viện Lowy, Australia, nhận định có lẽ, Trung Quốc muốn nhắm đến kế hoạch dài hơi hơn đó là thời “hậu Mỹ” khi mà sự ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á suy giảm.

Về phía Mỹ, hải quân nước này có 298 tàu và đang có những nỗ lực đề nghị Quốc hội duyệt kế hoạch để Mỹ có 367 tàu vào năm 2052.

Nhà nghiên cứu Hart nhận định: “Hiện nay, Trung Quốc tăng cường quân sự đang làm thay đổi mạnh cán cân sức mạnh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Song, Washington chưa có các bước đi cần thiết để chuẩn bị đầy đủ cho bản thân và các đồng minh, đối tác trong khu vực để ứng phó với thách thức ngày càng tăng về mặt quân sự từ phía Trung Quốc”.

Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa và tăng quy mô lực lượng quân sự. Tính đến năm 2021, hải quân Trung Quốc có số lượng lớn nhất thế giới.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng 11/2021 cho biết hải quân Trung Quốc có 355 tàu các loại và dự kiến đến năm 2030 sẽ có 460 tàu.

Nguồn: [Link nguồn]

CNN: Không phải tàu sân bay 80.000 tấn, đây mới là các loại tàu của TQ mà Mỹ lo ngại nhất?

Tàu sân bay Phúc Kiến mới được Trung Quốc hạ thủy hồi tuần trước là tàu chiến lớn nhất của nước này, nhưng chưa phải là vấn đề lớn nhất đối với hải quân Mỹ ở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN