Ông Tập tuyên bố không thay đổi công thức ‘một đất nước, hai chế độ’ với Hong Kong (Trung Quốc)

Không có lý do gì để thay đổi công thức “một đất nước, hai chế độ”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu nhân chuyến thăm đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) để dự lễ nhậm chức của trưởng đặc khu mới.

Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc từ ngày 1/7/1997, với lời hứa của Bắc Kinh về việc giữ nguyên quyền tự trị cho thành phố, bảo đảm các quyền cá nhân và độc lập tư pháp ít nhất đến năm 2047.

Phương Tây chỉ trích Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới, có hiệu lực từ năm 2020, sau các đợt biểu tình rầm rộ ở đặc khu.

Trung Quốc phản đối chỉ trích này, cho rằng luật an ninh giúp “khôi phục trật tự từ trong hỗn loạn”, để thành phố có thể phát triển thịnh vượng.

Ông Tập nói rằng luật an ninh có lợi cho “các quyền dân chủ” của người dân thành phố và công thức “một đất nước, hai chế độ” vẫn được duy trì.

“Với hệ thống tốt như vậy, không có lý do gì để thay đổi. Nó cần được duy trì trong dài hạn”, ông Tập nói.

Trong lễ nhậm chức của trưởng đặc khu mới, tất cả quan chức, kể cả ông Tập, đều đeo khẩu trang và đứng cách ít nhất 1m. Họ cũng không bắt tay.

Cựu quan chức an ninh John Lee, người đang bị Mỹ trừng phạt vì vai trò trong việc áp dụng luật an ninh quốc gia, trở thành trưởng đặc khu vào thời điểm nhiều người chọn cách rời khỏi thành phố và nhiều biện pháp cứng rắn đang được áp dụng để đối phó với dịch COVID-19.

Trong dịp lễ năm nay, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) triển khai một lực lượng an ninh lớn, chặn nhiều tuyến đường và cấm bay ở khu vực cảng Victoria, nơi thống đốc người Anh cuối cùng Chris Patten thực hiện nghi lễ trao trả Hong Kong về cho Bắc Kinh trong buổi lễ xúc động năm 1997.

Những chiếc đèn lồng đỏ và áp phích ca ngợi “kỷ nguyên mới” được trang trí dọc các tuyến đường gần trung tâm hội nghị.

Ông Tập không dự lễ thượng cờ truyền thống trong ngày 1/7. Báo chí cho biết ông đến Hong Kong từ ngày 30/6, nhưng buổi tối trở về Thâm Quyến để sáng hôm sau lại sang Hong Kong.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập đến Hong Kong kể từ năm 2017, khi bà Carrie Lam trở thành nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của đặc khu. Bà Carrie Lam là người dẫn dắt thành phố trong những làn sóng biểu tình rầm rộ nhất hồi năm 2019 và đối phó với đại dịch COVID-19.

Trong chuyến thăm cách đây 5 năm, ông Tập ở lại Hong Kong qua đêm. Lần này, lý do ông chọn cách quay lại Thâm Quyến để nghỉ không được xác nhận chính thức.

Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận hơn 2.000 ca mắc COVID-19 trong ngày 30/6, mức độ mà nếu ở đại lục sẽ tương đương với các biện pháp phòng chống dịch cấp độ cao nhất. Trung Quốc hiện vẫn duy trì chính sách "zero COVID".

Một số nhà phân tích coi chuyến thăm lần này của ông Tập là chuyến đi của chiến thắng, sau khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đặc khu. Trong phát biểu ngày 30/6, ông Tập nói rằng thành phố đã vượt qua những thách thức và “trỗi dậy từ đống tro tàn”.

“Những điều đã diễn ra trong 25 năm qua chứng minh rằng tương lai và vận mệnh của Hong Kong phải nằm trong tay những người yêu nước, những người tự hào là người Trung Quốc”, tờ Thời báo Hoàn cầu bình luận.

“Sự hồi sinh vĩ đại của đất nước Trung Quốc là không thể đảo ngược và tương lai của Hong Kong sẽ tươi sáng hơn”, tờ báo viết.

Trong chuyến thăm của ông Tập cách đây 5 năm, hàng chục ngàn người xuống đường tuần hành, nhưng lần này không có cuộc biểu tình nào diễn ra.

Nguồn: [Link nguồn]

Hong Kong có lãnh đạo mới

Cựu lãnh đạo cơ quan an ninh Hong Kong John Lee (Lý Gia Siêu) đã đắc cử vị trí trưởng đặc khu, thay thế bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Giang Theo Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN