Tại sao Hàn Quốc cấm công khai danh tính nghi phạm?

Sự kiện: Tin tức Hàn Quốc

Luật hình sự Hàn Quốc cấm cơ quan điều tra và giới truyền thông tiết lộ danh tính của nghi phạm, nếu vi phạm có thể bị phạt tới 3 năm tù.

Đã 4 tháng kể từ khi lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc Lee Jae-myung bị đâm vào cổ, người dân Hàn Quốc vẫn không biết danh tính của kẻ tấn công, bao gồm tên và nghề nghiệp, cho đến khi tờ The New York Times (Mỹ) đưa tin.

Tương tự, hồi tháng 4, một kỹ sư người Hàn Quốc làm việc tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bị bắt với loạt cáo buộc cưỡng hiếp. Sau đó, trên các phương tiện truyền thông Mỹ tràn ngập thông tin và hình ảnh của người này, nhưng tại Hàn Quốc tên của kỹ sư này không được tiết lộ và hình ảnh thì bị làm mờ.

Ở trên chỉ là hai trong nhiều vụ việc truyền thông Hàn Quốc không công khai danh tính của nghi phạm và hung thủ.

Nguyên nhân là vì luật hình sự Hàn Quốc cấm cơ quan điều tra và giới truyền thông tiết lộ danh tính của nghi phạm, nếu vi phạm có thể bị phạt tới 3 năm tù. Trường hợp nghi phạm đã bị kết án, truyền thông cũng chỉ được đưa họ chứ không được nêu tên người phạm tội, thậm chí đôi khi phải gọi thủ phạm bằng các chữ cái A, B, C,.. hoặc sử dụng bí danh.

Một nghi phạm trong vụ sát hại một công dân Hàn Quốc ở Thái Lan che mặt khi bị cảnh sát Hàn Quốc áp giải để thẩm vấn tại TP Changwon (Hàn Quốc) ngày 15-5. Ảnh: YONHAP

Một nghi phạm trong vụ sát hại một công dân Hàn Quốc ở Thái Lan che mặt khi bị cảnh sát Hàn Quốc áp giải để thẩm vấn tại TP Changwon (Hàn Quốc) ngày 15-5. Ảnh: YONHAP

Lập luận phản đối việc ẩn danh

Theo tờ The Korean Herald, cho đến giữa những năm 1990, truyền thông Hàn Quốc không hề dè dặt trong việc tiết lộ thông tin cá nhân của nghi phạm. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Tối cao Hàn Quốc năm 1998 đã quy định về việc bảo vệ nghiêm ngặt quyền riêng tư của nghi phạm.

“Không cần thiết phải xác định rõ ràng nghi phạm khi cung cấp thông tin về vụ án. Việc công khai tên thật của nghi phạm không thể được xem là vì lợi ích cộng đồng giống như thông tin về hành vi phạm tội” - Tòa Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết.

Cảnh sát Hàn Quốc sau đó đã điều chỉnh quy trình điều tra và cung cấp thông tin theo đúng phán quyết. Kết quả là loạt nghi phạm trong các vụ giết người khét tiếng đã được bảo vệ danh tiếng cho đến khi kết án.

Năm 2009, khi một nghi phạm giết người hàng loạt khác có tên Kang Ho-soon bị bắt, hai tờ báo lớn ở Hàn Quốc quyết định rằng người dân cần phải biết nên đã công bố khuôn mặt nghi phạm, khiến các phương tiện truyền thông khác làm theo.

Sự việc này dẫn đến việc ra đời một ngoại lệ cho phép tiết lộ thông tin nghi phạm trong các trường hợp tội phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên quyết định có công khai danh tính nghi phạm hay không phải được một ủy ban đặc biệt xem xét kỹ lưỡng.

Phần lớn người dân Hàn Quốc không hài lòng với việc giấu danh tính của nghi phạm.

Theo một cuộc khảo sát do Ủy ban Chống Tham nhũng & Dân quyền Hàn Quốc thực hiện vào tháng 7-2023, 96% trong số 7.474 người được hỏi cho rằng cần phải mở rộng hơn nữa việc tiết lộ thông tin nghi phạm.

“Vì các phương tiện truyền thông và chính quyền không tiết lộ những thông tin như vậy nên việc tiết lộ ở các cấp độ khác ngày càng gia tăng” - GS Kim Chang-suk tại Khoa Truyền thông ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc) nói với The Korean Herald.

Theo GS Kim, nếu một kênh YouTube tiết lộ danh tính của nghi phạm trong các vụ án nghiêm trọng sẽ thu về rất nhiều lượt xem, từ đó thúc đẩy việc tiết lộ thông tin nghi phạm theo hướng không chính thống.

Công khai danh tính nghi phạm cần dựa trên văn hóa quốc gia

Truyền thông phương Tây công khai hình ảnh và danh tính công dân Hàn Quốc phạm tội nhưng truyền thông Hàn Quốc đã làm mờ những hình ảnh này. Ảnh: THE KOREAN HERALD

Truyền thông phương Tây công khai hình ảnh và danh tính công dân Hàn Quốc phạm tội nhưng truyền thông Hàn Quốc đã làm mờ những hình ảnh này. Ảnh: THE KOREAN HERALD

Tại các nước phương Tây và Nhật, tất cả thông tin của nghi phạm đều được cảnh sát công khai ngay từ giai đoạn đầu của cuộc điều tra. Theo GS Kim, việc công khai danh tính khiến nghi phạm không còn là cá nhân bình thường trong xã hội mà trở thành những “nhân vật của công chúng”.

Theo các chuyên gia, bên cạnh quy định của pháp luật, văn hóa cũng là một yếu tố cần tính đến trước khi quyết định công khai danh tính nghi phạm.

“Trong khi các nước phương Tây có nền văn hóa cá nhân hơn thì văn hóa nhóm định hình đời sống ở Hàn Quốc. Điều này dễ dẫn đến phản ứng nhạy cảm cũng như kỳ thị trong cộng đồng đối với nghi phạm nếu những thông tin như vậy bị tiết lộ tại Hàn Quốc” - theo GS Gong Jung-sik, chuyên gia về tâm lý tội phạm tại ĐH Kyonggi (Hàn Quốc).

“Hàn Quốc đã chứng kiến nhiều trường hợp cá nhân tự tử sau khi thông tin của họ bị tiết lộ bừa bãi trên mạng trong các ‘cuộc săn phù thủy’ [chiến dịch quấy rối]” - GS Gong nói thêm.

Sự việc gần đây nhất là vào tháng 3, một quan chức chính quyền TP Gimpo (Hàn Quốc) đã tự kết liễu đời mình sau khi bị chỉ trích trên mạng vì gây ùn tắc giao thông khi cho phép thi công trên đường.

Một ví dụ khác thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu đó là vào cuối năm 2023, nam diễn viên Lee Sun-kyun - từng tham gia đóng bộ phim điện ảnh “Ký sinh trùng” - đã tự tử sau khi bị công chúng giám sát gắt gao do bị cảnh sát điều tra sử dụng ma túy cùng nhiều người tại nhà riêng.

Theo GS Pyo Si-young tại Khoa Truyền thông đa phương tiện thuộc ĐH Gangwon (Hàn Quốc), người dân Hàn Quốc có niềm tin phổ quát rằng những tội phạm thực hiện hành vi “ghê tởm” xứng đáng phải nhận “búa rìu” dư luận.

“Niềm tin này khiến người dân yêu cầu tiết lộ danh tính của thủ phạm như một cách thể hiện sự phẫn nộ tập thể” - GS Pyo nhận xét.

Nhưng cũng chính vì niềm tin tập thể này, người Hàn vô cùng chú trọng hình ảnh trước mặt người khác.

“Sự nhạy cảm của người dân Hàn Quốc bắt nguồn từ trải nghiệm trước đây của họ khi thấy thông tin bôi nhọ ai đó trên các phương tiện truyền thông dẫn đến các cuộc săn phù thủy hoặc thông tin lan truyền không kiểm soát trên mạng xã hội. Cũng có nhiều trường hợp thông tin sai lệch không được sửa chữa thỏa đáng trên các phương tiện truyền thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - The Korean Herald dẫn nhận định của GS khoa học xã hội Kim Joong-baeck tại ĐH Kyung Hee.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, văn hóa “trừng phạt tập thể” và sợ bị “trừng phạt tập thể” là một trong những nguyên nhân khiến Hàn Quốc không công khai thông tin nghi phạm.

Nguồn: [Link nguồn]

Tháng 3/2024, một cô gái 17 tuổi rơi từ tòa nhà ở thành phố Daegu của Hàn Quốc đã tử vong sau khi xe cấp cứu bị 3 bệnh viện từ chối vì thiếu bác sĩ điều trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Tin tức Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN