Quốc gia có quy định tiêm vaccine Covid-19 nghiêm ngặt nhất thế giới

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Người dân thủ đô Riyadh, Ả Rập Saudi thời gian qua đã quen với cảnh nhân viên an ninh thường xuyên tuần tra tại các trung tâm mua sắm, yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19.

Thái tử Ả Rập Saudi, Mohammed bin Salman tiêm vaccine Covid-19.

Thái tử Ả Rập Saudi, Mohammed bin Salman tiêm vaccine Covid-19.

Ả Rập Saudi hiện là một trong những quốc gia áp dụng quy định về tiêm chủng khắc nghiệt nhất thế giới, theo báo Mỹ Bloomberg.

Trong khi một số quốc gia trên thế giới áp dụng chính sách hộ chiếu vaccine hay “thẻ xanh” để khuyến khích người dân tiêm chủng, Ả Rập Saudi là quốc gia hiếm hoi bắt buộc người dân tiêm vaccine.

Kể từ ngày 1.8, Ả Rập Saudi cấm người chưa tiêm vaccine đến trung tâm mua sắm, nhà hàng, trường học và cơ quan công sở. Tỉ lệ tiêm vaccine nhờ đó gia tăng đáng kể và số ca mắc mới liên tục sụt giảm.

Ả Rập Saudi hiện đang sử dụng các loại vaccine như AstraZeneca, Moderna và Pfizer trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, riêng vaccine Moderna và Pfizer còn được tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi.

Chỉ sau 6 tuần, tỉ lệ người tiêm chủng đầy đủ ở Ả Rập Saudi đã tăng đáng kể, từ 13% lên hơn 42% dân số. 99% học sinh Ả Rập Saudi trong độ tuổi 12-18 đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Người dân Ả Rập Saudi xếp hàng tại một điểm tiêm chủng.

Người dân Ả Rập Saudi xếp hàng tại một điểm tiêm chủng.

Ả Rập Saudi chưa lọt vào nhóm các quốc gia tiêm chủng hàng đầu. Nhưng nước này đang tập trung tiêm mũi vaccine đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt. Ả Rập Saudi sẽ siết quy định bắt buộc tiêm mũi thứ hai để buộc người dân tiêm đầy đủ vaccine.

“Tôi cảm thấy chúng tôi đang đi trước các quốc gia khác”, Dunya Fahad, 27 tuổi, một nhân viên bán mỹ phẩm, nói.

Tuy vậy, một bộ phận người dân Ả Rập Saudi phản đối quy định khắc nghiệt của chính phủ.

“Có cảm giác rằng chính phủ đang ép buộc người dân tiêm vaccine”, Rawan, một cử nhân luật 23 tuổi, nói với Bloomberg. Cô đã tiêm mũi vaccine đầu tiên nhưng chưa tiêm mũi hai.

Giới chức y tế Ả Rập Saudi khẳng định vaccine an toàn và hiệu quả, giúp bảo vệ cộng đồng khỏi dịch bệnh Covid-19.

Ả Rập Saudi kiểm soát việc người dân đã tiêm chủng hay chưa bằng một ứng dụng trên điện thoại thông minh có tên là Tawakkalna.

Ứng dụng này được cho là khiến cuộc sống của những người không thành thạo công nghệ và không có kết nối Internet thường xuyên, như các lao động nhập cư, càng thêm khó khăn, theo Bloomberg.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra chứng nhận vaccine vẫn mang tính nhất thời. Không phải lúc nào các nhân viên an ninh làm nhiệm vụ tại các địa điểm công cộng, các tòa nhà, trung tâm mua sắm cũng kiểm tra kỹ lưỡng từng người.

Nhân viên an ninh Ả Rập Saudi kiểm tra thông tin tiêm chủng của người hành hương tới thánh địa Mecca.

Nhân viên an ninh Ả Rập Saudi kiểm tra thông tin tiêm chủng của người hành hương tới thánh địa Mecca.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra khuyến cáo việc việc tiêm chủng bắt buộc có thể gây ra nhiều hệ lụy với cộng đồng, ví dụ như việc suy giảm niềm tin của công chúng vào vaccine và làm tăng nguy cơ về bất bình đẳng.

Giới chức Ả Rập Saudi đặt mục tiêu ít nhất 70% dân số sẽ tiêm chủng đầy đủ vào tháng 10. Bên cạnh đó, chỉ những người đã tiêm chủng đầy đủ mới được phép xuất cảnh hoặc nhập cảnh.

Hầu hết các tòa nhà văn phòng, địa điểm công cộng, khu vui chơi giải trí, yêu cầu người dân tiêm ít nhất một mũi. Riêng tại các cơ sở giáo dục yêu cầu tiêm đủ hai mũi.

Khác với nhiều quốc gia, Ả Rập Saudi không chấp nhận giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Các quy định sẽ càng được siết chặt khi có thêm nhiều người tiêm mũi hai.

Nouf Mahdi, cử nhân ngành ngôn ngữ Anh, cảm thấy yên tâm hơn với biện pháp này.

“Đương nhiên chúng tôi vẫn phải đeo khẩu trang ra ngoài, tuy nhiên chúng tôi hạnh phúc vì được sống như bình thường mà không phải quay trở về giai đoạn phong tỏa”, Mahdi nói. “Khó có thể chấp nhận lỗi lầm của một nhóm nhỏ làm ảnh hưởng đến mọi người”.

Nguồn: [Link nguồn]

ĐT Việt Nam - Ả Rập Saudi: Những điều ”gây choáng” về quốc gia của đối thủ

Vương quốc Ả Rập Saudi chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới vào năm 1932. Sau gần 90 năm thành lập, Ả Rập Saudi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Bloomberg ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN