Quốc gia không phát hiện bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào, dân "rỉ tai" nhau là do cây dừa

Nằm tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương, đây là một trong số 13 quốc gia còn lại trên thế giới chưa thông báo bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào. Người dân nước này đồn thổi rằng, những cây dừa được trồng la liệt đã giúp họ tránh được mối nguy dịch bệnh.

Kiribati – đảo quốc thuộc châu Đại Đương, được bao phủ bởi màu xanh của bạt ngàn cây dừa. Đây là loại cây cung cấp cho người dân Kiribati mọi thứ họ cần để duy trì cuộc sống: Gỗ dừa để đóng thuyền, làm nhà, quả dừa để ăn và vỏ thì được tước thành sợi dùng bện dây thừng hoặc dệt vải.

Ngoài những công dụng trên, vài tháng gần đây, nhiều người dân tại Kiribati cho rằng, những cây dừa còn có một lợi ích vô cùng quan trọng khác, đó là bảo vệ họ khỏi sự tấn công của Covid-19 – dịch bệnh đã lây nhiễm cho hơn 4 triệu người và khiến gần 300.000 người tử vong trên toàn thế giới.

“Chúng tôi có những cây dừa để chống lại Covid-19. Dừa là loại thực phẩm rất giàu vitamin C và A. Tổ tiên của chúng tôi đã sống nhờ dừa, họ luôn mạnh mẽ và không có bệnh tật”, Rooti Tianaira, một giáo viên tiểu học tại Tarawa (thủ đô của Kiribati), nói.

“Nước và cùi của những trái dừa được chúng tôi sử dụng như những vị thuốc. Chúng tôi có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh để chống lại dịch bệnh. Dừa được bán ở khắp những con đường tại Kiribati”, Rooti Tianaira nói thêm.

Kiribati – quốc gia rợp bóng dừa (ảnh: BBC)

Kiribati – quốc gia rợp bóng dừa (ảnh: BBC)

Chuyện bán dừa thoạt nghe tưởng chừng như vô lý tại Kiribati – nơi số cây dừa được trồng lớn hơn gấp nhiều lần dân số 116.000 người của đảo quốc. Tuy nhiên, đây lại là sự thật.

Rimon – một nhà báo tại Tarawa, cho biết, ở Kiribati, không phải người nào cũng có những cây dừa cho riêng mình, đặc biệt là tại các khu vực đất chật người đông. Vì thế, một số người chưa tìm được việc làm nhưng nhà lại có sẵn cây dừa thường mang dừa đi bán và cũng khá đắt hàng trong bối cảnh nhiều người dân tại Kiribati nghĩ rằng ăn hoặc uống nước dừa giúp phòng tránh dịch bệnh.

“Nhiều người cho rằng ăn dừa có thể ngăn được Covid-19. Đây là thông tin không chính xác. Thật là ngớ ngẩn, những tin đồn kiểu này đang ảnh hưởng xấu đến chiến lược tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại Kiribati. Một số người ở đất nước này không biết cách phân biệt tin tức thật giả và vì thế họ đồn thổi những thứ không đúng sự thật”, nhà báo Rimon cho biết.

“Ăn, uống nước dừa có lợi cho sức khỏe, nhưng nó không thể chống lại Covid-19”, ông Rimon nhấn mạnh.

Dừa là tài sản quý của Kiribati (ảnh: Dailystar)

Dừa là tài sản quý của Kiribati (ảnh: Dailystar)

Theo ông Rimon, việc người dân đổ xô đi mua nước dừa uống thậm chí còn làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nguyên nhân là bởi ở Kiribati, những người bán nước dừa lề đường thường chỉ có một chiếc cốc dùng chung cho tất cả khách hàng.

“Ăn hoặc uống nước dừa chống được Covid-19 là tin đồn vô căn cứ. Chính quyền thậm chí còn đang phải phổ biến điều này trên các phương tiện truyền thông vì ngày càng có nhiều người tin vào những lời đồn thổi”, ông Rimon cho biết.

“Tôi là người đàn ông có học thức và đã từng sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người dân Kiribati chưa từng tiếp xúc với thế giới bên ngoài và họ dễ tin vào mọi thứ được nghe.

Ở đây chỉ có 2 nguồn tin chính thống về Covid-19 đó là Bộ Y tế và Văn phòng Tổng thống, nhưng người dân luôn chia sẻ bất kỳ điều gì mà họ nghĩ là đúng. Có lẽ đã đến lúc chính phủ Kiribati đưa ra những biện pháp kiểm duyệt thông tin, cảnh cáo hoặc phạt những người chuyên gieo rắc tin đồn nhảm”, ông Rimon nói thêm.

Kiribati đã dừng đón khách du lịch nhằm ngăn ngừa lây lan Covid-19 (ảnh: ABC News)

Kiribati đã dừng đón khách du lịch nhằm ngăn ngừa lây lan Covid-19 (ảnh: ABC News)

Rooti Tianaira là một giáo viên và đã sử dụng mạng xã hội Facebook từ năm ngoái nhưng hiện giờ cô vẫn đang “hoang mang” trước quá nhiều thông tin về dịch Covid-19 được chia sẻ.

“Israel đã phát triển thành công vắc xin ngừa Covid-19, tỏi giết được virus, ăn dơi bị nhiễm virus… Dạo gần đây lại có video về thi thể bị ném xuống biển với mô tả rằng đây là những bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 ở New Zealand, chúng là thật hay giả vậy?”, Tianaira thắc mắc.

“Rồi còn cá thì sao? Cá mà ăn phải thi thể bệnh nhân bị nhiễm virus thì chúng có nhiễm virus không?”, Tianaira hỏi phóng viên.

Sau khi được giải thích rõ ràng việc những thi thể bệnh nhân Covid-19 bị ném xuống biển chỉ là tin giả, cô Rooti Tianaira mới yên tâm.

“Cảm ơn, tôi đã rất lo lắng khi xem đoạn video đó. Tôi đã chia sẻ video cho bạn bè và chúng tôi đều không dám ăn cá suốt mấy ngày gần đây. Bạn biết đấy, lượng protein của chúng tôi chủ yếu đến từ biển, nếu cá mà nhiễm virus thì chúng tôi chết đói mất thôi”, Rooti Tianaira chia sẻ.

Bất chấp những tin đồn thiếu căn cứ, chính phủ Kiribati vẫn đang phản ứng tốt trước dịch bệnh bằng nhiều biện pháp hiệu quả. Kiribati duy trì tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc mặc dù chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào, những chuyến bay đón khách du lịch từ nước ngoài đã tạm thời bị đình chỉ.

Trẻ em tại Kiribati che mặt để phòng tránh Covid-19 khi đến trường (ảnh:  Dailystar)

Trẻ em tại Kiribati che mặt để phòng tránh Covid-19 khi đến trường (ảnh:  Dailystar)

Chính phủ Kiribati cho biết, người dân trên đảo rất dễ bị nhiễm virus vì thiếu kiến thức tự bảo vệ sức khỏe, cùng với đó là nguồn nhân lực y tế còn hạn chế. Vì vậy, nâng cao ý thức cảnh giác trước dịch bệnh là biện pháp hàng đầu hiện nay.

Trước khi tạm đình chỉ những chuyến bay quốc tế từ ngày 20.3, Kiribati đã bắt buộc tất cả người nhập cảnh phải cách ly đủ 14 ngày. Chính phủ cũng đang khuyến khích người dân thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa khả năng lây lan của Covid-19.

“Sẽ là thảm họa nếu Covid-19 tấn công vào Kiribati. Chúng tôi không có khả năng kiểm soát dịch bệnh. Ngay cả một nước giàu có như Italia còn không thể làm điều đó”, ông Rimon nhận xét.

Vì không có năng lực xét nghiệm Covid-19 nên nếu phát hiện những trường hợp nghi nhiễm, Kiribati phải gửi mẫu bệnh phẩm tới Úc để kiểm tra. Kiribati vẫn duy trì đường bay thẳng tới Nauru – quốc gia với nhiều người bị béo phì vẫn chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 nào.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Giám đốc phòng thí nghiệm Vũ Hán giải thích lý do virus không thể thoát ra bên ngoài

Người đứng đầu phòng thí nghiệm virus Vũ Hán cho rằng, họ đã tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt những quy trình, tiêu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Dailystar ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN