Lý do Trung Quốc không dễ dàng đưa tàu sân bay mới hạ thủy vào biên chế

Sau nhiều lần trì hoãn, Trung Quốc ngày 17.6 đã hạ thủy tàu sân bay Type 003 mang tên Phúc Kiến. Điều mà giới quan sát quân sự trên thế giới quan tâm là khi nào tàu Phúc Kiến đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sử dụng công nghệ máy phóng điện từ.

Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sử dụng công nghệ máy phóng điện từ.

Tàu sân bay Phúc Kiến sở hữu máy phóng điện từ mới nhất, tương tự công nghệ Mỹ trang bị cho các tàu sân bay thế hệ mới thuộc lớp Ford. Máy phóng điện từ giúp các tiêm kích hạm có thể mang theo nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn, gia tăng khả năng chiến đấu.

Tuy nhiên, tàu Phúc Kiến còn lâu mới đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu, theo các chuyên gia. “Cần ít nhất 18 tháng kiểm tra và thử nghiệm”, Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói. “Đó sẽ là một loạt những bài kiểm tra phức tạp”.

Các thử nghiệm ban đầu tương đối cơ bản, gồm kiểm tra khả năng neo đậu và điều hướng của tàu. Máy phóng điện từ trên tàu cũng cần được kiểm tra và tàu cần được đánh giá năng lực hoạt động chung ở nhiều vùng biển khác nhau.

Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào biên chế hải quân năm 2012, 4 năm sau khi mua con tàu từ Ukraine. 7 năm sau, Sơn Đông là tàu sân bay nội địa đóng mới đầu tiên của Trung Quốc. Cả hai tàu đều sử dụng thiết kế nhảy cầu để hỗ trợ tiêm kích hạm cất cánh.

Với tàu Phúc Kiến, Trung Quốc bỏ qua công nghệ máy phóng hơi nước trên các tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ. Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất sử dụng công nghệ máy phóng điện từ trên tàu sân bay.

Siêu tàu sân bay USS Ford của Mỹ liên tục gặp trục trặc với hệ thống phóng điện từ.

Siêu tàu sân bay USS Ford của Mỹ liên tục gặp trục trặc với hệ thống phóng điện từ.

Henry Boyd, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, nói tàu Phúc Kiến chỉ có thể được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc vào giữa những năm 2020. Đó là mốc thời gian sớm nhất nếu tàu không gặp trục trặc kỹ thuật hay xảy ra vấn đề ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của tàu.

“Sử dụng công nghệ mới tương đối phức tạp đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro, giống như những gì hải quân Mỹ đã gặp phải”, ông Boyd nói, theo SCMP.

Mỹ hạ thủy siêu tàu sân bay USS Ford vào năm 2013, nhưng con tàu liên tục gặp trục trặc với hệ thống phóng và thu hồi máy bay, cũng như thang nâng và hệ thống điện. Tàu chỉ đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào năm ngoái, tức là sau 8 năm.

Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cũng sẽ phải chú ý đến mức độ tiêu thụ điện trên tàu Phúc Kiến, vì không giống như các tàu sân bay hạt nhân Mỹ, con tàu sử dụng động cơ thông thường, theo ông Boyd.

Chuyên gia Boyd dự đoán điều này cùng với các vấn đề về hậu cần và tiếp tế, sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến năng lực hoạt động của tàu Phúc Kiến.

Tàu sân bay Phúc Kiến sẽ được trang bị các máy bay cảnh báo sớm KJ-600.

Tàu sân bay Phúc Kiến sẽ được trang bị các máy bay cảnh báo sớm KJ-600.

Với tàu sân bay cỡ lớn đầu tiên như Phúc Kiến, hải quân Trung Quốc cũng sẽ phải mất thêm thời gian huấn luyện binh sĩ vận hành các loại máy bay chưa từng xuất hiện trên tàu sân bay trước đây, ví dụ như máy bay cảnh báo sớm KJ-600.

Quân đội Trung Quốc cũng phải cân nhắc sử dụng tiêm kích hạm F-15B hay FC-31 cho tàu Phúc Kiến, trong khi các tiêm kích hạm J-15 đã lỗi thời và thường xuyên gặp trục trặc.

Matthew Funaiole, nhà nghiên cứu ở Washington, Mỹ, nói Trung Quốc sẽ hết sức thận trọng khi kiểm tra năng lực chiến đấu của tàu Phúc Kiến.

“Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới với Trung Quốc. Không giống như Mỹ, Trung Quốc chưa từng có kinh nghiệm sử dụng máy phóng trên tàu sân bay. Các bước tiến sẽ diễn ra thận trọng”, ông Funaiole đánh giá.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ phải đào tạo thế hệ phi công mới làm quen với việc cất và hạ cánh máy bay trên tàu Phúc Kiến sử dụng máy phóng điện từ. “Trung Quốc còn nhiều việc phải làm. Có nhiều tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt nếu họ quá vội vàng”, ông Funaiole nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Hạ thủy siêu tàu sân bay Phúc Kiến, TQ đang có toan tính gì ở Ấn Độ Dương?

Trong bối cảnh tàu sân bay Phúc Kiến được hạ thủy, các chuyên gia Trung Quốc và phương Tây đã có nhận định về các bước đi tiếp theo của Bắc Kinh đối với Ấn Độ ở khu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN