Nạn tự sát hàng loạt ở “kinh đô kim cương” của Ấn Độ
Cuộc điều tra kéo dài hơn một năm tại “kinh đô kim cương” của Ấn Độ, cho thấy làn sóng tự tử ở nơi cung cấp tới 90% lượng kim cương đánh bóng đến toàn cầu.
Kim cương có giá trị to lớn nhưng các công nhân Ấn Độ chỉ được trả lương bèo bọt.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), sau 10 giờ làm việc đánh bóng kim cương để chuyển đơn hàng tới các cửa hàng xa xỉ ở New York hay Hong Kong, Vikram Raujibhai trở về nhà, chờ đợi khi gia đình không ở nhà và khóa trái cửa.
Raujibhai tẩm mình trong dầu hỏa và thắp lửa. Khi gia đình trở về, họ chỉ còn thấy thi thể cháy sém của chàng trai 29 tuổi. Đó là trường hợp tự sát mới nhất trong số hàng loạt công nhân Ấn Độ làm việc trong điều kiện tồi tệ và được trả lương bèo bọt tại nơi được coi là tại “kinh đô kim cương” của Ấn Độ, theo cuộc điều tra của Reuters.
Chỉ một số ít công nhân làm việc trong ngành công nghiệp chế tác kim cương được trả lương cứng, có thể lên tới 100.000 rupees/tháng (1.450 USD) hoặc nhiều hơn. Nhưng 80% số công nhân còn lại chỉ được trả từ 1-25 rupees cho mỗi viên đá mà họ đánh bóng.
Phóng viên Reuters đã phỏng vấn các chủ cửa hàng, công nhân lao động, gia đình người thân và phát hiện 9 trường hợp tự tử kể từ tháng 11 năm ngoái ở thành phố Surat, nơi được coi là “kinh đô kim cương” của Ấn Độ.
Nhưng các chuyên gia nói đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, con số người tự tử thậm chí còn lớn hơn nhiều nhưng bị che giấu hoặc lãng quên. Theo thống kê trong vòng một thập kỷ qua, tỷ lệ kim cương Ấn Độ xuất khẩu ra nước ngoài đã tăng tới 70%, nhưng điều kiện làm việc của người lao động thì không được cải thiện.
Các gia đình cũng không muốn đổ lỗi cho ngành công nghiệp chế tác kim cương vì sợ mất việc và vì họ cũng không còn lựa chọn nào khác.
Nhiều công nhân Ấn Độ rơi vào bế tắc, dẫn đến tự tử.
Nạn nhân Vikram đã bắt đầu đánh bóng kim cương từ năm 16 tuổi. Trải qua nhiều năm, anh không biết phải làm gì khác và cũng không tìm được vợ.
“Thằng bé kiếm được 6.000 rupee/tháng (90 USD) nhưng gia đình chúng tôi có 7 người nên tiền không bao giờ đủ”, bà Wasanben nói.
Ngược lại, nhiều công ty đá quý nước ngoài đổ bộ vào Ấn Độ để sử dụng lao động chi phí thấp và không phải đầu tư quá nhiều tiền của.
Quan chức Ấn Độ thì nói các công nhân làm việc trong ngành công nghiệp này được trả lương hậu hĩnh. Các công ty đá quý giúp xây dựng trường học, bệnh viện và kiếm việc cho người thân những người tự sát.
Nhưng điều kiện làm việc trong máy lạnh, được trả lương cao chỉ ở một số ít công ty lớn. Đối với các công ty nhỏ hơn, công nhân Ấn Độ phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, không khác gì nô lệ.
Thành phố ven biển Surat được mệnh danh là "kinh đô kim cương" của Ấn Độ.
Theo cảnh sát Surat, có 5.000 trường hợp tự tử được ghi nhận ở thành phố này kể từ năm 2010, tại những khu vực có công nhân chế tác kim cương sinh sống. Hình thức tự tử cũng khá đa dạng, từ treo cổ, uống thuốc độc cho đến tự thiêu.
Tại trung tâm lao động ở Surat, Mukeshbhai Waljibhai Kanjaria. một người đấu tranh vì quyền lợi công nhân nói mình đã gửi thư nói lên vấn đề mà công nhân chế tác kim cương phải đối mặt.
“Trước đây, một công nhân có thể đánh bóng 50 viên kim cương mỗi ngày và nhận được 8 rupee”, Kanjaria nói. “Ngày nay, có máy giúp công nhân đánh bóng tới 500 viên kim cương mỗi ngày, nhưng mức thu nhập vì vẫn như cũ”.
Kanjaria nói công nhân chế tác kim cương cũng không được nhận các ưu đãi xã hội như công nhân làm việc trong nhà máy, ví dụ như lương hưu hay bảo hiểm y tế.
Theo Reuters, các nhà sản xuất, khai thác kim cương hàng đầu thế giới luôn nỗ lực để đảm bảo rằng công nhân không bị lợi dụng. Chow Tai Fook, một công ty Hong Kong có chi nhánh ở Ấn Độ nói họ chỉ mua kim cương từ các đơn vị cung cấp có uy tín và không lạm dụng lao động.
Ma túy, cờ bạc, mại dâm có lẽ đã là quá khứ bởi các băng đảng Yakuza Nhật Bản ngày nay đổ xô ra biển săn tìm “kim...