Quốc gia trung lập hơn 200 năm đứng trên ranh giới cho phép cung cấp vũ khí cho Ukraine

Thụy Sĩ đang tiến gần hơn tới việc xóa bỏ truyền thống trung lập kéo dài hơn 200 năm qua để cho phép các quốc gia thứ ba cung cấp vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất cho Ukraine.

Xe bọc thép Thụy Sĩ di chuyển trên đường phố để tham gia một cuộc diễn tập quân sự vào ngày 28/11/2022.

Xe bọc thép Thụy Sĩ di chuyển trên đường phố để tham gia một cuộc diễn tập quân sự vào ngày 28/11/2022.

Theo Reuters, có một làn sóng ủng hộ Ukraine trong dư luận và các nghị sĩ Thụy Sĩ, hối thúc chính phủ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất tới vùng chiến sự.

Các quốc gia mua vũ khí Thụy Sĩ hiện nay bị cấm không được tái xuất sang nước thứ ba, dù quy định này cũng khiến ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Sĩ bị ảnh hưởng.

Gần đây, hai ủy ban an ninh của Quốc hội Thụy Sĩ đã khuyến nghị chính phủ nên nới lỏng các quy tắc cho phù hợp với tình hình hiện nay.

"Chúng ta muốn trung lập, nhưng chúng ta thuộc thế giới phương Tây", Thierry Burkart, lãnh đạo đảng FDP trung hữu, người đã đệ trình kiến nghị lên chính phủ, đề nghị cho phép tái xuất vũ khí sang các quốc gia mà nước này cho là phù hợp.

Thụy Sĩ đã duy trì lập trường trung lập kể từ năm 1815, nghiêm cấm việc tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào xung đột. Thụy Sĩ hiện nay vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Ukraine và Nga.

Các nước thứ ba trên lý thuyết có thể gửi đề nghị để được Thụy Sĩ cho phép xuất khẩu vũ khí nhưng chính phủ Thụy Sĩ đến nay luôn từ chối.

"Chúng ta không nên ngăn các nước khác tìm cách giúp đỡ Ukraine. Nếu chúng ta làm như vậy nghĩa là chúng ta ủng hộ Nga và không còn duy trì quan điểm trung lập", ông Burkart nói trên Reuters.

"Một số quốc gia muốn giúp đỡ Ukraine để duy trì an ninh và ổn định ở châu Âu. Họ không hiểu vì sao Thụy Sĩ lại nói không", ông Burkart giải thích.

Theo một cuộc khảo sát công bố ngày 5/2, 55% số người Thụy Sĩ được hỏi nói rằng ủng hộ việc nước thứ ba tái xuất vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất sang Ukraine.

"Nếu đặt câu hỏi này trước cuộc xung đột, số người bày tỏ quan điểm đồng ý không đạt đến mức 25%", Lukas Golder, giám đốc tổ chức thăm dò ý kiến GFS-Bern, nói.

Chính phủ Thụy Sĩ từng từ chối đề nghị của Đức và Đan Mạch nhằm cung cấp xe bọc thép và đạn pháo phòng không do Thụy Sĩ sản xuất cho Ukraine. Gần đây, chính phủ Thụy Sĩ nói không phản đối việc Quốc hội đưa vấn đề này ra thảo luận.

Các nghị sĩ Thụy Sĩ sẽ phải thông qua luật sửa đổi để chính phủ đồng ý nước thứ ba tái xuất vũ khí sang Ukraine. Ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Sĩ cũng ủng hộ sửa đổi luật.

Năm 2021, ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Sĩ thu về 876 triệu USD từ việc bán vũ khí cho các quốc gia nước ngoài, đứng thứ 15 trong số các quốc gia xuất khẩu vũ khí.

"Nhiều công ty quốc phòng mất hợp đồng vũ khí vì các quy định giới hạn hiện tại. Đã đến lúc cần có sự thay đổi", Stefan Brupbacher, người đứng đầu Hiệp hội các ngành công nghiệp Thụy Sỹ Swissmem, nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Nga: Thụy Sĩ không còn trung lập

Moscow bác bỏ khả năng Thụy Sĩ trở thành bên đại diện cho các lợi ích của Ukraine ở Nga, trong bối cảnh Nga và nước láng giềng xảy ra xung đột.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Reuters ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN