Sống chung với lũ cạnh hồ Bà Dương, dân than: Đê "như miếng đậu phụ"

Những cơn mưa trút xuống dữ dội, điện đã bị cúp nhưng bà Zhang Meifeng, sống cạnh hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc – nhất định không chịu rời khỏi nhà đi tránh trú.

Bà Zhang Meifeng cùng con rể trở lại nhà bằng thuyền cứu hộ (ảnh: LA Times)

Bà Zhang Meifeng cùng con rể trở lại nhà bằng thuyền cứu hộ (ảnh: LA Times)

Con trai bà Zhang liên tục gọi về nhà giục mẹ “bỏ của chạy lấy người” khi báo chí đưa tin nước hồ Bà Dương liên tục dâng cao. Nhiều ngôi nhà cao 3 – 4 tầng ở huyện Bà Dương, Giang Tây đã bị đổ sụp khi đê vỡ. Nước lũ tràn vào “nuốt chửng” những ngôi làng và đồng ruộng.

Đây được xem là trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc. Hàng triệu người phải sơ tán, 28.000 ngôi nhà bị phá hủy bởi dòng nước lũ và 141 người chết hoặc mất tích.

Khi nước ngập toàn bộ tầng 1 của ngôi nhà, bà Zhang Meifeng, 67 tuổi vẫn nhất định không muốn rời đi. Đây là ngôi nhà xây bằng tiền tích cóp suốt 20 năm qua của gia đình bà Zhang. Chồng bà làm thợ mộc ở Chiết Giang còn con trai thì bán hàng ở Hải Nam.

“Chúng tôi kiếm được rất ít tiền. Ngậm đắng nuốt cay bao năm mới xây được ngôi nhà này. Tiền kiếm được ít nên tiết kiệm cũng khổ sở lắm”, bà Zhang kể.

Thành quả suốt nửa đời người của gia đình bà Zhang là ngôi nhà khá khang trang cao 3,5 tầng. Bên trong nhà là cầu thang xoắn ốc, nội thất gỗ và đèn chùm. Họ đã chi khoảng 10.000 USD để xây căn nhà này và vẫn còn nợ chút đỉnh.

Một ngôi nhà sắp chìm xuống nước ở huyện Bà Dương, Giang Tây (ảnh: LA Times)

Một ngôi nhà sắp chìm xuống nước ở huyện Bà Dương, Giang Tây (ảnh: LA Times)

“Mẹ không đi đâu. Mẹ muốn ở lại trông nhà”, bà Zhang nói với cậu con trai đang sốt ruột gọi về từ Hải Nam.

Bà Zhang khó khăn lắm với mới bê được chiếc TV và những đồ có giá trị khác trong nhà lên lầu khi nước lũ ập đến. Con rể bà Zhang chèo thuyền đến đón mẹ đến nơi sơ tán. Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau, bà lại khăng khăng đòi về, mang theo một thùng bánh bao và nước uống.

Ở những ngôi làng bị ngập lụt khi nước lũ tràn vào do vỡ đê ở huyện Bà Dương – nơi có hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc – nhiều đội cứu hộ đang cố gắng hỗ trợ người dân.

Bà Zhang về nhà trên thuyền cùng con rể và 2 tình nguyện viên làm công tác cứu hộ. Xung quanh họ là “biển nước” mênh mông.

“Cúi xuống mau”, 2 tình nguyện viên kêu lên khi chiếc thuyền đi qua đường dây điện cách mặt nước chưa đầy 1 mét. Gần đó, một ngôi nhà cao tầng đổ nghiêng xuống nước khoảng 45 độ.

Khi chiếc thuyền đến nơi, bà Zhang leo lên tầng 3 của ngôi nhà, vào một căn gác nhỏ và nhét thứ gì đó vào ví.

“Mẹ vợ tôi còn cất vài nghìn tệ ở trong nhà. Bà mất ngủ suốt mấy ngày nay khi nghĩ về số tiền”, con rể bà Zhang thì thầm với 2 nhân viên cứu hộ.

Vá đê vỡ bằng trực thăng ở Bà Dương, trước khi đợt lũ mới kéo về (ảnh: Xinhua)

Vá đê vỡ bằng trực thăng ở Bà Dương, trước khi đợt lũ mới kéo về (ảnh: Xinhua)

Hầu hết người dân còn lại ở Bà Dương là người già và trẻ nhỏ. Những người trong tuổi lao động đều bỏ lên các thành phố lớn để kiếm tiền. Họ về thăm nhà mỗi năm một lần và dịp Tết Nguyên đán.

Nước lũ dâng cao khiến không ít người ở Bà Dương nhớ lại trận hồng thủy kinh hoàng khiến hơn 4.000 người chết năm 1998. Năm đó, bà Zhang ở một mình với 2 con, chồng thì đi làm xa. Dân làng phải sơ tán, ở tạm dưới lán lợp bạt nhựa cùng bò và lợn.

Kể từ sau năm 1998, Trung Quốc đã có nhiều cải thiện tích cực về công tác phòng chống lũ lụt. Nhưng năm nay, người dân quanh hồ Bà Dương lại phải thấp thỏm khi mực nước trong hồ đã dâng cao hơn 3 mét, so với mực nước năm 1998.

Mới đây, một đoạn video cho thấy hồ Bà Dương đã bị vỡ một đoạn đê ngắn. Người dân sống quanh hồ Bà Dương đổ lỗi cho chính quyền địa phương đã thiếu trách nhiệm trong việc rà soát đê điều.

Cách nhà bà Zhang không xa, ông Sheng – một nông dân ở Bà Dương – cho biết, 330 mẫu ruộng của gia đình ông đã bị ngập trong nước.

Ông Sheng nói rằng, năm ngoái, có một con đê vỡ ở huyện Bà Dương nhưng đang được vá thì không hiểu sao lại bị bỏ dở.

“Nhiều người phải chịu trách nhiệm về việc này. Những con đê đáng lẽ đã không vỡ. Đê ở huyện này chẳng khác gì miếng đậu phụ”, ông Sheng bức xúc.

Người dân huyện Bà Dương được sơ tán trong một ngôi trường cấp 2 (ảnh: LA Times)

Người dân huyện Bà Dương được sơ tán trong một ngôi trường cấp 2 (ảnh: LA Times)

Trước đó, tờ Tân Hoa Xã cũng chỉ ra nhiều thiếu sót trong việc rà soát, kiểm tra, gia cố và bảo vệ đê điều ở Bà Dương trong mùa lũ lịch sử năm nay. Giang Tây là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt nặng nhất ở Trung Quốc sau khi để xảy ra tình trạng vỡ đê hàng loạt.

Ông Sheng nói thêm rằng, chính quyền địa phương đã thúc giục người dân gieo trồng sớm hoa màu trong mùa vụ năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi nước lũ tràn về, nhiều diện tích hoa màu xem như mất trắng.

Một số người được sơ tán trong một ngôi trường cấp 2 ở huyện Bà Dương cho biết, mỗi khi đêm xuống, họ sẽ cử người đi canh đê, bắt cá hoặc trông nhà. Một số gia đình đã bị mất cắp điều hòa khi đi sơ tán.

“Đáng lẽ không nên xây nhà sát bờ đê”, Huang Guoxin, 51 tuổi, một người sống cùng gia đình trong khu sơ tán ở ngôi trường cấp 2, trầm ngâm.

Nguồn: [Link nguồn]

Hơn 30 vạn người mất việc do lệnh cấm đánh cá sông Dương Tử, TQ xử lý ra sao?

Lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 10 năm trên sông Dương Tử đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người vốn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam - Los Angeles Times ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN