Mỹ tung chiến thuật gây rối loạn tính toán của ông Putin?

Việc tình báo Mỹ liên tục công bố các thông tin nhạy cảm, bao gồm thời điểm Nga có thể tấn công Ukraine, là chiến thuật trong môi trường chiến tranh thông tin, nhằm gây khó dễ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng là điệp viên KGB, được coi là bậc thầy trong chiến tranh thông tin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng là điệp viên KGB, được coi là bậc thầy trong chiến tranh thông tin.

Những tuần gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục công bố thông tin chi tiết về hoạt động của lực lượng đặc biệt Nga quanh biên giới Ukraine.

Mỹ tiết lộ Nga muốn tạo cớ để đổ lỗi cho Ukraine tấn công trước, nhằm có cớ phát động chiến tranh. Hôm 11, cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan nói Mỹ phát hiện dấu hiệu leo thang căng thẳng từ phía Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức Nga đã nhiều lần khẳng định không có ý định tấn công Ukraine. 

Theo đánh giá của báo Mỹ New York Times, việc Mỹ công bố nhiều thông tin tình báo nhạy cảm là điều chưa từng có tiền lệ kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong những năm 1960.

Giới chức Mỹ hy vọng các thông tin tình báo có thể làm gián đoạn những toan tính quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, khiến Điện Kremlin phải cân nhắc lại về những thiệt hại kinh tế, nhân mạng, chính trị nếu phát động chiến tranh.

Trong các tuyên bố chính thức, giới chức Mỹ nói mục tiêu thực tế lúc này là khiến Moscow không thể tìm ra lý do để biện minh cho cuộc chiến.

Trước khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush cũng từng tung nhiều thông tin tình báo, như các cuộc hội thoại của quan chức quân sự Iraq, ảnh phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Baghdad.

Những thông tin tình báo này sau đó được chứng minh là không chính xác. Giới chức Mỹ cho biết tình thế lúc này rất khác so với năm 2003. Thông tin tình báo Mỹ thu được bao gồm ảnh vệ tinh chất lượng cao mà công nghệ của 20 năm trước không có được.

Avril D. Haines, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ và ông Biden có chung quan điểm tiết lộ các thông tin tình báo về Nga.

Avril D. Haines, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ và ông Biden có chung quan điểm tiết lộ các thông tin tình báo về Nga.

"Với Iraq, thông tin tình báo được sử dụng từ mục tiêu phát động chiến tranh. Lúc này, chúng tôi muốn ngăn chặn một cuộc chiến", ông Sullivan nói.

Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không tiết lộ các thông tin tình báo. Giới chức Mỹ sau đó thừa nhận đây là điều sai lầm.

“Chúng tôi đã học hỏi rất nhiều, đặc biệt kể từ năm 2014, về cách Nga sử dụng thông tin như một phần trong chiến lược quân sự. Chúng tôi cũng cần ngăn chặn ảnh hưởng của Nga trong môi trường chiến tranh thông tin”, Emily Horne, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.

Một quan chức tình báo cho biết Mỹ cần công khai thông tin giúp thế giới hiểu rõ hơn về các hoạt động quân sự của Nga, miễn là có thể bảo vệ nguồn tin và cách thức thông tin được thu thập.  "Những thông tin được công bố có thể khiến Điện Kremlin ngạc nhiên, giới hạn các lựa chọn và có thể buộc ông Putin phải suy nghĩ lại”, Beth Sanner, cựu quan chức tình báo dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nói.

Những người bày tỏ sự lo ngại cho rằng, phương Tây không thể dễ dàng lấn lướt Nga trong môi trường chiến tranh thông tin. “Hãy nhớ rằng, ông Putin từng là điệp viên KGB. Ông ấy là bậc thầy của chiến tranh thông tin, khiến phương Tây không thể đoán được những toan tính thực sự”, Daniel Hoffman, cựu quan chức CIA, nói. 

Khi các tay súng không mang phù hiệu kiểm soát các tòa nhà chính quyền ở bán đảo Crimea, Nga nói đó là lực lượng dân quân. Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Moscow mới tiết lộ rằng những người lính đó thực ra là binh sĩ Nga.

Một rủi ro khác là Mỹ công bố quá nhiều thông tin tình báo, khiến Điện Kremlin cảnh giác và siết chặt thông tin liên lạc. Nếu xung đột nổ ra, Mỹ sẽ rất khó có thể sử dụng các đầu mối tình báo như trước để thu thập thông tin.

“Chiến thuật này không phải là không có rủi ro”, cựu quan chức Beth Sanner nói. “Nga có thể thay đổi cách thức liên lạc, khiến Mỹ bị động ở thời khắc cần tới thông tin tình báo nhất”.

Ngoài ra, chiến thuật công bố các thông tin tình báo của Mỹ cũng gây hoang mang cho các đồng minh, đặc biệt là Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói “Mỹ cung cấp quá nhiều thông tin về khả năng Nga tấn công”, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nước này.

Nguồn: [Link nguồn]

Căng thẳng Ukraine: Nước cờ cao tay của ông Putin sau cuộc gặp Tổng thống Pháp

Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa chứng minh ông mới là người nắm quyền chủ động về vấn đề căng thẳng ở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN