Philippines “nổi đóa” với tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông

Ngoại trưởng Philippines yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này cần ngay lập tức gửi công hàm phản đối sau vụ việc các tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn tàu Philippines lại gần bãi Cỏ Mây hồi năm 2014. (Ảnh: AP)

Tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn tàu Philippines lại gần bãi Cỏ Mây hồi năm 2014. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr đang cùng Tổng thống Rodrigo Duterte thực hiện chuyến thăm tới Nga. Vào cuối ngày 2/10, thông qua Twitter, ông Locsin đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Philippines gửi ngay công hàm phản đối tới Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines được cải thiện đáng kể dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Duterte, nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn không ít lần rơi vào sóng gió liên quan tới các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trước đó, các tướng và quan chức quân sự Philippines đã báo cáo lên chính phủ về loạt hoạt động mới của lực lượng tàu hải cảnh Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

AP đưa tin chia sẻ trên Twitter, Bộ trưởng Locsin viết, “Chẳng nhẽ tôi lại phải bay về nước để tự gửi công hàm phản đối? Đây là quân đội thông báo. Không phải thông tin từ hãng truyền thông dân sự. Gửi ngay lập tức!”.

Hiện các quan chức thuộc đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Manila chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào sau tuyên bố trên Twitter của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines.

Kể từ năm 2013, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện giám sát ở khu vực khá gần với bãi Cỏ Mây, nơi tàu hải quân BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn vào năm 1999.

Manila từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có hành động ngăn cản không cho các tàu tiếp viện của hải quân Philippines chuyển hàng hóa cho thủy thủ trên tàu BRP Sierra Madre.

Vào năm 2014, một nhóm nhà báo của hãng tin AP được phép lên tàu tiếp viện của hải quân Philippines để di chuyển tới bãi Cỏ Mây. Trong sự kiện này, các nhà báo của hãng tin AP đã được chứng kiến ít nhất 1 trong 3 tàu hải cảnh Trung Quốc phát cảnh báo qua radio, đồng thời yêu cầu tàu tiếp viện Philippines không lại gần tàu BRP Sierra Madre và khẳng định đây là khu vực nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.

Khi tàu hải quân Philippines từ chối làm theo yêu cầu, một tàu hải cảnh cỡ lớn của Trung Quốc đã có pha áp sát nguy hiểm để buộc tàu Philippines rời khỏi khu vực. Nhưng sau đó, tàu hải quân Philippines đã tìm đường đi khác để thực hiện tiếp viện cho tàu mắc cạn BRP Sierra Madre.

Dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Duterte, giới chức Trung Quốc – Philippines đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại để tránh xảy ra các vụ việc tương tự như năm 2014 nhưng chuyện này vẫn lặp lại.

Cụ thể, một quan chức Philippines giấu tên từng chia sẻ với AP rằng tàu tiếp viện của hải quân Philippines đã bị một tàu Trung Quốc ngăn cản không cho tiếp cận bãi Cỏ Mây hồi tháng Năm.

Theo quan chức Philippines, hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc không phải là muốn ngăn tàu tiếp viện Philippines tiến vào bãi Cỏ Mây mà muốn kiểm soát xem các tàu Philippines có chở theo nguyên vật liệu để tiến hành hoạt động xây dựng trong khu vực hay không.

Vị quan chức Philippines nhấn mạnh thêm, Philippines phản đối mạnh mẽ hoạt động giám sát của Trung Quốc đối với các tàu tiếp viện cho tàu mắc cạn BRP Sierra Madre. Và Philippines sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối nếu Trung Quốc còn lặp lại hành động này.  

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.

Mỹ cũng xem Biển Đông là một phần của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế hoạt động bành trướng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Về phía Việt Nam, Hà Nội luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.

Tàu sân bay Mỹ bị 7 tàu chiến Trung Quốc bao vây ở Biển Đông?

Hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và sự xuất hiện của tàu sân bay Mỹ đã gặp phải sự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thu (lược dịch) ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN