Ông Donald Trump đẩy Trung - Nhật lại gần nhau

Đường lối ngoại giao không theo quy ước của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy Trung Quốc và Nhật Bản lại gần nhau hơn

Trung Quốc và Nhật Bản ngày 26-10 cam kết thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đang "bước ngoặt lịch sử". Hai bên cũng ký kết một loạt thỏa thuận, bao gồm hợp đồng trao đổi tiền tệ trị giá 30 tỉ USD có hiệu lực đến năm 2021.

Kết quả "tan băng" trên đạt được trong chuyến thăm Bắc Kinh 3 ngày của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bắt đầu từ ngày 25-10. Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường hôm 26-10, ông Abe có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối ngày, cũng tập trung nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa nền kinh tế số 2 và số 3 thế giới.

Ông Donald Trump đẩy Trung - Nhật lại gần nhau - 1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự lễ ký kết tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 26-10 Ảnh: REUTERS

"Từ đua tranh đến cùng tồn tại, mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới. Tay trong tay với Thủ tướng Lý Khắc Cường, tôi muốn thúc đẩy mối quan hệ của chúng ta tiến về phía trước" - Thủ tướng Abe phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc hôm 26-10. Đáp lại, ông Lý cũng phát biểu những "lời có cánh": "Trung Quốc mong muốn hợp tác với Nhật Bản để quay trở lại con đường đi bình thường, duy trì sự phát triển quan hệ song phương ổn định, bền vững và lành mạnh". Đặc biệt, người đứng đầu chính phủ Trung Quốc cho biết hai bên nhất trí rằng với tư cách là những nước lớn, họ phải ủng hộ thương mại tự do và thúc đẩy đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) và khu vực thương mại Trung Quốc - Nhật Bản - Triều Tiên.

Tháp tùng Thủ tướng Abe đến Trung Quốc có gần 1.000 đại diện của khoảng 500 công ty Nhật. Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, họ đã ký 500 thỏa thuận tổng trị giá 2,6 tỉ USD với các đối tác Trung Quốc. Hãng tin Reuters cho hay các công ty Nhật, trong đó có các hãng ôtô lớn như Toyota, hy vọng quan hệ với Bắc Kinh được bình thường hóa để họ có thể tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc và từ đó cạnh tranh với các đối thủ Mỹ, châu Âu. Ngược lại, Bắc Kinh quan tâm đến công nghệ và bí quyết kinh doanh của Nhật Bản cũng như mong đợi Tokyo tán thành Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Quan hệ Trung - Nhật chạm đáy năm 2012 do những tranh cãi chủ quyền liên quan tới quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, mối quan hệ này ấm lại nhanh chóng khi Trung Quốc và Mỹ "ăn miếng trả miếng" trong cuộc chiến thuế quan mấy tháng gần đây. Theo đài Deutsche Welle (Đức), lo ngại bị Mỹ tìm cách cô lập trên trường quốc tế, Trung Quốc muốn liên kết với Liên minh châu Âu, Nga và dĩ nhiên không thể thiếu Nhật Bản. 

Trong khi đó, Nhật Bản cũng chịu sức ép từ các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump. Ngoài mối lo chính là Mỹ áp thuế cao lên xe hơi Nhật, chính sách thuế của Washington lên hàng hóa Trung Quốc còn đẩy chi phí doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu lên cao, khiến các công ty Nhật Bản chịu thiệt hại không nhỏ. Bên cạnh đó, thiết bị sản xuất và các linh kiện điện tử Nhật Bản được xuất sang Trung Quốc để chế tạo các mặt hàng hoàn chỉnh cho Mỹ và các thị trường khác cũng bị "vạ lây".

Do đó, không có gì lạ khi đài CNN bình luận chính đường lối ngoại giao không theo quy ước đối với các liên minh thương mại và quân sự của Tổng thống Trump đang thúc đẩy Trung Quốc và Nhật Bản gần gũi nhau hơn. Đài Deutsche Welle cũng nhận xét Nhật Bản và Trung Quốc là những đối thủ về kinh tế, chính trị và quân sự đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng, các chính sách gây tranh cãi của ông Trump buộc 2 nước này gác lại sự kình địch để bắt tay nhau. 

Trung Quốc tuyên bố cứng rắn về vấn đề Đài Loan

Quân đội Trung Quốc sẽ “bằng mọi giá“ có hành động đánh bại nỗ lực tách biệt Đài Loan, Bộ trưởng quốc phòng Trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lục San ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN