Những cô gái tuổi teen trong "địa ngục" nhà thổ ở Ấn Độ

Ở nơi đón hàng triệu tín đồ Hindu giáo mỗi năm tới làm lễ ở Ấn Độ, hàng ngàn nhà thổ vẫn ngang nhiên hoạt động hàng chục năm qua với sự giúp sức đắc lực của những cảnh sát biến chất.

Những cô gái tuổi teen trong "địa ngục" nhà thổ ở Ấn Độ - 1

Ajeet và vợ, sáng lập viên tổ chức Guriya, đã đấu tranh vì những trẻ em gái bị bán vào nhà thổ hơn 20 năm qua.

Hãng phim Blush Original mới đây đã đăng tải bộ phim tài liệu mang tên Gudiya (tiếng Hindu là “búp bê”) mô tả cuộc sống của những cô gái bị bắt vào nhà thổ ở thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh.

Đây là sự thật nghiệt ngã mà hàng ngàn cô gái phải hứng chịu mỗi ngày khi bị bắt giam trong các nhà thổ ở Varanasi, một trong những thành phố tôn giáo lâu đời nhất thế giới.

Giọng nói của hai cô gái trẻ với tên gọi là Roohi và Priya mở đầu cho đoạn phóng sự đầy ám ảnh của Blush Original. Dù mới đăng tải lên Youtube nhưng đã hơn 280.000 lượt người xem và nhận được hàng ngàn lượt bình luận từ các độc giả trên thế giới.

Roohi và Priya, lần lượt 13 và 17 tuổi, đã bị những người đàn ông lạ mặt bắt cóc khỏi làng.

Khi Priya bị bán cho một nhà thổ, chủ chứa biết việc mẹ em đã báo cảnh sát nên Priya bị vứt bỏ giữa đường phố Mumbai. “Chúng hãm hiếp em trong 2 ngày. Em bị đấm, đá tới tấp và bị bán ở Mumbai. Một sĩ quan cảnh sát tên là Chaurasiya đã yêu cầu những tên ma cô vứt em ở một nơi em không thể trở về nhà”, Priya chia sẻ.

 “Chúng ném em ra khỏi xe đang chạy ở Mumbai. Sau đó, em bắt tàu và may mắn trở về nhà an toàn”, Priya nói.

Một cô gái khác được tổ chức phi chính phủ Guriya giải cứu chia sẻ câu chuyện khi em bị bắt cóc ở tuổi 13. Em nói rằng những gì mình trải qua còn tồi tệ hơn cả địa ngục. “Chúng giữ em chặt tới nỗi em không thể thở được. Em la hét nhưng chẳng ai tới cứu”, Roohi nói, “Nếu ai đó muốn hiểu địa ngục và thiên đường trên trái đất, hãy dành một ngày ở những nhà thổ này”.

Những cô gái tuổi teen trong "địa ngục" nhà thổ ở Ấn Độ - 2

Cô gái trẻ  kể lại câu chuyện của mình trong bộ phim tài liệu.

Ajeet Singh và vợ là Manju Singh, sáng lập viên tổ chức Guriya, đã giải cứu Roohi cũng như nhiều cô gái trẻ khác khỏi nhà thổ.

“Chúng tôi không phải cảnh sát hay thẩm phán. Phương châm của chúng tôi là chống buôn bán người, mại dâm trẻ em”, Ajeet Singh nói trong đoạn phim.

Ajeet hoạt động tổ chức Guriya từ năm 1990 và đã tìm mọi cách để phá vỡ hệ thống ủng hộ các chủ chứa. “Hệ thống này như một cỗ máy trơn tru, nó hoạt động nhịp nhàng hàng thập kỉ nay”, Ajeet nói.

Ajeet nói những em bé sơ sinh bị bắt cóc khỏi bệnh viện và tiêm hormone trong nhà chứa. “Trẻ sơ sinh bị bắt cóc rồi bán vào nhà chứa. Các em bị đánh đập, chích điện, bỏ đói và tiêm hormone sinh dục. Trong thời gian ngắn, các em trở thành một phần của nhà thổ và gọi đây là nhà mình”, Ajeet đau đớn kể.

Điều kiện sinh hoạt ở đây rất tồi tệ nên hầu hết các em mắc AIDS, bệnh tình dục và già hơn rất nhiều tuổi đời.

Thành phố Varanasi là địa điểm tín ngưỡng linh thiêng của người Hindu và là đơn vị bầu cử then chốt của Thủ tướng đương nhiệm Narenda Modi.

Những cô gái tuổi teen trong "địa ngục" nhà thổ ở Ấn Độ - 3

Hầu hết nạn nhân từ chối xuất hiện trong phim.

Các nhà thổ ở Varanasi trong nhiều năm liền là điểm nóng của mại dâm trẻ em và nô lệ tình dục nhỏ tuổi. Cảnh sát, nhà cầm quyền, chủ chứa và ma cô đều bắt tay nhau để thực hiện đường dây phi pháp này.

Hai đạo diễn trẻ tuổi Joyna và Aniket Tari biết rằng hệ thống nhà thổ hoạt động hàng thập kỉ nay ở Varanasi nhưng chính quyền không hề muốn ngăn chặn.

“Đây là một vấn nạn bị bỏ sót qua lâu. Chúng tôi hy vọng bộ phim sẽ khiến mọi người suy nghĩ và nói về vấn đề này một cách cởi mở hơn”, Joyna chia sẻ.

Tari nói dù rất cố gắng nhưng chỉ khoảng 2-3 cô gái chấp nhận lên hình và chia sẻ về quãng thời gian địa ngục. Hầu hết đều sợ nói về những gì đã trải qua trong nhà thổ địa ngục.

Bộ phim tài liệu cũng truyền đi thông điệp của những bậc phụ huynh yếm thế, không nhận được sự trợ giúp từ chính quyền và cảnh sát luôn bác bỏ mọi đơn kiện.

“Hầu hết các bậc cha mẹ đều bị cảnh sát từ chối. Cảnh sát đe dọa hoặc buộc họ nói rằng con gái họ đã bỏ nhà đi cùng bạn trai” Manju nói. Nhiều cô gái trẻ chấp nhận lời mớm cung này và thừa nhận bỏ nhà ra đi chứ không hề bị bắt cóc.

Những cô gái tuổi teen trong "địa ngục" nhà thổ ở Ấn Độ - 4

Cảnh sát Varanasi đã tiếp tay với chủ chứa để bức hại hàng chục ngàn cô gái trẻ.

Tổ chức Guriya mới đây đã gửi 14 đơn kiện các chủ nhà chứa trong tổng số 17.000 đơn được phát đi. Tuy nhiên họ không cứu được nhiều cô gái như mong muốn.

Tại phiên tòa ở Allahabad, 500 tên buôn người đã bị bắt. Chúng đề nghị nộp tiền tại ngoại nhưng không được chấp thuận. “Đây là một trong những thắng lợi lớn nhất của chúng tôi. Mỗi bước đi nhỏ sẽ giúp thành công ngày một gần hơn”, Ajeet nói.

Tuy nhiên, Ajeet nói rằng vấn đề lớn nhất với những cô gái sống trong nhà thổ là tâm hồn đã bị hủy hoại nghiêm trọng đến nỗi các em nghĩ rằng chỉ có nhà chứa mới là nơi an toàn.

Những cô gái tuổi teen trong "địa ngục" nhà thổ ở Ấn Độ - 5

Nhiều trẻ em gái bị bắt khi còn nhỏ và đẩy vào nhà chứa (Ảnh từ phim tài liệu).

“Hầu hết các em nghiện ma túy và chịu đựng bệnh tật hoành hành. Sau nhiều năm ở nhà thổ, quay trở về nhà không còn là lựa chọn khả thi với họ”, Ajeet nói. “Các cô gái mất niềm tin vào hệ thống luật pháp, nhất là cảnh sát. Khi tới cảnh sát nhờ trợ giúp, các em lại bị bán sang nhà thổ khác”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – Daily Mail ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN