Quốc gia tiến thoái lưỡng nan vì tranh chấp Trung-Ấn

Quốc gia này phải rất cẩn thận trong việc “chọn phe” giữa hai nước láng giềng hùng mạnh, các chuyên gia nhận định.

Quốc gia tiến thoái lưỡng nan vì tranh chấp Trung-Ấn - 1

Người Nepal biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Kathmandu, Nepal. Tờ giấy biểu tình ghi: "Trung Quốc và Ấn Độ đừng khiêu khích lẫn nhau"

Chuyến thăm chính thức của Trung Quốc tới Nepal vào tuần tới sẽ làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan của Nepal khi căng thẳng tiếp diễn giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương sẽ đến thăm thủ đô Kathmandu, Nepal, trong 4 ngày bắt đầu từ 14.8 tới. Chuyến thăm diễn ra vào đúng thời kỳ nhạy cảm khi Bắc Kinh và New Delhi đang tranh chấp vùng Doklam ở biên giới.

Sau chuyến thăm của ông Uông, Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba cũng sẽ đến Ấn Độ từ ngày 23-27.8. Các nhà phân tích đánh giá chuyến thăm này là một phần nỗ lực mong manh của Nepal nhằm cân bằng giữa Bắc Kinh và New Delhi.

Quốc gia tiến thoái lưỡng nan vì tranh chấp Trung-Ấn - 2

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương sắp đến thăm Nepal

Theo báo The Kathmandu Post của Nepal, ông Krishna Bahadur Mahara, Phó Thủ tướng Nepal kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước này, cũng có kế hoạch thăm Bắc Kinh sau khi ông Deuba trở về từ New Delhi.

Mahara từng tuyên bố Nepal "sẽ không bị lôi kéo" vào tranh chấp biên giới, cũng không bị "ảnh hưởng" bởi Trung Quốc hay Ấn Độ, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Nepal cũng yêu cầu các đại sứ quán của nước này ở New Delhi và Bắc Kinh gửi thông điệp cho chính quyền sở tại rằng Nepal sẽ duy trì vị trí độc lập trong vấn đề này.

Nepal là quốc gia có mối quan hệ lâu năm thân thiết với Ấn Độ nhưng mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc trong những năm gần đây. Các nhà phân tích cho biết diễn biến gần đây cho thấy Nepal đang nằm giữa sự ganh đua của giữa “hai gã khổng lồ châu Á”.

Quốc gia tiến thoái lưỡng nan vì tranh chấp Trung-Ấn - 3

Nepal đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ

Jiang Jingkui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết: "Xung đột Trung Quốc-Ấn Độ đã khiến tình hình trở nên khó khăn hơn đối với các nước Nam Á như Nepal và Bhutan vì họ lo ngại xung đột có thể tràn vào quốc gia của họ.

"Quan hệ hợp lý giữa Trung Quốc và Ấn Độ là rất quan trọng với môi trường an ninh của họ”, ông Jingkui nhận định.

Chuyến viếng thăm của ông Uông dự kiến sẽ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ ở Nepal và các chuyến thăm cấp cao trong tương lai của hai bên.

Bộ ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận về chuyến thăm này. Tuy nhiên,  các nhà quan sát dự đoán ông Uông sẽ "giải thích quan điểm của Trung Quốc" với Nepal trong cuộc xung đột với Ấn Độ.

Quốc gia tiến thoái lưỡng nan vì tranh chấp Trung-Ấn - 4

Lính Trung Quốc và lính Ấn Độ đứng gác ở vùng biên hai nước

Trong một động thái được coi là tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng ở Nepal, Trung Quốc bắt đầu mở rộng mạng cáp quang sang Nepal từ tháng này, chấm dứt sự độc quyền của Ấn Độ trong dịch vụ Internet ở Nepal.

"Ngoại trừ Pakistan, các nước Nam Á bao gồm cả Nepal, đã tồn tại rất lâu dưới ảnh hưởng của Ấn Độ và có mối quan hệ văn hóa chặt chẽ với nước này", ông Pang Zhongying, Hiệu trưởng Đại học Ocean tại Thanh Đảo, Trung Quốc, nói.

Nhưng ông Pang thêm rằng Nepal đang ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và cần phải cẩn trọng hơn trong việc “chọn phe” giữa hai nước láng giềng hùng mạnh.

"Khác với Singapore, quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, các nước Nam Á như Nepal cho đến nay vẫn bất lực trong việc trung hòa cuộc xung đột Trung Quốc - Ấn Độ”, ông Pang bình luận.

1.000 lính áp sát Ấn Độ, báo TQ đếm ngược chiến tranh

Báo Trung Quốc ngày 9.8 đăng tải bài xã luận kêu gọi Ấn Độ rút quân khỏi khu vực tranh chấp trên cao nguyên Doklam trước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN