Mỹ-Trung tiếp tục 'đối đầu' chuyện điều tra nguồn gốc COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Hàng loạt cơ quan Mỹ kêu gọi mở lại điều tra nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 và đề nghị quốc tế hỗ trợ nhưng Trung Quốc vẫn tỏ ý bất hợp tác.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25-5, cố vấn của Tổng thống Joe Biden kiêm thành viên nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng Andy Slavitt khẳng định việc điều tra tường tận nguồn gốc virus SARS-CoV-2 là ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay, theo tờ The Financial Times.

Đại diện phái đoàn Trung Quốc phát biểu tại kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Y tế thế giới ngày 24-5. Ảnh: REUTERS

Đại diện phái đoàn Trung Quốc phát biểu tại kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Y tế thế giới ngày 24-5. Ảnh: REUTERS

“Báo cáo điều tra sơ bộ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi đầu năm vẫn chưa đủ để giải thích hết mọi thứ còn chưa sáng tỏ. Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để đi tới ngọn ngành vấn đề và chúng ta cần Trung Quốc (TQ) minh bạch hết sức có thể. Chúng tôi cũng cần được WHO hỗ trợ trong tiến trình điều tra sắp tới bởi tới giờ chúng tôi vẫn đang phải hành động một mình” - ông Slavitt nói.

Mỹ tăng áp lực mở điều tra nguồn gốc COVID-19

Trước đó, cùng ngày, tại kỳ họp trực tuyến thứ 74 của Đại hội đồng Y tế thế giới - cơ quan ra quyết định của WHO, đại diện phái đoàn Mỹ là lãnh đạo cấp cao của Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) Jeremy Konyndyk có phát biểu nhấn mạnh WHO phải nhanh chóng đẩy mạnh tiến trình tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 và sự liên quan của TQ. Theo ông, trọng tâm lúc này là đưa ra được các điều khoản tham chiếu mới rõ ràng, phản ánh “những ưu tiên của tất cả quốc gia thành viên” và đảm bảo cuộc điều tra sắp tới được tiến hành độc lập, mang tính khoa học và do các chuyên gia trong ngành đảm trách.

“Cần phải nghiêm túc và nhanh chóng hơn nữa để truy tìm nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 và sự liên quan của TQ với vấn đề này, không phải để quy trách nhiệm cho bất kỳ bên nào, mà là để giúp thế giới có sự phòng bị tốt hơn cho kịch bản bùng phát một đại dịch toàn cầu khác trong tương lai” - ông Konyndyk cho biết.

Trong cuộc họp báo ngày 23-5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng đã kêu gọi các nhóm chuyên gia độc lập và cộng đồng quốc tế cùng hỗ trợ Mỹ điều tra nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 vì Washington hiện chưa có đủ thông tin để đưa ra kết luận chính xác mà cần thêm dữ liệu. Bà cũng nhắc lại nội dung tập tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ mà tờ The Wall Street Journal tiết lộ về việc có ba chuyên gia ở Viện Virus học Vũ Hán thuộc TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của TQ ngã bệnh với triệu chứng giống COVID-19 một tháng trước khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận và cho biết các cơ quan tình báo Mỹ khác đang xem xét kỹ lưỡng thông tin này.

Đài CNBC dẫn lời cựu Giám đốc Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb cho rằng Mỹ và các quốc gia bất ngờ quan tâm lại việc điều tra nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 là bởi ngày càng có nhiều thông tin cho thấy SARS-CoV-2 thật sự đã bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán.

“Nếu như hồi năm trước thì ai cũng sẽ nói virus phát triển tự nhiên và không thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm TQ được. Tuy nhiên, đến nay là đã hơn một năm rồi mà giới khoa học dù nghiên cứu cật lực vẫn chưa thể tìm ra bằng chứng cụ thể và rõ ràng là virus lây lan tự nhiên từ động vật sang người, trong khi các báo cáo như kiểu The Wall Street Journal mới đăng tải lại liên tục xuất hiện” - ông Gottlieb cho hay.

Đáng chú ý, ông Gottlieb không phải chuyên gia duy nhất thay đổi quan điểm về nguồn gốc virus gây dịch COVID-19. TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ, hồi 23-5 cũng đã khẳng định ông không còn tin nhiều vào giả thuyết virus SARS-CoV-2 hình thành tự nhiên, không có sự can thiệp của con người. Ông cũng là người hồi năm ngoái sẵn sàng “cãi tay đôi” với Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump để bác bỏ giả thuyết virus gây dịch COVID-19 thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán.

Trung Quốc phản ứng ra sao?

Đối mặt áp lực đòi minh bạch thông tin về đại dịch của Mỹ, lãnh đạo TQ tới nay hầu như đều giữ im lặng. Tuy nhiên, với một số ít lần có phát ngôn thì Bắc Kinh vẫn liên tục phản bác giả thuyết virus bị rò rỉ và cáo buộc Mỹ và phương Tây cố tình “hạ bệ” nước này. Đơn cử, đại diện của TQ tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới đã phản bác tuyên bố của ông Konyndyk và khẳng định các cuộc điều tra về nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 ở TQ đã kết thúc và đã đến lúc “hướng sự chú ý đến những nước khác”.

“Phần của TQ tới đây đã hoàn thành. TQ đã hỗ trợ các nhà khoa học tiến hành hợp tác truy tìm nguồn gốc toàn cầu. Chúng tôi bây giờ kêu gọi tất cả các bên áp dụng thái độ cởi mở và minh bạch để hợp tác với WHO trong việc truy xuất nguồn gốc” - người này cho biết.

Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Thời báo Hoàn Cầu - trực thuộc Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản TQ, mới đây đã có bài xã luận chỉ trích ông Fauci đang “cố tình thổi bùng một lời nói dối kinh khủng nhắm vào TQ”. “Ông ta đang có ý đồ gì khi nhắc lại thuyết âm mưu vô căn cứ rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm? Đây từ lâu vốn là thuyết âm mưu do tình báo Mỹ nghĩ ra để bôi nhọ TQ” - ông Hồ Tích Tiến gay gắt chỉ trích.

 Không chỉ chính phủ Mỹ mà các cơ quan lập pháp của nước này cũng đặc biệt quan tâm tới việc điều tra nguồn gốc virus gây dịch COVID-19. Hãng Reutersvừa đưa tin hai ủy ban Tình báo tại Hạ viện và Thượng viện đã tự thành lập lực lượng điều tra riêng và đang xác minh tài liệu tình báo do The Wall Street Journal tiết lộ. Đặc biệt, Ủy ban Tình báo Hạ viện song song đó cũng tiến hành điều tra về phản ứng của cơ quan tình báo Mỹ với đại dịch.

Trả lời phỏng vấn của The Wall Street Journal, GS Lawrence Gostin thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) cho rằng TQ hiện đang khiến cho việc điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 trở nên rất khó khăn do thái độ bất hợp tác của nước này. Nếu TQ không đồng ý mở cửa để đón các đoàn chuyên gia quốc tế vào tiếp tục điều tra thì có thể tiến trình này sẽ đi vào ngõ cụt.

Trong khi đó, WHO lại không có thẩm quyền để ép TQ mở cửa biên giới mà thậm chí lại có phần e ngại ảnh hưởng và áp lực từ TQ bởi nước này vẫn đang là nước đóng góp một khoản không nhỏ chi phí hoạt động cho WHO. Áp lực của TQ cũng được đánh giá là một trong những lý do khiến báo cáo điều tra sơ bộ của WHO hồi đầu năm không đạt được chất lượng như mong đợi.

“Tôi nghĩ rằng Mỹ và đồng minh nên tìm cách nào đó thuyết phục để TQ hợp tác, tạo điều kiện cho việc điều tra. Tôi không nghĩ cứng rắn sẽ có ích trong bối cảnh hiện nay, bởi nếu TQ không mở cửa thì Mỹ biết làm gì? Cấm vận kinh tế thì không hiệu quả, bởi TQ từng cho thấy họ sẵn sàng đi tới cùng hồi hai bên nổ ra thương chiến năm 2018. Cần đảm bảo cho TQ rằng họ sẽ không bị quy trách nhiệm và cuộc điều tra chỉ nhằm mục đích khoa học trong trường hợp kết quả thu được gây bất lợi cho họ” - ông Gostin nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Biden yêu cầu tình báo Mỹ điều tra sâu hơn về nguồn gốc đại dịch Covid-19

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26.5 đã chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ điều tra sâu hơn về nguồn gốc đại dịch Covid-19...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vĩ Cường ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN