Năm APEC 2017: Thế và lực Việt Nam đã khác

Sự kiện: Tuần lễ APEC

Ông Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC Việt Nam - khẳng định Năm APEC 2017 là cơ hội để thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với tất cả nền kinh tế thành viên APEC

Phóng viên: Thưa ông, lần thứ hai đăng cai tổ chức Năm APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), Việt Nam kỳ vọng sẽ để lại dấu ấn gì?

- Ông Bùi Thanh Sơn:

So với lần đầu tiên đăng cai vào năm 2006, môi trường quốc tế, khu vực có thay đổi, thế và lực Việt Nam đã khác trước rất nhiều. Qua lần đăng cai năm nay, Việt Nam mong muốn đạt được một số mục tiêu: Tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao đa phương.

Với vai trò là chủ nhà, Việt Nam tiếp tục duy trì đà phát triển, hợp tác trong APEC, thúc đẩy liên kết cũng như thương mại, đầu tư trong khuôn khổ APEC.

Chính vì thế, ngay từ đầu năm, Việt Nam đề ra chủ đề "Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung" và 4 ưu tiên về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những đề xuất này đã được các nền kinh tế ủng hộ rất mạnh mẽ.

Năm APEC 2017: Thế và lực Việt Nam đã khác - 1

Giới truyền thông gấp rút chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC Ảnh: Hoàng Triều

Sau gần 1 năm qua, việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 có ý nghĩa thiết thực như thế nào đối với kinh tế Việt Nam?

- Với Việt Nam, Năm APEC 2017 là cơ hội để thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với tất cả nền kinh tế thành viên APEC, nhất là với 13 trong tổng số 25 đối tác toàn diện và chiến lược của Việt Nam trong APEC.

Điều này đặc biệt thể hiện qua chuyến thăm chính thức song phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Ngoài ra, lãnh đạo của Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, sẽ có cuộc gặp song phương với tất cả lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên.

Việt Nam quyết định tổ chức Tuần lễ Cấp cao (từ ngày 6 đến 11-11) tại TP Đà Nẵng, một trung tâm phát triển mới và nhiều địa phương trên cả nước để giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh chung về một Việt Nam đổi mới, năng động, hội nhập sâu rộng và thân thiện với bạn bè quốc tế. Trong đó, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế là trung tâm của các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dự Tuần lễ Cấp cao APEC, thăm cấp nhà nước tới Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

- Khi Mỹ rút khỏi TPP, các nền kinh tế còn lại tiếp tục trao đổi để có hiệp định cân bằng lợi ích của các bên, đồng thời cũng để ngỏ cơ hội để Mỹ quay trở lại hoặc các nước khác tham gia trong thời gian tới.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC tương đối sớm khẳng định sự quan tâm cũng như lợi ích của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng. Chuyến thăm này chắc chắn sẽ góp phần định hình, làm rõ hơn chiến lược cũng như chính sách của Mỹ đối với khu vực trong thời gian tới.

Mặc dù thời gian rất hạn hẹp khi Tổng thống Donald Trump công du 5 nước châu Á từ ngày 3 đến 14-11, ông cũng thăm song phương Việt Nam bên cạnh việc dự Tuần lễ Cấp cao APEC. Chuyến thăm thể hiện rõ hai bên muốn ngồi lại với nhau, trao đổi, tìm biện pháp tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện đã thiết lập từ năm 2013, vì lợi ích của hai quốc gia.

Đâu là những kết quả nổi bật của Năm APEC 2017 tính đến thời điểm này và nội dung chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC 2017?

- Với hơn 200 hoạt động trong khuôn khổ APEC suốt năm qua, Việt Nam đã bước đầu thúc đẩy các thành viên đạt đồng thuận cao về chủ đề và 4 ưu tiên của Năm APEC 2017. Việt Nam cũng tiếp tục thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất giữa các thành viên; triển khai các bước chuẩn bị cho xây dựng tương lai APEC sau năm 2020...

Tại sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC, Hội nghị Cấp cao APEC, các nhà lãnh đạo kinh tế sẽ thảo luận và thông qua những kết quả hợp tác lớn đạt được trong cả năm, đồng thời định hướng cho hợp tác của diễn đàn trong những năm tiếp theo.

Trong Tuần lễ Cấp cao cũng diễn ra nhiều hoạt động với sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực. Đây là điểm đặc biệt của APEC so với hội nghị thượng đỉnh của các diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế khác, thể hiện sự gắn bó mật thiết của APEC với cộng đồng doanh nghiệp.

Đưa hội nhập kinh tế lên tầm toàn cầu

APEC được thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Úc. Mục tiêu của APEC là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế kỹ thuật và bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.

Từ 12 thành viên sáng lập, đến nay, APEC có 21 thành viên; trong đó có 9 thành viên của nhóm G20, chiếm khoảng 39% dân số, 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu. Hiện APEC tạm ngừng kết nạp thành viên. Cơ chế hoạt động của APEC gồm Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế, Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế, các hội nghị bộ trưởng chuyên ngành, Hội nghị quan chức cao cấp (SOM).

Kể từ khi Việt Nam tham gia APEC năm 1998, diễn đàn này đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đưa hội nhập kinh tế của nước ta lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau này.

Cận cảnh đại yến tiệc APEC hoành tráng chưa từng có

Đại yến tiệc bao gồm màn ca múa nhạc với hiệu ứng ánh sáng đặc sắc và màn pháo hoa đầy ấn tượng. 200 đầu bếp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Ngọc (Người lao động)
Tuần lễ APEC Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN